(Baonghean) - Căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số 19957/BB-VPHC của Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu và đề nghị của Chi cục Kiểm lâm tại Công văn 486/KL-TTPC, ngày 27/11/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5622/QĐ.UBND.KT về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đối với ông Lê Đức Ái (thôn 13, xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu). Dù vậy, công dân ở địa phương này tiếp tục có đơn thư cho rằng hình thức xử phạt là chưa thỏa đáng...
Theo đơn của ông Hồ Sỹ Hòa, trú tại xóm 13, xã Quỳnh Văn: Ngày 13/4/2013, UBND xã Quỳnh Văn ban hành Quyết định số 52-QĐ.UBND cho phép ông Lê Đức Ái khai thác tỉa thưa rừng thông, tận thu lâm sản tại đồi Động Cao, thôn 13. Lợi dụng việc được cấp phép, ông Ái đã tổ chức khai thác rừng trái pháp luật. Sự việc đã được công dân tố cáo đến các cơ quan chức năng. Ngày 27/11/2013, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông Lê Đức Ái với số tiền là 50.000.000 đồng và buộc phải trồng lại rừng trên diện tích đã khai thác trái phép. Tuy nhiên, mức xử phạt này chưa thỏa đáng do các nội dung vi phạm của ông Ái mà cơ quan chức năng trình lên UBND tỉnh là chưa đầy đủ. Thực tế, vi phạm trong khai thác rừng trái phép của ông Lê Đức Ái nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Ông Hồ Sỹ Hòa khẳng định: "Theo quyết định cấp phép khai thác tỉa thưa rừng thông, tận thu lâm sản của UBND xã Quỳnh Văn thì ông Lê Đức Ái được thực hiện tại lô 1, 2, 3, 4 thuộc Khoảnh 2, Tiểu khu 344C (rộng 7,5 ha); số lượng gỗ khai thác, tận thu là 2.725 cây, tương đương 69,9m3. Tuy nhiên, ông Ái đã khai thác trắng tại nhiều khu vực (trong vùng được cấp phép và ra cả ngoài vùng được cấp phép); khai thác vượt khối lượng được cấp phép tại tuyến đường băng cản lửa. Sai phạm của ông Lê Đức Ái là rất nghiêm trọng, nhưng UBND tỉnh mới chỉ biết về những sai phạm của ông ở khu vực đường băng cản lửa và một vùng bị khai thác trắng trong khu vực được cấp phép mà không biết về những sai phạm ở các khu vực khác. Không chỉ vậy, do hồ sơ cấp phép của UBND xã không đúng thực tế nên khối lượng gỗ thông mà ông Ái đã khai thác vượt nhiều lần so với giấy phép...".
Kiểm tra hồ sơ cấp phép của UBND xã Quỳnh Văn cho ông Lê Đức Ái, tại bản thuyết minh thiết kế khai thác tỉa rừng thông nhựa năm 2013, giải pháp thiết kế là: Sau khi khảo sát, điều tra nắm được một số chỉ tiêu cơ bản của khu thiết kế khai thác, tỉa thưa, tiến hành phân chia lô, đo đạc đường ranh giới lô, tính toán diện tích, cắm mốc lô trên thực địa, lập các ô xác minh rừng tại vị trí đại diện lô để tính toán các chỉ tiêu lâm học, xác định số cây bài cụ thể, cho từng lô rừng. Sau đó tiến hành bài cây. Cây bài khai thác được đánh số thứ tự cụ thể từ 1 đến n tại vị trí 1,3m đánh dấu bằng sơn đỏ... Về kỹ thuật khai thác tỉa thưa: Cây bài chặt là những cây cong queo, sâu bệnh, phát triển sinh trưởng kém... Tại biểu tài nguyên và các yếu tố của rừng thông chặt tỉa có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn thì đường kính bình quân của cây là từ 9,5 cm đến 12 cm.
Xác minh thực tế hiện trường tại khu đồi Động Cao, khối 13, xã Quỳnh Văn, thì mọi việc ở đây trái ngược hoàn toàn với những gì được nêu tại hồ sơ mà UBND xã Quỳnh Văn đã cấp phép. Đã qua hơn một năm nhưng những gốc thông bị đốn hạ vẫn còn nguyên vẹn nên không khó để chúng tôi mục kích được những khu vực rừng thông bị chặt trắng, ước lượng được số cây bị đốn hạ cũng như việc xác định đường kính thân cây. Có tới 5 khu vực đã bị chặt trắng, trong đó, có 3 khu vực trong vùng được cấp phép, một khu vực tiếp giáp đường băng cản lửa và một khu vực nằm ngoài vùng được cấp phép. Tại vùng được cấp phép, có nhiều vùng cây thông bị đốn hạ rất dày, không hề mang tính chất tỉa thưa. Và đường kính thực tế của gốc cây thông trên đồi Động Cao chúng tôi đo được phần lớn là trên 20 cm, thậm chí, có những gốc lên tới 35 - 38 cm. Có mặt tại đồi Động Cao, ông Hồ Sỹ Hòa bức xúc: "Việc ông Lê Đức Ái vi phạm pháp luật là rất rõ ràng. Không chỉ vậy, UBND xã Quỳnh Văn rất thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra trước khi cấp phép và giám sát việc thực hiện giấy phép đã cấp. Chúng tôi đã thông tin những vấn đề này đến các cơ quan chức năng từ khá lâu nhưng không hiểu vì sao những sai phạm như vậy lại không được xử lý đúng mức theo quy định của pháp luật...".
Tài liệu của các cơ quan liên quan thể hiện rất rõ việc vi phạm pháp luật của ông Lê Đức Ái được phát hiện là nhờ công dân tố giác. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9/2013, ông Hồ Sỹ Hòa gửi đơn đến UBND xã Quỳnh Văn thì cho đến ngày 11/11/2013, Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu mới lập biên bản vi phạm hành chính; ngày 12/11/2013, mới có Công văn số 75/KL.PC về việc xử phạt vi phạm hành chính vượt thẩm quyền gửi Chi cục Kiểm lâm, trong đó nêu ông Lê Đức Ái đã khai thác trái phép tại khu vực đường băng cản lửa 155 cây (tương ứng 10,05m3), khai thác trắng tại khu vực tỉa thưa 140 cây (tương ứng 7,40m3); tổng khối lượng lượng vi phạm là 295 cây, tương ứng 17,45 m3 gỗ tròn thông nhựa. Và đây cũng là số liệu được nêu tại Báo cáo kết quả xác minh nội dung đơn kiến nghị của đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Kiểm lâm thành lập. Căn cứ các văn bản này, ngày 19/11/2013, Chi cục Kiểm lâm có Công văn số 486/KL-TTPC đề nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Đức Ái.
Theo ông Nguyễn Văn Ngoãn, Phó phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, tại thời điểm đoàn thực hiện nhiệm vụ, công dân chỉ tố giác sai phạm ở những khu vực mà đoàn đã kiểm tra, bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu cũng không báo cáo với đoàn nội dung ông Lê Đức Ái có những vi phạm ở các khu vực khác. Vì vậy, kết quả kiểm tra của đoàn tại thời điểm đó là chính xác và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND tỉnh là đảm bảo đúng với quy định của pháp luật. Về những nội dung công dân phản ánh tới Báo Nghệ An, theo ông Ngoãn, với những vi phạm mới được công dân phát hiện tố giác, Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh. Nếu Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu không thực hiện, khi đó Chi cục Kiểm lâm sẽ có trách nhiệm. Nói về việc lập hồ sơ, ra quyết định cấp phép của UBND xã Quỳnh Văn, theo ông Ngoãn, trong quá trình đo đếm theo quy định trong lĩnh vực nông nghiệp thì có thể có sai số, tuy nhiên, ở đây thể hiện công tác thẩm định chưa sát thực tế...
Qua những gì đã chứng kiến tại vùng rừng thông trên đồi Động Cao thì việc công dân xóm 13, xã Quỳnh Văn cho rằng cơ quan chức năng chưa báo cáo đầy đủ các sai phạm của ông Lê Đức Ái lên UBND tỉnh không phải là không có cơ sở. Trách nhiệm với rừng, trước tiên thuộc về đơn vị kiểm lâm và chính quyền sở tại. Phải nhờ tới công dân phát hiện, tố giác sai phạm, những đơn vị này phải thấy là chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nhận được đơn thư tố giác của công dân nhưng chậm xử lý, hoặc xử lý không triệt để, rõ ràng có những dấu hiệu bao che sai phạm. Với sự việc đã xẩy ra ở đồi Động Cao, xóm 13, xã Quỳnh Văn, Chi cục Kiểm lâm cần vào cuộc làm rõ.
Hà Giang