Nội dung báo phản ánh có cơ sở
Ngày 1/4/2022, Báo Nghệ An đã đăng bài
"Những bất thường xung quanh vụ phá rừng ở vùng biên", phản ánh việc vào ngày 17/3, sau khi nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phối hợp với nhiều lực lượng liên quan kiểm tra, xác minh vụ phá rừng xảy ra ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn. Tuy nhiên, quá trình xử lý vụ việc lại xuất hiện nhiều bất thường. Đặc biệt là những bất thường nhất trong các biên bản kiểm tra. Từ đó, dư luận đặt nhiều câu hỏi về việc có hay không việc thủ phạm chặt phá rừng đang được giảm nhẹ hình phạt cũng như nghi vấn về mục đích phía sau việc phá rừng, bởi khu vực đó thuộc mỏ đá có giá trị cao đang chờ được cấp phép khai thác.
Hiện trường xảy ra vụ việc. Ảnh: Tiến Đông Ngay khi báo đăng, phía Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cũng đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn làm lại báo cáo cụ thể, chi tiết, chính xác sự việc. Đặc biệt, vào ngày 8/4/2022, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 2443/UBND-NN yêu cầu Sở NN&PTNT và UBND huyện Kỳ Sơn phối hợp kiểm tra xử lý vấn đề Báo Nghệ An nêu liên quan đến vụ phá rừng ở vùng biên.
Ngày 12/4, UBND huyện Kỳ Sơn đã có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, số cây gỗ bị chặt hạ tại Tiểu khu 416 thuộc xã Nậm Cắn là 11 cây, chủng loại gỗ thuộc nhóm gỗ thông thường, đường kính trung bình của các cây từ 30 - 65 cm, tổng khối lượng gỗ 15,63m gỗ tròn. Vị trí các cây bị chặt hạ đều nằm trong phần đất do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý. UBND huyện Kỳ Sơn cũng thừa nhận khai thác các cây gỗ trong rừng là có như báo phản ánh.
Bốc gỗ lên xe để đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn. Ảnh: Tiến Hùng Bên cạnh đó, UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã yêu cầu cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác minh lại về số gỗ và chủng loại các loại gỗ thu nhận được tại hiện trường. Theo thông tin chúng tôi phản ánh và ghi nhận ý kiến của những người có mặt tại hiện trường thì trong số 11 cây gỗ thu được có ít nhất 1 cây lát hoa (còn gọi là lát xoan). Báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn thì đang nghi ngờ là cây gỗ xoan đào (cũng thuộc chi lát, họ xoan), thuộc gỗ nhóm VI nằm trong danh mục loài gỗ thông thường và để khẳng định vấn đề trên cần trưng cầu ý kiến của cơ quan giám định.
UBND huyện Kỳ Sơn cũng thừa nhận việc báo phản ánh trong 11 cây gỗ có cây gỗ không phải thuộc nhóm VIII là đúng và có cơ sở. Tuy nhiên, sự việc trên là do đoàn kiểm tra nhầm lẫn, sơ suất trong quá trình xác định chủng loại gỗ chứ không có ý bao che, làm sai khác loại gỗ để làm giảm nhẹ hình phạt, bởi do cùng là loại gỗ thông thường, cùng khối lượng vi phạm thì đều bị xử lý như nhau.
Đường vào núi Pu Chang (xã Nậm Cắn, Kỳ Sơn), nơi xảy ra sự việc, bên đường đi còn có những khối đá khổng lồ được đơn vị thăm dò khoáng sản để lại nằm lăn lóc. Ảnh: Tiến Đông Tuy nhiên, phía huyện Kỳ Sơn cho rằng, sự việc này nguyên nhân một phần do yếu tố khách quan mang lại, mặt khác do năng lực, nghiệp vụ của đoàn kiểm tra còn hạn chế. UBND huyện đã yêu cầu cơ quan chuyên trách báo cáo, làm rõ các nội dung Báo phản ánh. Qua đó, không cố ý bỏ sót, làm giảm số lượng, khối lượng vi phạm để bao che, giảm tội cho đối tượng vi phạm hay vì mục đích nào khác.
Đã xử lý kỷ luật các cá nhân, đơn vị liên quan
Cũng theo báo cáo phản hồi của
UBND huyện Kỳ Sơn, ngay khi có kết quả báo cáo của Hạt Kiểm lâm, ngày 24/3/2022 UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2017/QĐ-UBND thành lập đoàn liên ngành của huyện để kiểm tra mở rộng hiện trường, xác minh, xử lý vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến vụ việc khai thác rừng tại xã Nậm Cắn.
Hiện tại các cơ quan Hạt Kiểm lâm cũng đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với kiểm lâm viên Hà Minh Đông phụ trách địa bàn xã Nậm Cắn. Kiểm điểm, nhắc nhở rút kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể lãnh đạo Hạt Kiểm lâm trong quá trình chỉ đạo hoạt động quản lý bảo vệ rừng.
Liên quan đến việc có sự bất nhất trong xác định số cây gỗ bị đốn hạ tại các biên bản từ ngày 17/3 đến 25/3/2022, UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định có sự bất nhất về số lượng, khối lượng gỗ vi phạm qua các đợt kiểm tra đúng như Báo phản ánh.
Xe tải chở gỗ ra khỏi hiện trường. Ảnh: Tiến Hùng Phía BQL rừng phòng hộ Kỳ Sơn cũng đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Thái Khắc Bảo - cán bộ bảo vệ rừng phụ trách xã Nậm Cắn; Kiểm điểm, nhắc nhở rút kinh nghiệm sâu sắc đối với ông Nguyễn Trọng Hào - Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Hữu Kiệm và tập thể ban lãnh đạo BQL rừng phòng hộ.
Ngoài ra, UBND xã Nậm Cắn đã kiểm điểm nhắc nhở, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo UBND xã trong việc thiếu chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời ngăn chặn và xử lý vụ việc.
Cũng liên quan đến khu vực xảy ra vụ chặt phá rừng trái phép tại xã Nậm Cắn, hiện trường xảy ra vụ việc có diện tích khoảng 1.000m2. Tuy nhiên, khu vực này là nơi từng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty TNHH Khai thác và Kinh doanh khoáng sản Việt Nam thăm dò khoáng sản từ năm 2013 với diện tích hơn 12 ha. Đến năm 2019, đơn vị này tiếp tục được gia hạn giấy phép thăm dò đến ngày 22/2/2020. Hiện tại, giấy phép thăm dò của đơn vị này đã hết hạn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngọn núi nơi xảy ra sự việc nằm trong khu vực rừng sản xuất và cả rừng phòng hộ. Ảnh: Tiến Đông Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngọn núi nơi xảy ra sự việc ngoài diện tích đất rừng sản xuất như UBND huyện Kỳ Sơn phản ánh thì còn có cả diện tích đất rừng phòng hộ.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An thì dù là rừng sản xuất hay rừng phòng hộ, khi khai thác đều phải có kế hoạch và phương án được cơ quan chức năng phê duyệt. Đặc biệt, nếu muốn khai thác lâm sản hay khoáng sản trên đất rừng phòng hộ thì phải chuyển mục đích sử dụng và việc này phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện tại, ngoài đối tượng Lương Văn Phanh (thừa nhận chặt 4 cây gỗ và đã bị xử phạt 17,5 triệu đồng, thì kẻ chặt hạ 7 cây gỗ còn lại vẫn chưa được tìm ra.