Rất khó nhưng việc giảm nhân sự công nhất là nhân sự lãnh đạo phải là bài toán được giải quyết. Ngân sách khó có thể chịu đựng thêm với hệ thống công chức khổng lồ của đất nước như hiện nay.
Nhân sự công ở đây ngoài công chức còn là những nhân sự lãnh đạo ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Chưa bao giờ sự bức thiết phải giảm biên chế bộ máy lại cấp bách như hiện nay. Bởi tình trạng lạm phát lãnh đạo là một sự thật không dễ chấp nhận. Đặc biệt là lãnh đạo cấp phó.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết TƯ 6 khoá 12 ngày 29/11/2017, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính dành cả buổi sáng để phân tích Nghị quyết số 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong đó ông đưa ra những con số cán bộ khiến không ít người giật mình: “Cả nước hiện có hơn 81 nghìn lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% tổng số cán bộ công chức từ TƯ đến cấp huyện.
Cứ 5 cán bộ, công chức có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, chả có ai là chuyên viên cả”. Trong khi đó số lượng cục trưởng tại các cục lên tới 337 người, riêng Bộ Tài chính có 181 cục trưởng. Vụ trưởng tại các cơ quan trung ương là 218 người.
Có những con số dù trí tưởng tượng phong phú cũng khó có thể hình dung. “Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng”. Rõ ràng việc lạm phát lãnh đạo đã ở mức khó có thể kiểm soát.
Chỉ tính các cơ quan Trung ương, các ban Đảng, Đoàn thể, Nhà nước… số cán bộ này dứt khoát có sự trùng lặp chức danh, nhiệm vụ và điều gì sẽ xảy đến? Không khó để trả lời là hiệu quả công việc không cao và đương nhiên có chức vụ có hàm chức danh sẽ kèm theo lương trách nhiệm và những chi phí công việc. Ngân sách sẽ phải chi trả một khoản không nhỏ cho sự vô lý của việc đề bạt tràn lan này. Nếu tính thêm con số từ các địa phương thì lời giải của bài toán giảm nhân sự công càng thêm phức tạp và khó khăn.
Đã có những chất vấn của đại biểu quốc hội trong nghị trường vài năm qua về chức danh "hàm". Theo Bộ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, quy định về bổ nhiệm cán bộ không đề cập chức danh này. Đây thực chất chỉ là một chức danh vận dụng của một số cơ quan có thẩm quyền.
Tuy không là chức danh chính thức theo luật định nhưng “hàm” vẫn có những chế độ riêng cho từng cấp. Trong đó có lẽ sự thể hiện khâu “danh” là nhiều hơn cả quyền lợi và nghĩa vụ. Cái danh “hàm” vụ trưởng hay vụ phó…chắc chắn không thể tạo ra hiệu quả hơn trong công việc. Còn nó có gây ra những cản trở thế nào thì có lẽ những người trong cuộc quá rành. Việc phong chức danh “hàm” còn là cả một hệ lụy chưa thể giải quyết.
Cũng trong hội nghị, Trưởng ban TCTW Phạm Minh Chính cũng chỉ ra những chồng chéo chức năng, trùng lặp nhiệm vụ giữa một số tổ chức Đảng và chính phủ cũng như bộ, ngành. Thí dụ như công tác tổ chức Đảng với cơ quan Nội vụ đồng cấp, thanh tra chính quyền với ủy ban kiểm tra của bên Đảng.
Những chồng chéo, trùng lặp này chỉ có thể kết thúc khi mạnh dạn cải tổ. Đáng mừng là đã có những tín hiệu tích cực đầu tiên về nhất thể hóa các chức danh, sáp nhập cơ quan để giải bài toán giảm nhân sự công. Và Quảng Ninh là nơi thí điểm tiên phong đã mang lại những kết quả không bất ngờ nhưng tích cực.
Quảng Ninh hiện nay đã và đang nhất thể hóa chức danh của các cấp lãnh đạo huyện, xã, thôn bản. Một số bí thư kiêm nhiệm chủ tịch và trưởng bản, thôn, khu phố. Đáng nói là đã có một số cán bộ được bổ nhiệm thành công theo mô hình Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm Chánh thanh tra, Trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ… Đặc biệt là Quảng Ninh đã mạnh dạn cho sáp nhập một số cơ quan cấp huyện có chức năng tương đồng như Trung tâm Y tế với bệnh viện huyện, sáp nhập Đài PTTH huyện với Trung tâm văn hóa thể thao…
Tôi cho rằng đây là những tín hiệu mạnh mẽ của đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đúng theo tinh thần nghị quyết 18. Việc nhất thể hóa một loạt các chức danh, sáp nhập một số phòng ban đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện của Quảng Ninh tỏ ra rất hiệu quả.
Giảm được vô số chức vụ lãnh đạo, chống được chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng về lương bổng và chi phílàm việc. Nhưng quan trọng nhất là sự gọn nhẹ của bộ máy và sự tập trung lãnh đạo sẽ tạo ra những hiệu quả khả quan về cải cách hành chính, cải cách bộ máy và mục tiêu cao nhất là cải cách kinh tế.
Dù sao Quảng Ninh vẫn đang trong phạm vi thí điểm và còn gặp nhiều khó khăn trở ngại. Bởi giữa những cơ quan Đảng và chính quyền có đặc thù riêng việc nhất thể hóa lãnh đạo có thể được nhưng sáp nhập lại là một câu chuyện khác. Nhưng tôi cho rằng đây chính là những cải cách đích thực phù hợp với điều kiện thực tế. Nếu được ủng hộ cộng với nỗ lực bản thân tôi tin Quảng Ninh sẽ làm tốt mô hình thí điểm này. Sự thành công sẽ là bài học để tiến tới áp dụng cho những cải cách của cả hệ thống từ Trung ương tới các địa phương trong cả nước.
Trở lại với những con số lãnh đạo cấp phó kia, tôi nghĩ dứt khoát là dư thừa rất nhiều trong số đó hay ít nhất là chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ. Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về việc đề bạt này? Dạo còn công tác tôi từng được “quy hoạch nguồn” nên hiểu quy trình bổ nhiệm cán bộ là rất chặt chẽ theo từng công đoạn.
Để việc đề bạt tràn lan như hiện tại thì việc quy trách nhiệm là không hề khó. Ai ký bổ nhiệm người đó phải chịu trách nhiệm cao nhất và trực tiếp. Thế nhưng xưa nay có ai ký bổ nhiệm cán bộ dù không đúng quy trình như dạo nào ông Tổng thanh tra chính phủ ký trước khi về hưu đã phải chịu kỷ luật đâu.
Rất khó nhưng việc giảm nhân sự công nhất là nhân sự lãnh đạo phải là bài toán được giải quyết. Ngân sách khó có thể chịu đựng thêm với hệ thống công chức khổng lồ của đất nước như hiện nay. Hãy làm từ việc thanh lọc giảm chức vụ lãnh đạo như một tiền đề và bằng những biện pháp nhất thể hóa chức danh và sáp nhập để giải quyết bài toán giảm nhân sự công. Không thể khác!
Theo Vietnamnet.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|