Hai năm liên tục, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hạt gạo Việt Nam. Năm 2013, con số xuất khẩu chính ngạch là 2 triệu tấn, chiếm hơn 33% trong số 6,6 triệu tấn gạo xuất khẩu. Năm 2013, còn có khoảng 1,5 triệu tấn gạo giao dịch qua đường biên giới. Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2014, Trung Quốc vẫn là khách hàng nhập khẩu lớn nhất gạo Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường phức tạp, đầy rủi ro.
Thương mại biên giới còn phát triển
Có thể nói, sự sụt giảm lượng gạo xuất khẩu chính ngạch 6 tháng cuối năm 2013 do khó khăn về thị trường và sự giảm giá liên tục do cạnh tranh quyết liệt của gạo Thái Lan, đẩy Việt Nam xuống vị trí thứ 3 về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ (9,6 triệu tấn), Thái Lan (6,8 triệu tấn) khiến nhiều người lo ngại giá lúa gạo trong nước còn rớt giá mạnh hơn. Nhưng điều này đã không xảy ra khi mà cũng trong giai đoạn này, lượng gạo giao dịch qua biên giới với Trung Quốc tăng mạnh, với khoảng 1,5 triệu tấn.
Theo VFA, xuất khẩu gạo qua biên giới Trung Quốc tăng vọt do giá gạo giao tại biên giới cao hơn giá mua xuất khẩu trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các tỉnh biên giới, dù chất lượng thấp hơn.
Thương mại qua biên giới được luật pháp và tập quán quốc tế công nhận, ngày càng phát triển do điều kiện thuận lợi về địa lý và vận chuyển gần, nhất là đối với khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc. Trong điều kiện nguồn cung thừa, Trung Quốc trở thành tâm điểm và Việt Nam có khả năng đáp ứng nhu cầu nhanh. Do đó, thương mại gạo qua biên giới Trung Quốc sẽ còn đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới.
Hạn chế rủi ro
Hạt gạo Việt Nam có nhiều ưu thế cạnh tranh với thị trường tiềm năng hơn 1,3 tỷ người, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đều nhìn nhận, đây là thị trường đầy rủi ro, cả xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch.
Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 2 triệu tấn gạo, chiếm 33,2% sản lượng gạo xuất. Vậy nhưng, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy rất lớn, lên đến 54%, trong đó phần lớn từ các DN Trung Quốc. Ngay từ năm 2012, VFA đã khuyến cáo các DN cần xem xét và cân nhắc kỹ khi ký hợp đồng, nhất là về mặt thanh toán, nếu không sẽ dễ bị hủy nếu như giá gạo có sự biến động.
Việc mua bán tại biên giới tuy khá dễ dàng, không qua kiểm tra chất lượng gạo nghiêm ngặt như gạo xuất chính ngạch, nhưng việc mua bán dạng này “5 ăn, 5 thua”. Không ít DN Việt Nam đã bị DN Trung Quốc xù nợ nên mất trắng, thậm chí không ít DN bị phá sản.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Angimex (An Giang), xuất khẩu tiểu ngạch có vai trò quan trọng nhất là khi thị trường gạo chính ngạch bị cạnh tranh gay gắt, nhưng đây là con dao hai lưỡi. Phía DN nhập khẩu không cần quota và đóng thuế, nên hiệu quả cao hơn nhập khẩu chính thức. Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát thích hợp để quản lý và thúc đẩy thương mại gạo chính quy.
Nếu không, việc gia tăng xuất khẩu tiểu ngạch sẽ gây trở ngại cho xuất khẩu chính ngạch do giá giao dịch tại biên giới cao hơn giá gạo nội địa. Nhiều thời điểm giá gạo giao dịch thị trường thế giới thấp hơn giá gạo nội địa khi gạo hàng hóa bị hút về biên giới. Nếu không có biện pháp phù hợp, có nguy cơ làm trì trệ việc giao dịch chính quy, tác động ngược trở lại giá lúa gạo trong nước.
Đây là vấn đề mà một loạt DN lên tiếng tại buổi họp tổng kết năm diễn ra tuần qua của VFA. Điều này liên quan đến việc chưa quản lý và kiểm soát gạo buôn bán ở biên giới, dẫn đến tình trạng DN hai bên trốn thuế, không xuất hóa đơn (5% VAT), nhà nước hai bên bị thất thu thuế.
Năm 2013, trong số 1,5 triệu tấn giao dịch qua biên giới, theo ngành hải quan, chỉ có 400.000 tấn gạo là buôn bán hợp pháp. Không loại trừ khả năng xảy ra tình trạng gian lận thương mại trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo Kinhtenongthon