Sáng 13/5, dưới sự chủ trì của các đồng chí:Trịnh Đình Dũng - Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành trong cả nước nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống dịch. Đồng chí Đinh Viết Hồng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Nghệ An.
Nhiều địa phương tái phát dịch bệnh
Thông báo về tình hình diễn biến DTLCP hiện nay,Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Chưa bao giờ ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam phải đối mặt với một dịch bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc phòng và chữa như bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện nay. Với loại virus có tính độc dược cao, tốc độ lan truyền cực nhanh, dịch tả lợn Châu Phi đã và đang đe dọa xóa sổ ngành chăn nuôi lợn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tại Nghệ An, từ ổ dịch được phát hiện đầu tiên tại một hộ chăn nuôi ở xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu vào ngày 12/3, đến nay đã có thêm 29 hộ của 10 huyện, 21 xã, trên 400 con lợn mắc bệnh DTLCP phải tiêu hủy; toàn tỉnh hiện còn 15 xã, 6 huyện có ổ dịch chưa qua 30 ngày, dịch bệnh có xu hướng phát sinh ra nhiều xã, huyện trong tỉnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Dịch bệnh hiện nay đang có chiều hướng lây lan, diễn biến rất phức tạp, chưa kiểm soát được. Bên cạnh nhiều địa phương đã tích cực phòng chống dịch, vẫn còn những địa phương chưa chủ động, thậm chí còn coi nhẹ, giao phó cho lực lượng thú y; Công tác phòng chống dịch còn nhiều khó khăn, bất cập, ý thức của một số hộ dân còn hạn chế gây nguy cơ ô nhiễm, virut phát tán rộng.
Trong khi đó, thời tiết mưa nắng, nhiệt độ, độ ẩm thất thường làm cho nguy cơ dịch bệnh càng lan nhanh và khó kiểm soát. Mặc khác, hiện nhiều địa phương đang tiếp tục thực hiện việc sáp nhập hệ thống thú y các cấp càng gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống DTLCP cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ khoa học công nghệ để phục vụ công tác phòng, chống DTLCP và hợp tác quốc tế, chuyển giao hoặc mua công nghệ sản xuất vắcxin phòng bệnh DTLCP của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp nước ngoài.