Sau khi được trình, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9, ngày 23/3/2022 và tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Thông báo số 831/TB-TTKQH ngày 26/3/2022, dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều được đưa ra lấy ý kiến phản biện xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Theo đồng chí Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn đóng vai trò nòng cốt thực hiện các quy định liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, để nhân dân hiểu rõ và thực hiện vai trò làm chủ của mình.
Thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ tổng kết Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, chủ trì, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, thiếu sót từ thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân…
Từ định hướng và gợi ý nội dung trọng tâm cần phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đại biểu tham dự hội nghị là các chuyên gia, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các cán bộ làm công tác Mặt trận ở các cấp,... đã tập trung ý kiến phản biện về tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; việc thể hiện nguyên tắc thực hiện dân chủ; các quy định thể hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong dự thảo Luật, đặc biệt là những quy định dân chủ cơ sở ở cấp xã, khu dân cư, các nội dung liên quan dân bàn, dân biểu quyết trực tiếp nên mở rộng, bổ sung như thế nào cho phù hợp,…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Tiến Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định tầm quan trọng, phạm vi tác động rộng, nội dung phong phú và độ phức tạp cao của Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời cho rằng, cần phải nghiên cứu đầy đủ toàn diện hơn những vấn đề lý luận, các hình thức, khái niệm, từ đó tạo sự thống nhất, đồng bộ; nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, giúp cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…