(Baonghean.vn)- Cử tri Nghệ An phản ánh vẫn còn tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường làm hư hỏng hệ thống giao thông. Đề nghị chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên,  đồng thời có giải pháp quản lý trạm cân tải trọng đảm bảo minh bạch, hiệu quả.

Vấn đề này (tại Công văn số 3138/BGTVT-ATGT), Bộ GTVT trả lời như sau:

Trong những năm vừa qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và cả xã hội quan tâm vào cuộc; nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài về bảo đảm TTATGT đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ trên phạm vi cả nước.

images1918458_ki_m_tra_xe_qu__kh___qu__t_i.jpgLực lượng chức năng kiểm tra xe quá khổ, quá tải. Ảnh tư liệu

Riêng về công tác kiểm soát tải trọng xe, thực hiện Công điện số 95 và Công điện số 1966/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, ngày 21/11/2013, liên Bộ Công an – Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Kế hoạch số 12593 về phối hợp thực hiện kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng của xe ô tô, đồng loạt thực hiện từ ngày 01/4/2014 trên phạm vi cả nước. Sau hơn 02 năm thực hiện (tính đến ngày 01/8/2016), trên cả nước tình hình vi phạm về tải trọng phương tiện đã được kiểm soát, giảm trên 92% so với thời điểm trước khi thực hiện Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA.

Đối với công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng của địa phương, công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh Nghệ An có những chuyển biến tích cực, phần lớn các doanh nghiệp, chủ phương tiện đã chủ động cắt bỏ phần thành thùng xe cơi nới, chở đúng tải trọng. 

Theo báo cáo của Sở GTVT Nghệ An, trong năm 2016 và 03 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xử lý 11.154 trường hợp xe vi phạm chở quá tải, quá khổ, kích thước thành thùng; xử phạt, nộp tiền vào kho bạc nhà nước gần 52 tỷ đồng, tước Giấy phép lái xe có thời hạn hơn 5.000 trường hợp.


Tuy nhiên, đúng như phản ánh của cử tri, tình hình phương tiện vận tải vi phạm về kích thước thùng xe và chở quá tải trọng cho phép tại một số tỉnh, thành phố đang có diễn biến phức tạp và có chiều hướng tái diễn trở lại; vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nhưng có biểu hiện tiêu cực, dung túng, bao che các đối tượng vi phạm…

Lực lượng thanh tra giao thông Nghệ An đo đạc thông số thùng xe. Ảnh tư liệu

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã Ban hành các kế hoạch số 12885/KH-BGTVT ngày 01/11/2016; văn bản số 15235/BGTVT-ATGT ngày 20/12/2016 về việc tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện để triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/CTTg của Thủ tướng Chính phủ;  Phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tổ chức các Đoàn Kiểm tra công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ tại một số địa phương ; Phối hợp với Ban an toàn giao thông các tỉnh (trong đó có Ban an toàn giao thông tỉnh Nghệ An) triển khai các nội dung sau đây:

- Đề nghị Tỉnh ủy và Thành ủy các tỉnh, thành phố ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, trong đó có nhiệm vụ về kiểm soát tải trọng phương tiện.

Tiến hành tháo dỡ thùng xe được chủ phương tiện lắp thêm. Ảnh tư liệu

- Tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, trong đó phân công và xác định trách nhiệm cụ thể của lực lượng Công an, Giao thông vận tải và Chính quyền địa phương các cấp, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

- Chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải:

+ Quản lý, vận hành các Trạm kiểm tra tải trọng xe do Bộ Giao thông vận tải trang bị; kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe phù hợp với tình hình của địa phương; củng cố và nâng cao năng lực của lực lượng Thanh tra giao thông;

+ Tổ chức ký lại cam kết (theo mẫu mới) về không chở hàng quá trọng tải, không xếp hàng hóa lên xe quá trọng tải cho phép của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết đã ký và xử lý nghiêm các đơn vị vận tải, đầu mối hàng hóa vi phạm cam kết về xếp hàng hóa lên xe ô tô không vượt quá tải trọng cho phép.

- Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố:

+ Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của ngành Giao thông vận tải trong việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn; thực hiện đối với cả các tuyến đường bộ qua địa bàn địa phương;

+ Ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng bảo kê, tiêu cực và “mãi lộ” trong công tác xử lý vi phạm các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là công tác kiểm soát tải trọng xe;

+ Chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát thực hiện trao đổi kịp thời, đầy đủ thông tin về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động vận tải, đặc biệt là hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện cho các cơ quan chức năng của ngành Giao thông vận tải để phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm.

Gia Huy

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN