Trước hết, các HLV Goran Eriksson, Milovan Rajevac và Park Hang-seo đều là những nhà cầm quân có tên tuổi, đều có thể chỉ đạo các học trò thực hiện nhiều cách tiếp cận trận đấu. Việc các đội tuyển Việt Nam, Thái Lan, Philippines chọn lối chơithực dụng để đạt mục đích cuối cùng bởi các ông thầy không có nhiều sự lựa chọn.

Lối chơi thực dụng lên ngôi

Trước hết, bóng đá hiện đại đang có sự dịch chuyển nhất định về triết lý sân cỏ, ngoại trừ Brazil, Argentina thì các đội bóng hàng đầu thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan đều chú trọng hơn đến tính thực dụng.

 
1611_thai_lan1257133_27112018.jpgĐội tuyển Thái Lan dưới thời Milovan Rajevac hiện nay không còn đá dồn ép đối thủ như thời HLV Kiatisak. Ảnh: AFF

Nhà đương kim vô địch World Cup 2018 là một điển hình, tuyển Pháp chỉ sở hữu bóng 36% nhưng có đến 19 cú sút, trong đó 5 lần trúng đích (thắng Bỉ 1-0) trong khi Bỉ cầm bóng 64%, chỉ thực hiện được 9 cú sút với 3 lần trúng mục tiêu. Ở trận chung kết họ thắng Croatia 4-2 nhưng cũng chỉ kiểm soát bóng 34% nhưng vẫn sút tung lưới đối phương đến 4 lần trong tổng số 6 lần sút trúng đích.

Ngoại trừ Malaysia, 3 đội còn lại vào bán kết đều chú trọng kiểm soát thế trận hơn kiểm soát bóng. Nền tảng của lối chơi này phải có hàng phòng ngự có kinh nghiệm và giữ tốt được cự ly phòng ngự.

Nếu ông Park Hang-seo có bộ 3 “ngự lâm quân” gồm trung vệ Ngọc Hải, Đình Trọng, Mạnh Dũng thì Milovan Rajevac cũng có bộ tứ vững chắc Chunuonsee, Wiriyaudomsiri, Kerdkawe, Hemviboon; trong khi Philippines phải khi trung vệ nhập tịch xuất hiện Alvaro Silva đá cặp cùng Murga thì lối đá này mới định hình rõ nét hơn.

Trong 3 đội chọn lối chơi toan tính, thực dụng thì Việt Nam và Thái Lan, hai đội đầu bảng đấu thể hiện rõ nét hơn cả. Điển hình nhất là trận thắng Malaysia 2-0, các cầu thủ VN chỉ sở hữu bóng 31%, lượt chuyền bóng chỉ là 292 so với 622 của Malaysia. Nhưng chúng ta có đến 8 cú sút về phía khung thành đối phương, trong đó có 7 cú trúng đích và 2 thành bàn thắng còn Malaysia dù kiểm soát bóng đến 69% nhưng chỉ có 2 cú sút trúng đích.

Ngay trận gặp Myanmar chúng ta cũng chỉ kiểm soát bóng 47% nhưng lại có đến 15 cú sút về phía khung thành đối thủ, trong đó có 5 pha trúng đích, còn Myanmar chỉ tung được 10 cú sút với 2 pha trúng mục tiêu. “Park- ball” chọn lối đá là dùng hàng thủ vững chắc làm bệ phóng cho các pha phản công sắc bén đơn thuần vì ông Park không có những tiền vệ áp đặt được đối thủ.

Đội tuyển Thái Lan dưới thời Milovan Rajevac hiện nay không còn đá dồn ép đối thủ như thời HLV Kiatisak. Do không có trong tay 4 trụ cột, ông chọn lối chơi cẩn trọng và sử dụng nhiều những đường phản công nhanh để tìm bàn thắng.

Điển hình trong trận thắng Singapore 3-0 trên sân nhà thì Thái Lan cũng chỉ kiểm soát bóng 44% nhưng có đến 12 cú sút (bằng Singapore) nhưng có đến 8 pha trúng đích trong khi đối phương chỉ đạt được 4. Trước đó, Thái Lan cũng đá nhường thế trận cho chủ nhà Philippines trong trận hòa 0-0.

HLV Goran Eriksson thì lại khác. Ông đến Philippines sát cận kề, thậm chí chỉ chốt danh sách cầu thủ trước 16 giờ đá trận đầu tiên. Không có nhiều sự lựa chọn, ông đành chọn phương án nâng tầm lối chơi mà người tiền nhiệm đang áp dụng, đó là thứ bóng đá Anh và Bắc Âu truyền thống.

Philippines dùng sức mạnh và thể hình để tổ chức những đợt tấn công chớp nhoáng từ hai biên tạt vào cho các tiền đạo kết thúc. Trong trận gặp Indonesia họ chỉ kiểm soát bóng 46% nhưng có đến 11 cú sút, trong đó 3 lần trúng đích trong khi chủ nhà chỉ có 6 pha dứt điểm và không quả nào đi trúng mục tiêu.

Người Mã tấn công

HLV Tan Cheng Hoe ưa triết lý bóng đá tấn công, trên sân Mỹ Đình ông đã thất bại cay đắng 0-2 trước chủ nhà Việt Nam. Nhưng điều đó không làm các cầu thủ Malaysia nản lòng, trên sân nhà Bukit Jalil, cầm bóng 55%, với 438 đường chuyền, họ đã làm tung lưới Myanmar 3 lần.

Duy nhất Malaysia bằng lối đá tấn công vào được bán kết AFF Cup 2018. Ảnh: AFF

Tại bán kết, Malaysia đụng Thái Lan. Trong lịch sử đối đầu Thái Lan luôn chiếm ưu thế so với các đối thủ tại Đông Nam Á và Malaysia cũng không phải ngoại lệ. Ở 6 lần đụng độ gần nhất, Thái Lan đã giành phần thắng 4 lần, Malaysia thắng 1, hai đội hòa nhau 1 lần.

Nhà cầm quân gốc Kedah, HLV Tan Cheng Hoe phát biểu: "Tất nhiên, chúng tôi là đội chiếu dưới. Trong rất nhiều năm, Thái Lan thường áp đảo về kết quả khi đối đầu. Nhưng Malaysia sẽ không vì thế mà sợ hãi và nghĩ rằng chúng tôi không thể đánh bại họ. Malaysia sẽ chơi tấn công vì mục tiêu chiến thắng”.

Khi thiên hạ ngày càng nghiêng về lối chơi thực dụng, liệu triết lý tấn công của ông Tan Cheng Hoe có thành công?