(Baonghean) - Trong khi bài toán xử lý rác thải ở nông thôn đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương thì tại xã Thanh Hưng (Thanh Chương), mô hình xây lò chứa rác tại hộ gia đình do Hội Cựu chiến binh xã phát động đang phát huy hiệu quả. Sau hơn nửa năm triển khai, mô hình đã mang lại cảnh quan xanh - sạch - đẹp và đang được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Tại vùng nông thôn hiện nay, mặc dù quỹ đất rộng nhưng nhiều địa phương không quy hoạch được bãi rác tập trung, không có hệ thống thu gom, vận chuyển rác thải, do vậy các hộ thường phải tự xử lý rác thải của gia đình mình. Theo thói quen, chỗ nào có đất trống là người dân mang đến đổ, phổ biến nhất là tình trạng xả rác thải bên bờ kênh, ven ruộng, ao hồ, thậm chí đổ ra ven đường. Nhà nọ thấy nhà kia đổ được thì cũng "tham gia", và kết quả là hình thành những bãi rác nhỏ rải rác khắp thôn, xóm, đọng mùi hôi thối rất khó chịu, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan thôn xóm, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng có điều kiện phát triển. Xuất phát từ thực tế trên, Hội CCB xã Thanh Hưng đã tìm biện pháp, dùng cách thức xử lý rác thải từ mô hình "lò đốt rác hộ gia đình”, với kết quả khả quan.
Ông Nguyễn Đình Hòa- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, từ nguồn kinh phí môi trường, đầu năm 2013 huyện đã đầu tư xây dựng khu rác thải tập trung tại khu vực Khe Nước trên quy mô 1ha. Nhưng với lý do vận chuyển rác đến khu tập trung quá xa, có những xóm cách bãi rác đến hơn 2km, trong khi xã chưa thành lập được đội ngũ thu gom rác thải nên phần lớn rác do các gia đình tự xử lý. Tháng 7/2013, UBND xã giao cho Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân làm nòng cốt phát động phong trào nhân dân tự xây lò rác để phân hủy tại gia. Xã hỗ trợ 120.000 đồng/lò chứa rác, phải xây đúng theo quy chuẩn đưa ra, có tường xây bao quanh có mái lợp, rộng 60 - 80 cm, dài 1,5m, chiều cao 70 cm được ngăn làm 2 ô, 1 ô để chứa chất thải rắn và 1 ô để chất thải có thể tiêu hủy bằng lửa, phía bên trong hố này có ngăn 1 lớp vỉ sắt được kê cao cách mặt đất khoảng 30 phân có tác dụng sàng lọc và không để rác rơi xuống ngăn cản quá trình bốc cháy của các loại chất đốt phía dưới. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên góp phần thúc đẩy nhân dân hưởng ứng thực hiện theo. Đến nay, Thanh Hưng đã có 520/1.216 hộ xây lò chứa rác, những xóm phong trào làm mạnh, đạt trên 70% số hộ như ở xóm 8 (có 65/90 hộ), xóm 10 (58/84 hộ), xóm 11 (71/90 hộ)... Năm 2014, xã tiếp tục hỗ trợ mỗi lò rác chứa 70.000 đồng để khuyến khích người dân tiếp tục xây dựng, góp phần sớm hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Sau thời gian thực hiện mô hình hố xử lý rác thải hộ gia đình trên địa bàn toàn xã, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt. Qua đó thay đổi được tư duy, ý thức của người dân trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường, bảo đảm sức khỏe cho gia đình, cho cộng đồng. Bên mô hình lò đốt rác vừa được xây theo đúng quy chuẩn trong góc vườn cách nhà ở 5 mét, ông Hoàng Văn Tỵ (xóm Trường Minh) vui vẻ cho hay: Chi phí cho mỗi lò đốt rác chỉ khoảng 300.000 - 350.000 đồng cả tiền công, tiền vật liệu xây dựng, tính ra có lợi về kinh tế đáng kể so với những nơi phải đóng tiền vệ sinh, thu gom rác hằng tháng. Từ khi chính quyền xã vận động xây dựng hố rác tại gia, môi trường đường làng ngõ xóm thoáng đãng hơn hẳn. Tuy nhiên, cũng theo ông Tỵ, mô hình lò đốt rác thải hộ gia đình cũng có những hạn chế nhất định, đó là không xử lý được lượng rác thải rắn, xây dựng, chỉ xử lý được ở những hộ có đất vườn rộng, còn đối với những hộ nằm trên quốc lộ, kinh doanh, buôn bán diện tích đất hẹp nên không thể xây cất…
Từ hiệu quả mô hình xây hố rác tại gia đình ở xã Thanh Hưng, UBND huyện Thanh Chương đã ra văn bản chấn chỉnh tình trạng rác thải vứt tự do ra nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường. Theo đó các địa phương cần phát động đợt chiến dịch về thu gom, vận chuyển, xử lý tất cả các điểm rác thải vứt tự do; chỉ đạo các thôn, xóm xây dựng quy chế tự quản. Đối với các điểm có mật độ dân cư đông, vườn hẹp cần thành lập các tổ thu gom, vận chuyển rác thải. Đối với các điểm dân cư xa khu trung tâm, có diện tích vườn rộng thì tổ chức phát động nhân dân, mỗi hộ xây dựng một lò đốt rác 2 ngăn để hàng ngày rác thải được phân loại và đốt ngay tại lò. Theo chị Nguyễn Thị Lương - Cán bộ phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, huyện đã có chính sách hỗ trợ mỗi xã 70 triệu đồng để xây dựng mô hình theo đúng thiết kế mẫu của phòng Công thương.
Ở mọi làng quê, hầu hết các gia đình đều có những khoảng vườn rộng rãi, nếu xây dựng mỗi hố rác như thế chỉ chiếm khoảng 1m2 đất. Với cách làm hiệu quả từ xã Thanh Hưng cần được nhân rộng, góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải tại nông thôn. Và nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường có hạn trong khi nhu cầu của người dân còn nhiều. Do đó, việc bảo vệ môi trường còn cần cả những ý tưởng sáng tạo và cách làm hay từ cộng đồng để môi trường vùng nông thôn hay thành thị đều được sạch, đẹp.
Ngọc Anh