Theo đại biểu Quốc hội, một trong những giải pháp để chống oan sai là xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII vừa qua, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 96 về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Nghị quyết chỉ rõ, các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra thực hiện nghiêm thủ tục tố tụng theo luật định, khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm do hành chính hóa các quan hệ hình sự, nâng cao chất lượng điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền, bảo đảm không để xảy ra oan sai.
Bộ Công an sớm hoàn thiện, ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình điều tra các loại án; tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình. Để thực hiện được điều này, đại biểu Quốc hội và cử tri mong muốn, cơ quan điều tra đẩy mạnh hoạt động cải cách tư pháp, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghiệp vụ điều tra.
Thời gian qua, đã xảy ra một số vụ án oan sai là do những sai sót, yếu kém về năng lực nghiệp vụ của cơ quan điều tra. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, tuy tỷ lệ các vụ án oan sai xảy ra có nguyên nhân từ cơ quan điều tra là nhỏ nhưng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Do đó, cơ quan điều tra cần sớm có biện pháp khắc phục để phòng tránh oan sai, góp phần thực hiện có hiệu quả quá trình trình thực hiện cải cách tư pháp.
Trong những năm gần đây, tình hình phạm tội tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, cơ quan điều tra các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bên cạnh những kết quả đạt được thì trong hoạt động điều tra còn hạn chế, bất cập, dẫn tới oan sai. Từ ngày 1/10/2011 đến ngày 30/9/2014 đã xảy ra 43 trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm Cơ quan điều tra”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, những vụ an oan gây rúng động dư luận, đặc biệt là bức cung nhục hình mặc dù số vụ xảy ra ít nhưng phải làm rõ như thế nào là ít. Do đó, cần có đánh giá tác động của các vụ án oan, tính chất oan sai như thế nào, xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan liên quan oan sai, sai khâu nào phải xử ở khâu đó.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sai sót trong hoạt động của cơ quan điều tra. Đó là, một số vụ án cơ quan điều tra chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, một số trường hợp khởi tố bị can có biểu hiện áp dụng pháp luật máy móc, đơn thuần nhìn vào hành vi mà thiếu phân tích, đánh giá thấu đáo hoàn cảnh xảy ra, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
Chẳng hạn, vụ Trần Thị Bích Liên (Lâm Đồng) bị khởi tố, điều tra, bắt giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với số tiền 1,705 tỷ đồng đồng của các tiểu thương. Trong khi hồ sơ vụ án thể hiện bà Liên một mình đứng ra xin dự án và tổ chức thực hiện việc xây chợ Bảo Lộc.
Việc bà Liên thu số tiền trên của các tiểu thương tuy có sai phạm về thủ tục tài chính, kế toán nhưng để sử dụng vào việc xây chợ Bảo Lộc, không có việc chiếm đoạt. Năm 2013 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải đình chỉ vụ án.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng: Cơ quan điều tra các cấp cần tăng cường thực hiện công tác tư pháp; nghiêm túc chấp hành pháp luật trong việc bắt, giam giữ, điều tra các vụ án hình sự; không để người nào bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố trái pháp luật; không làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ hành chính, dân sự, kinh tế hoặc bỏ lọt người phạm tội do hành chính hóa các quan hệ hình sự.
Theo bà Trương Thị Mai, việc xử lý tin báo tố giác tội phạm là rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, do đó cần làm rõ tại sao nhiều trường hợp tin báo tội phạm chưa được giải quyết. Vấn đề nữa là để xảy ra oan sai tuy số vụ ít nhưng tác động dư luận rất lớn do vậy, phòng chống oan sai trong điều tra cần được đặt lên hàng đầu; cơ quan điều tra cần tăng cường trách nhiệm về nâng cao chất lượng nghiệp vụ.
Một số vụ án oan xảy ra là do cơ quan điều tra khi khám nghiệm hiện trường không thu thập, giám định chứng cử đầy đủ, cơ quan điều tra không làm rõ những dấu vết, chứng cứ quan trọng từ hiện trường, dấu vết của thủ phạm, không xác định chính xác thời gian chết của nạn nhân.
Trong khi đó, hồ sơ vụ án một số thể hiện nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: biên bản ghi lời khai bị tẩy xóa, sửa chữa, thiếu khách quan, không làm rõ mâu thuẫn trong các lời khai của các bị can và giữa lời khai của bị can với người làm chứng, người bị hại; biên bản hỏi cung bị tẩy, sửa thiếu chữ ký bị can.
Trong quá trình điều tra, đặc biệt là giai đoạn tạm giữ còn để xảy ra một số trường hợp bị bức cung, dùng nhục hình, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm và dễ dẫn đến oan, sai.
3 năm qua, có 46 đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra. Có 26 vụ/40 bị can nguyên là cán bộ Công an bị tố cáo về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 12 vụ/26 bị can về tội dùng nhục hình.
Ông Nguyễn Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cơ quan điều tra các cấp cần tăng cường các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra; phòng ngừa có hiệu quả và các trường hợp chết tự sát, bị đánh chết tại các nơi giam giữ. Quá trình điều tra phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, thu thập đầy đủ các chứng cứ buộc tội, các chứng cứ gỡ tội để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện để đình chỉ điều tra, tránh bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
Theo ông Nguyễn Văn Cường, nguyên nhân của các trường hợp mớm cung, dụ cung, bức cung, dùng nhục hình chủ yếu là do tư tưởng nóng vội, bệnh thành tích và nhất là do yếu kém về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ điều tra. Vì vậy, cơ quan điều tra phải có biện pháp khắc phục, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông Kso Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, nghiệp vụ của một số điều tra viên đã rất yếu lại kém về phẩm chất đạo đức. Ông Kso Phước cũng đồng tình với quan điểm một trong những giải pháp để chống oan sai là xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường kiểm tra, bởi trong ngành Công an, vẫn có trường hợp Cảnh sát giao thông được điều sang làm cán bộ điều tra.
Cơ quan điều tra đóng vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh với tội phạm, vì thế những hạn chế, bất cập trong hoạt động điều tra cần sớm được cơ quan công an khắc phục, nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ, để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tôi, góp phần tích vực vào việc thực hiện có hiệu quả công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta./.
Theo VOV