(Baonghean) - Theo Nghị định 05/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp chậm chi trả lương quá 15 ngày trở lên sẽ phải trả thêm lãi suất và bị xử phạt. Quy định này ra đời nhận được sự đồng tình cao của người lao động và cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

“Người sử dụng lao động trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do NHNN công bố tại thời điểm trả lương. Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 1 tháng…”. Đó là nội dung đáng chú ý của Nghị định 05/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3/2015. Sau khi ra đời, Nghị định nhận được nhiều ý kiến đồng tình của người lao động. Chị Lê Thị Hòa (quê Hưng Nguyên) đang làm công nhân cho Công ty TNHH Matrix (KCN Bắc Vinh) cho biết: “Tôi đọc được thông tin này qua báo chí và cảm thấy rất vui mừng. Nếu được như thế thì doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm trả lương đúng hạn cho những công nhân như chúng tôi để trang trải tiền nhà trọ, chi phí ăn ở và sinh hoạt hàng ngày…”. 
 
 
images1141239_c_ng_nh_n_ng_nh_s_n_xu_t_vlxd_thu_ng_b__tr__luong_ch_m__nh_qu_nh_lan.jpgCông nhân ngành sản xuất VLXD thường bị trả lương chậm. Ảnh: Quỳnh Lan
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, đây là một quy định đúng đắn nhằm làm cho doanh nghiệp thực hiện nghiêm Luật Lao động và đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động. Ông Thắng cũng nhấn mạnh rằng: “Trong quá trình thực hiện sẽ có một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước, sở chia sẻ với những khó khăn đó. Tuy nhiên, theo quy định thì các đơn vị, doanh nghiệp phải thực hiện đúng luật, nếu không sẽ bị xử phạt”.  Đồng tình cao với chính sách của Chính phủ, ông Nguyễn Chí Công, Trưởng ban Chính sách và Pháp luật, Liên đoàn lao động tỉnh cho biết: “Tiền lương hàng tháng đối với người lao động có một vai trò quan trọng, nếu chậm trả lương sẽ khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn. Nghị định 05 ra đời quy định rõ việc xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp và bắt buộc trả lãi cho công nhân trong trường hợp chậm lương là đúng đắn. Bên cạnh đó, Nghị định 05 còn là cơ sở để các tổ chức công đoàn kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách pháp luật của các doanh nghiệp,  giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp một cách rõ ràng, bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho người lao động và hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động nếu xảy ra”.
 
Còn theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp thì việc xử phạt để doanh nghiệp trả lương đúng hạn là cần thiết để đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra băn khoăn. Ông Nguyễn Đức Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho rằng: “Không doanh nghiệp nào có chủ trương nợ lương hoặc trả chậm lương cho người lao động cả. Bởi vì chăm lo cho người lao động cũng chính là đầu tư lâu dài cho doanh nghiệp ổn định sản xuất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn eo hẹp, có những thời điểm trả lương đúng hạn cho người lao động. Nếu xử phạt như vậy thì gây khó khăn cho doanh nghiệp…”. Còn ông Lê Văn Tấn, chủ doanh nghiệp trong ngành xây dựng cho rằng: “Với đặc thù của doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng thì việc trả lương cho người lao động theo quý hoặc theo từng đợt, tất cả đều có sự thỏa thuận với người lao động. Đặc biệt, nhiều công trình có vốn ngân sách Nhà nước nhưng chưa được trả thì lấy đâu ra nguồn để trả lương cho người lao động. Vì vậy, với quy định mới, chúng tôi sẽ gặp những khó khăn nhất định”.
 
Thực tế, trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua đã xuất hiện một số doanh nghiệp có tình trạng nợ lương, trả lương chậm cho người lao động. Cụ thể như vào tháng 8/2014, đoàn thanh tra của Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành kiểm tra tại 12 doanh nghiệp. Và kết quả là nhiều doanh nghiệp nợ lương người lao động từ 5 - 6 tháng liên tục, một số công ty mới chỉ trả lương cho người lao động đến tháng 2/2014 như: Công ty Thủy lợi 3 Nghệ An, Công ty xây dựng Thủy lợi 24, Công ty CP xây dựng cầu đường Nghệ An, Công ty ô tô Trường Sơn, Công ty xây dựng Dầu khí Anh Sơn. Theo bà Hoàng Thị Hường, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thì “Việc các doanh nghiệp nợ lương, trả lương chậm có nguyên nhân là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, một số công ty sản xuất, kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả, không thu hồi được nợ của khách hàng. Đối với các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng thì một số công trình đã bàn giao nhưng chủ đầu tư, trong đó có cả chủ đầu tư là các cơ quan Nhà nước chậm thanh toán nên dẫn đến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, khó khăn về tài chính nên việc nợ lương là điều dễ hiểu”. 
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MLB Tenergy
 
Mặc dù có chế tài xử phạt nhưng từ trước tới nay, cơ quan Nhà nước vẫn chưa tiến hành xử phạt một doanh nghiệp nào vì nợ lương, trả lương chậm cho người lao động. Bà Hoàng Thị Hường cho biết thêm, do nguồn nhân lực còn quá mỏng nên việc thanh tra và xử phạt các doanh nghiệp nợ lương, chậm trả lương còn hạn chế. “Hiện nay, toàn tỉnh có 11.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong khi, Phòng Thanh tra của Sở LĐ-TB&XH chỉ có 7 cán bộ nhưng phải quản lý 9 lĩnh vực khác nhau. Vì thế, việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thực hiện là vô cùng khó khăn. Nghị định mới hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương trong Bộ luật Lao động cũng quy định rõ, khi xảy ra tình trạng chậm lương, người lao động có quyền có ý kiến, khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt người lao động có quyền ủy quyền cho công đoàn, để công đoàn cơ sở đòi quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên, người lao động chủ yếu im lặng hoặc đôi khi chia sẻ với doanh nghiệp. Còn công đoàn cơ sở thì chưa thực sự gắn kết với người lao động nên việc đòi hỏi quyền lợi cho người lao động đang là điều rất khó.
 
Nghị định 05 được ban hành tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đối với người lao động. Song, với nhiều tồn tại trong quá trình thực tiễn thì việc đề ra những biện pháp cụ thể để áp dụng những quy định của nghị định bảo vệ quyền lợi người lao động là cần thiết. Trước hết, Sở LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai các quy định cụ thể đến các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động. Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra việc thực hiện Luật Lao động, trong đó cần xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp chưa thực hiện trả lương đúng quy định cho người lao động. Đối với công đoàn các cấp cần thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ cũng như hướng dẫn người lao động thực hiện quyền lợi chính đáng của mình. Về phía các doanh nghiệp cần chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật, thường xuyên tổ chức đối thoại để lắng nghe nguyện vọng của người lao động để họ yên tâm làm việc, cống hiến sức lực, trí tuệ nâng cao hiệu quả sản xuất. Với người lao động, cần nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật, khi nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì cần lên tiếng với cơ quan chức năng để có biện pháp bảo vệ, can thiệp kịp thời. 
 
Phạm Bằng