Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 26 về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Một trong những đột phá của công tác cán bộ tại Nghị quyết này là chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương.

Phóng viên VOV phỏng vấn Nhà Sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về nội dung này.

063119-1.jpgĐại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

PV:Từ Luật Hồi Tỵ cho thấycha ông ta đã lường trước việc quan lạiđứngđầu tỉnh là người địa phương thì sẽ thiết lập mối quan hệ thân quen, dòng tộc gây phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý điều hành. Thực tế giờ đây đã nảy sinh thực trạng “Kính thưa đồng chí bố, đồng chí vợ, đồng chí con…”. Nếu thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy không là người địa phương thì theo ông có giải quyết triệt để vấn đề này?

Ông Dương Trung Quốc: Chắc chắn đó là yếu tố đột phá có tác động tích cực, tuy nhiên để giải quyết triệt để thì không chỉ ở khâu này. Đây chỉ là một giải pháp, đòi hỏi cả cơ chế, môi trường và đây cũng là điều cần thiết chúng ta phải làm, nhưng đi cùng với nó là xây dựng thể chế, đặc biệt là sự giám sát chặt chẽ và trách nhiệm cá nhân được giao thì sẽ từng bước khắc phục được.

PV: Ngoài câu chuyện mối quan hệ gia đình, dòng tộc, khi người đứng đầu cấp ủy là người địa phương còn có nguy cơ lợi ích nhóm, lũng đoạn công tác cán bộ và hàng loạt tiêu cực khác. Ông có cho rằng chúng ta sẽ không phải lo lắng về vấn đề này khi Bí thư cấp ủy là người của địa phương khác?

Ông Dương Trung Quốc: Luật Hồi Tỵ toàn diện hơn, không chỉ nói đến vấn đề ông quan không được trị nhậm ở quê hương của mình mà còn có nhiều quy định khác như không lấy vợ ở địa phương đó, không tậu bất động sản ở đó, thậm chí người Phó không phải là người đồng hương.

Nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

Điều quan trọng nhất, trong cơ chế chính trị của ta, Bí thư là người có vị trí cao nhất nên điều này sẽ tạo ra một sự thay đổi rất căn bản nhưng không thể triệt để ngay từ đầu được mà phải là một quá trình, nó sẽ thủ tiêu được những nguy cơ, nhưng mở ra sự phát triển, phát huy được vai trò lãnh đạo.

Ở các nước, việc lobby (vận động hành lang) là chuyện bình thường, thậm chí ở Hoa Kỳ coi đây là phương thức để làm tốt hơn công tác quản lý xã hội. Vấn đề còn lại là giám sát trên cơ sở pháp luật, rằng sự “móc ngoặc” ấy có mang lại lợi ích chung hay mang lợi ích cục bộ. Có khi sự “móc ngoặc” mang tính chất tư vấn, có khi sự tác động tích cực của nó được phát huy.

Tôi nghĩ rằng, đi cùng việc này cần phải có một hệ thống pháp luật, nếu tất cả sự “móc ngoặc” đó phục vụ tư lợi thì sẽ bị luật pháp điều chỉnh và chịu sự giám sát của pháp luật và xã hội.

PV: Ông có cho rằng Bí thư cấp ủy không là người địa phương thì dẫn tới hiện tượng người đứng đầu sẽ bị cô lập, sẽ có những khó khăn khác khi tìm hiểu địa phương?

Ông Dương Trung Quốc: Bí thư cấp ủy không là người địa phương thì sẽ khó khăn trong việc tìm hiểu địa phương, tôi cho rằng trong thời đại ngày nay điều này không phải là lý do chính đáng. Họ có thể tiếp cận rất nhiều qua thông tin, cũng như điều hành bộ máy vì Bí thư không phải làm một mình mà còn có các thành viên khác.

Bên cạnh đó, người lãnh đạo cấp tỉnh thì không chỉ biết vấn đề địa phương mà luôn xác lập được vị thế của tỉnh đó với tổng thể quốc gia, thậm chí hội nhập với thế giới. Chính vì vậy, người từ nơi khác đến lại có cách nhìn rộng rãi, phù hợp với xu thế hiện nay hơn là người địa phương. Và chính điều đó tạo ra sự phát triển tốt hơn cho địa phương.

Vấn đề còn lại là bộ máy, một là quan hệ giữa bộ máy của Đảng với chính quyền; thứ hai là trong nội bộ Đảng bộ đó. Giữa người ở nơi khác và người địa phương chắc chắn sẽ nảy sinh vấn đề này, vấn đề kia, nhưng nếu tạo ra một cơ chế, nhất là cơ chế trách nhiệm cá nhân thì sẽ tạo điều kiện cho mỗi người có trách nhiệm riêng đối với vị thế của mình, ở đây chính là vai trò của người lãnh đạo. Người từ nơi khác được cử đến phải có đầy đủ phẩm chất thì mới có thể phát huy được.

PV: Theo ông, khi một cán bộ từ địa phương khác đến làm Bí thư cấp ủy cấp tỉnh thì bộ máy nào kiểm soát vị trí này?

Ông Dương Trung Quốc: Người đứng đầu địa phương ngoài việc có phẩm chất đạo đức, được đào tạo thì vấn đề quan trọng vẫn là trách nhiệm. Lâu nay chúng ta vẫn hay nói trách nhiệm tập thể, hay nói cách khác là hòa cả làng, thậm chí người đó không bị kỷ luật mà còn được thăng chức ở lĩnh vực khác, do đó vấn đề này chỉ có người dân giám sát, nếu chúng ta tôn trọng và có kênh để người dân tham gia giám sát thì đó là yếu tố rất tích cực hỗ trợ chủ trương tìm hệ thống quan chức có đủ năng lực điều hành địa phương.

Ở đây chúng ta đang bàn đến một khâu, và một khâu không giải quyết được vấn đề gì triệt để nhưng đó có thể là sự khởi động, đòi hỏi tất cả bộ máy phải thay đổi và mỗi con người phải tự thay đổi mình.

PV: Theo quan điểm của ông có nên xây dựng cơ chế bảo vệ lãnh đạo để họ có thể sát cánh cùng người địa phương làm tốt nhiệm vụ của mình, vì nhiều khi vẫn có hiện tượng người đứng đầu bị cô lập?

Ông Dương Trung Quốc: Còn nhớ, khi trao đổi về Luật Cảnh vệ, có lãnh đạo địa phương đề nghị phải có người bảo vệ sự an toàn cho họ, nhưng tôi cho rằng điều đó không quan trọng. Bởi chính điều này có thể cách ly họ với người dân địa phương.

Vấn đề quan trọng là người lãnh đạo phải đủ tài, đủ sức để cố kết các thành viên trong tổ chức để thực hiện nhiệm vụ của mình. Tính bản thiện là căn bản, họ có thể có những mặt trái, tiêu cực nhưng nếu tạo ra cơ chế để khuyến khích họ làm việc tốt, được hưởng lợi từ việc tốt, thì họ cũng không dám, không cần thiết phải tiêu cực nữa và chắc ai cũng có mong muốn được đóng góp cho địa phương, cho quê hương.

PV:Ông nghĩ sao về quan điểm nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND?

Ông Dương Trung Quốc: Xu thế này là cần thiết, nhất là trong thời kỳ xây dựng đất nước. Mô hình lựa chọn có thể khác, dựa trên những đặc thù riêng của chúng ta nhưng dẫu sao việc quản lý quốc gia vẫn nên học hỏi các nước.

Còn nhớ có lần ở Quốc hội, chúng ta đón một nhà lãnh đạo kiêm 2 chức của một nước lớn đến, tôi thấy cả 2 nhà lãnh đạo cao cấp của nước ta đứng cùng cho đủ lễ. Tôi đã phát biểu, một nước nhỏ như Lào, nước lớn như Trung Quốc họ đều làm được thì tại sao chúng ta không làm được. Nhưng đi đôi với đó là quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn.

Gần đây đã có chuyển động rất tích cực là luật pháp không trừ một ai, và cũng thấy người dân có lòng tin đối với bộ máy lãnh đạo. Chính vì vậy, trao quyền cho cán bộ nhưng có hệ thống pháp luật và sự giám sát của người dân, cộng với trách nhiệm thì hoàn toàn có thể khắc phục được chuyện đó.

PV: Xin cảm ơn ông.