Đó là hoàn cảnh đáng thương của cụ Dương Thị Mão (92 tuổi) ở xóm 7, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương mà khi nhắc đến, người dân nơi đây ai cũng xót xa.
Hình ảnh bà cụ đầu tóc bạc phơ, quần áo xộc xệch với nhiều lỗ thủng đang cố gắng trong từng hơi thở thều thào múc những gáo nước nơi giếng để rửa bát đũa giữa cái nắng oi bức buổi trưa hè khiến những người chứng kiến không khỏi chạnh lòng.
Rót ly nước mời khách, cụ Mão chỉ tay về phía 2 cô con gái: “Đó là Lợi, con gái út của bà. Suốt ngày nó chỉ ngồi thẫn thờ, rũ rượi một chỗ trong bóng tối. Còn kia là Minh, đứa con thứ 4 tội nghiệp của bà khi sinh ra đã không được bình thường”.
Đã 92 tuổi nhưng hằng ngày cụ vẫn phải làm mọi việc để chăm lo cho 2 đứa con bệnh tật của mình. Ảnh: Diệp Phương
Hồi trẻ, cụ Mão và người chồng quá cố có với nhau 6 người con (2 trai và 4 gái) lần lượt là: Phan Thị Hạnh, Phan Thị Phúc, Phan Bá Văn, Phan Thị Minh, Phan Bá Thắng và Phan Thị Lợi. Cuộc sống gia đình cụ vốn rất hạnh phúc cho đến ngày bất hạnh lần lượt kéo đến.
Khi sinh ra, người con thứ tư là chị Phan Thị Minh (SN 1969) cũng bụ bẫm, khỏe mạnh và hiếu động như bao đứa trẻ khác, nhưng càng lớn lại trở nên ngớ ngẩn, sức khỏe yếu dần và thần kinh không được bình thường. Tiếp đến là cô con gái út Phan Thị Lợi (SN 1979) vốn hiền lành, học giỏi đang độ tuổi thiếu nữ thì bỗng nhiên phát bệnh. Suốt ngày Lợi không nói năng gì chỉ ngồi trong bóng tối một mình và chỉ ăn gạo sống để tồn tại. Mấy chục năm liền hai vợ chồng cụ Mão làm lụng vất vả để kiếm tiền chạy chữa cho hai con, bao nhiêu của cải giá trị trong nhà đều đội nón ra đi nhưng bệnh tình các con vẫn không thuyên giảm.
Căn nhà cấp 4 xập xệ của cụ Mão đang xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Diệp Phương
Đây là nơi che nắng che mưa của 3 mẹ con. Ảnh: Diệp Phương
Cách đây 6 năm chồng cụ do tuổi cao, sức yếu nên đã qua đời. Cũng từ đó, gánh nặng đè hết lên vai cụ Mão khi phải chăm lo cơm nước, phục vụ mọi thứ cho hai đứa con bệnh tật của mình.
Còn bốn người con khỏe mạnh còn lại của cụ đều đã lập gia đình. Trong đó, chị Hạnh và anh Thắng vào miền Nam định cư, cuộc sống nơi đất khách quê người còn nhiều thiếu thốn, vất vả. Còn chị Phúc và anh Văn sinh sống ở quê nhà, tuy ở gần cụ nhưng hoàn cảnh gia đình cũng hết sức éo le. Chồng chị Phúc bị bệnh tâm thần, lo chồng, chăm con với vài sào ruộng nên cũng không giúp đỡ được gia đình. Mọi hy vọng đều nhìn vào anh Văn đi làm ăn ở Lào, kinh tế có phần "khá hơn" so với mấy chị em thì vợ anh lại bị bệnh tim đau ốm quanh năm. Bao nhiêu tiền bạc kiếm được đều dồn vào chữa bệnh cho chồng, cho vợ của mỗi người. Dù rất thương mẹ, thương chị em nhưng cũng đành “lực bất tòng tâm” bởi hoàn cảnh gia đình của bốn anh em đều rất khó khăn.
Trăn trở của cụ Mão ở tuổi xế chiều.
Hiện nay, cuộc sống của 3 mẹ con cụ Mão chỉ trông nhờ vào một triệu đồng tiền trợ cấp của nhà nước cho người cao tuổi và hỗ trợ người bị tâm thần. Không ruộng, không vườn, không chăn nuôi, trong nhà không có bất cứ thứ gì quý giá ngoài căn nhà cấp bốn đã cũ kỹ, xập xệ và đang xuống cấp nghiêm trọng. Mùa nắng còn đỡ chứ vào những ngày mưa nước dột chảy lênh láng khắp nhà. 

Giờ đây, khi đã thượng thọ tuổi 92, đáng lẽ cụ Mão đang an nhàn, vui vầy bên con cháu phụng dưỡng. Đằng này, cụ chưa có ngày được thanh thản. Chân đi không còn vững, chăm sóc bản thân đã khó nhưng hằng ngày cụ vẫn phải chăm lo cho hai đứa con bị tâm thần. Điều mà cụ luôn đau đáu là liệu một mai, khi cụ không còn trên cõi đời này nữa hai đứa con gái bệnh tật của cụ sẽ sống ra sao.

Cụ Mão bên 2 người con bệnh tật của mình. Ảnh: Diệp Phương
Ông Nguyễn Viết Bình - người hàng xóm của cụ cho biết: Gia cảnh nhà cụ Mão thuộc diện khó khăn, bất hạnh nhất xóm. Vì vậy bà con làng xóm ai cũng cảm thương và ít nhiều giúp đỡ cụ lúc khó khăn nhưng chẳng thấm vào đâu. Hy vọng rằng, khi biết được hoàn cảnh, mong sẽ có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ, để mẹ con cụ vơi bớt phần nào khó khăn. 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Phòng Phát hành và hoạt động xã hội - Báo Nghệ An, số 3, Đại lộ Lê Nin, phường Hưng Phúc - TP. Vinh - Nghệ An. Điện thoại liên hệ: (023)83.588138; (023)88600006.

Hoặc: Cụ Dương Thị Mão, xóm 7, xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Số điện thoại: 01668.567.210