Vì những điều lệ kinh khủng này mà phần nào đã hạn chế những tình huống như vậy diễn ra. Tuy nhiên đó là câu chuyện của những ngày đã cũ.
Ngày nay, những phụ nữ không chồng mà có con được gọi là “mẹ đơn thân”. Trong một giới hạn nào đó họ nhận được ánh mắt cảm thông hoặc ngưỡng mộ sự kiên cường vì đã dám sống độc lập và vượt lên định kiến. Nếu ai đó chửi bới họ sẽ bị mọi người nhìn như một kẻ cổ lổ sĩ hoặc hà khắc, ích kỷ.
Như vậy, có thể thấy những cách hành xử, những quy luật, quy định về phạm trù đạo đức đã thay đổi để thích nghi với cái mới và nó đầy tính nhân văn, đúng nghĩa con người.
Thế nhưng trong nhà trường ngày nay vẫn có những bản nội quy, quy định được viết mới dựa trên những tiêu chí từ thế kỷ trước. Sáng nay đi ngang một ngôi trường nghe đọc quyết định kỷ luật học sinh, thấy họ đã cẩn thận tra cứu để thêm vào quyết định cả chục cái “căn cứ”. Xét theo luật, họ toàn quyền đưa một học sinh dùng bạo lực với bạn hoặc lười học, trốn học ra đứng dưới cờ, trước hàng ngàn người. Tuy nhiên cách làm này khiến tôi và nhiều nhà giáo khác rùng mình sợ hãi.
Vì sao con người lại thô bạo với con người? Đó là vì họ đã học cách thô bạo ấy từ gia đình, xã hội, bạn bè và có thể là cả từ thầy cô. Cách chúng ta đưa học sinh ra kỷ luật trước cờ có làm đứa trẻ ngoan hơn không? Nếu là 50 năm trước tôi nghĩ là đứa trẻ ấy sẽ trở nên lỳ lợm hơn nhưng những đứa trẻ chứng kiến có thể sẽ sợ và ngoan hơn.
Còn bây giờ thì sao? Kể cả em bị kỷ luật lẫn những em chứng kiến đều không vì thế mà ngoan hơn. Các em sẽ cảm nhận ngôi trường của mình thiếu an toàn. Thầy cô của mình là công an, cảnh sát và trường học như trại giam bởi chúng bị buộc phải mỗi ngày vào đó.
Mỗi ngày ở hàng trăm nghìn ngôi trường có rất nhiều đứa trẻ đang bị xử lý kỷ luật bằng những hình phạt có từ thế kỷ trước mà khoa học đã chứng minh sự sai phạm về mặt sư phạm giáo dục. Thiết nghĩ thay đổi giáo dục cần thay đổi đồng bộ cả cách ta đánh giá thành tích, thành tựu cũng như sai phạm. Cách xử lý sai phạm phải hướng tới việc điều chỉnh hành vi hơn là trừng phạt. Nếu chúng ta “thải” ra xã hội những “sản phẩm” lỗi do sự bất lực của chúng ta thì nơi nào sẽ là nơi phù hợp với đứa trẻ?
Tôi mơ ước có ai đó đủ thẩm quyền để cầm cân nảy mực, xem lại toàn bộ quy định về xử lý học sinh trong trường học đậm tính sư phạm. Rõ ràng nhà trường có một thứ luật vĩ đại có thể làm thay đổi hành vi của đứa trẻ chứ không chỉ là khống chế đứa trẻ, đó là LUẬT CỦA TRÁI TIM!
Theo PLO