Ngoại binh là điều tiên quyết
Điều kiện tiên quyết là nhà vô địch V-League phải có ngoại binh hay chứ không phải HLV ngoại tay nghề cao. Năm nay, Hà Nội FC thậm chí còn có 2 ngoại binh hàng đầu V-League, nói rộng ra trong 10 chân sút hàng đầu của mùa giải chỉ có 2 chân sút nội là Tiến Linh và Công Phượng.
Xu hướng gần đây, muốn có thành tích tốt là phải có tiền đạo ngoại giỏi đá càn lướt, tì đè. Ngay như HAGL, có hàng tiền vệ gồm những tuyển thủ quốc gia nhưng không có ngoại binh tốt thì cũng chật vật nửa cuối bảng xếp hạng. V-League tỏ ra thích hợp với các ngoại binh có thể hình, thể lực tốt hơn là mẫu cầu thủ đá thiên về kỹ thuật.
Trong khi đó, khâu làm bóng lại được đóng đinh cho các nội binh, tốp 5 kiến tạo mùa giải duy nhất Pape Omar có tên. Nhưng việc chỉ có 7 pha kiến tạo thành bàn của đội trưởng FLC Thanh Hóa kém xa con số 17 pha của Nghiêm Xuân Tú - Vua kiến tạo mùa giải này.
Khả năng xoay xở, chuyền bóng của các cầu thủ Việt Nam tốt hơn các cầu thủ ngoại. Ngoại trừ Hùng Dũng (Hà Nội) và Tấn Tài (B.Bình Dương) là các tiền vệ trung tâm, các cầu thủ đứng đầu danh sách kiến tạo đều đá tiền vệ biên.
Điều này cho thấy, xu hướng đánh biên đã và đang được các CLB Việt Nam thực hiện ngày càng nhiều. Bản thân trong 8 pha kiến tạo của Hùng Dũng và 7 pha của Tấn Tài thì một nửa đến từ những pha tạt từ biên.
Xu hướng thầy nội
Hơn 10 năm qua, các ông thầy nước ngoài chưa bao giờ thành công ở V-League do những khác biệt về tính chuyên nghiệp trong đời sống lẫn trên sân cỏ cùng sự lắt léo hậu trường.
Ngay như mới đây, FLC Thanh Hóa không tiếc tiền để rước ông thầy ngoại Petrovic từng đoạt Cúp C1 châu Âu về sân. Nhưng rốt cuộc vẫn phải chia tay trong cảnh “tiền mất, tật mang” do không thể giúp đội nhà vô địch V-League.
Khi đi, ông thầy người Serbia chua chát: “Ban tổ chức cần trao giải cho đội vô địch trước, còn những thứ hạng khác cho các CLB tranh nhau, khỏi tốn công, mất sức”. Với con mắt nhà nghề ông Petrovic không khó nhìn ra trở lực ngăn cản và chống lại không chỉ Thanh Hóa khi sự thao túng V-League trong tay một ông bầu là có thật.
Đầu mùa này, Thanh Hóa lại tiếp tục mời HLV Marian Mihail từng giữ chức giám đốc kỹ thuật LĐBĐ Romania nhưng vội sa thải chỉ sau bốn vòng đấu khi nghe phong phanh chuyện “gà nhà đá nhau”. Thầy nội trẻ Nguyễn Đức Thắng lên cầm quân sau khi dẹp chuyện “lùm xùm” trong phòng thay đồ và FLC Thanh Hóa trở lại đường đua và cuối cùng giành ngôi Á quân.
Ông Chung Hae-seong của đội HAGL từng là trợ lý HLV Hiddink thời Hàn Quốc vào tốp 4 thế giới tại World Cup 2002. Sự nghiệp huấn luyện của ông Chung ở quê nhà còn huy hoàng hơn đồng nghiệp Park nhưng về với HAGL thì ông không thể tỏa sáng. HAGL mùa này thi đấu nhợt nhạt hơn, không có nét riêng nào của đội bóng được bầu Đức chăm bẵm suốt 4 năm qua.
CLB TP HCM thuộc số ít đội bóng Việt Nam vẫn còn “sính ngoại”, sau khi chia tay ông thầy người Pháp HLV Alain Fiard họ chuyển hướng sang HLV Toshiya Miura, một nhà cầm quân người Nhật.
Trong danh sách ban huấn luyện CLB TPHCM có trợ lý Trần Hùng Cường, HLV thủ môn Võ Văn Hạnh, chuyên gia thể lực người Đức Martin Forkel. Bầu Vinh đã kịp lôi về sân Thống Nhất các ngôi sao: Trần Phi Sơn, Nguyễn Thanh Diệp (thủ môn), Sầm Ngọc Đức, Vũ Ngọc Thịnh, Nguyễn Hải Anh, đây đều là những cầu thủ từng khoác áo ĐTQG dưới thời HLV Miura và có lúc TPHCM được xem như ĐTQG thu nhỏ.
Mùa giải này, TP HCM đặt mục tiêu lọt vào tốp 3 nhưng các học trò HLV Toshiya Miura vừa bị mất hình ảnh do lối đá bạo lực lại cũng chỉ cán “tốp 3, tính từ dưới lên” một cách khá chật vật. Việc bầu Vinh và sau đó là HLV Miura “ly hôn” với đội bóng là điều không làm ai ngạc nhiên.
V-League giờ đây không còn chỗ đứng cho kiểu mẫu HLV Calisto với đội ĐT Long An hồi năm 2005-2006 hay “ông giáo” người Thái HLV Songamsak 14 năm trước vô địch cùng HAGL 2 năm liền. Chỉ các HLV nội mới thấu hiểu mọi ngóc ngách của sân cỏ V-League, không bị học trò và đồng nghiệp “đâm lén” một cách tinh vi. Chưa kể, họ phải biết điều, cương nhu đúng lúc với giới cầm còi, được lòng giới truyền thông.