(Baonghean) - Việc lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có cuộc gặp mặt tại Seoul lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua đánh dấu một bước tiến trong hợp tác tại khu vực Đông Bắc Á. Gác lại những tồn tại về tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử, 3 quốc gia này đang cố gắng tìm những lợi ích thiết thực từ sự hợp tác.
Trong 2 ngày cuối tuần qua, Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc Park Geun-hye có một lịch trình làm việc bận rộn với những cuộc gặp song phương và 3 bên với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Các cuộc làm việc tập trung trao đổi quan điểm về hợp tác 3 bên và giải quyết các vấn đề khu vực, trong đó, 3 nhà lãnh đạo thống nhất đẩy nhanh các cuộc đàm phán tự do thương mại 3 bên vốn không đạt được nhiều tiến triển thời gian qua, cũng như tái khẳng định lập trường đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên và nhất trí nối lại đàm phán 6 bên.
Đây là những chủ đề ít gây tranh cãi hơn, nhất là trong bối cảnh các mối quan hệ tại khu vực Đông Bắc Á vẫn đang bị chi phối bởi những vấn đề lịch sử cũng như tranh chấp lãnh thổ trên biển.
Bất đồng không dễ dàn xếp?
Thực tế, những vấn đề liên quan tới lịch sử chiếm đóng của Phát xít Nhật đối với Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn đang là trở ngại lớn đối với quan hệ 3 bên. Tại Hàn Quốc, nhiều người dân nước này vẫn nhớ về 35 năm phát xít Nhật đô hộ như một thời kỳ tàn bạo và nhục nhã khi mà gần 200.000 phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc mua vui cho binh sỹ Nhật thời đó; người Hàn Quốc bị buộc phải sử dụng tên bằng tiếng Nhật và nói ngôn ngữ của người Nhật. Phải cần tới 3 thập kỷ 2 nước mới bình thường hóa quan hệ.
Theo một cuộc thăm dò dư luận do tờ Asahi của Nhật Bản và tờ Dong-a Ilbo của Hàn Quốc tiến hành hồi tháng 5 ngay trước thềm chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se, hơn một nửa số người được hỏi ở cả 2 nước nhận định quan hệ song phương đang xấu đi trong 5 năm trở lại đây.
87% người Hàn Quốc vẫn cảm thấy nặng nề trong việc cải thiện quan hệ với nước láng giềng phía Đông. Cũng cần phải nói tới động cơ chính trị đằng sau việc sử dụng các “quân bài lịch sử” này nhằm tác động tới mối quan hệ hiện nay tại Đông Bắc Á.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vốn mong muốn thúc đẩy một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn, coi chính sách của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là theo chủ nghĩa xét lại, bác bỏ những lời xin lỗi về quá khứ trước đây. Điều này nhằm chỉ trích Nhật Bản, cho rằng quốc gia này đang có ý định phá vỡ trật tự thế giới sau năm 1945 và theo đuổi chính sách quốc phòng quân phiệt giống như thập kỷ 1930.
Còn đối với Seoul, việc đề cập tới vấn đề "phụ nữ mua vui" không hẳn nhằm chỉ trích Tokyo mà chủ yếu là do sự mất niềm tin của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng như dư luận ở nước này về những tham vọng của Nhật Bản trong khu vực.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Ngoại trưởng Fumio Kishida đều đã nhắc lại cam kết đối với tuyên bố năm 1995 của Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Tomiichi Murayama với hàm ý rõ ràng về "chế độ thuộc địa và các cuộc xâm lược của Nhật Bản", cũng như "sự ăn năn sâu sắc" và "lời xin lỗi chân thành" của ông Murayma vì "chính sách sai lầm" dẫn đến chiến tranh và đau thương ở châu Á.
Tuy nhiên, ông Abe đã nói "bóng gió" rằng một số ngôn từ trong tuyên bố của ông Murayama có thể cần thay đổi. Thậm chí, người ta còn nói tới việc các nhà lãnh đạo Nhật Bản cảm thấy hết kiên nhẫn với những người đồng nhiệm Hàn Quốc và Trung Quốc, vốn bị cho là lợi dụng lịch sử để nâng cao uy tín của mình trước người dân trong nước. Đó là chưa kể tới những quan ngại và sự đề phòng của Nhật Bản trước những tuyên bố chủ quyền ngày càng mạnh bạo của Trung Quốc trên biển.
Vẫn có thể là đối tác
Việc lãnh đạo 3 nước láng giềng Đông Bắc Á cùng ngồi vào đối thoại tại cuộc họp thượng đỉnh cuối tuần qua cho thấy rõ ràng các bên đã sẵn sàng tách bạch các vấn đề lịch sử ra khỏi quan hệ hợp tác song phương lớn hơn, như hợp tác kinh tế.
Căng thẳng chính trị đang tác động mạnh tới quan hệ kinh tế song phương. Ví dụ như thương mại 2 chiều Hàn Quốc – Nhật Bản năm 2014 đã giảm xuống còn 87 tỷ USD, so với mức 108 tỷ USD vào năm 2011. Còn Trung Quốc và Nhật Bản là các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Tuy nhiên, 2 nước này đang đối mặt với điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, tăng cường hợp tác sẽ tạo động lực cho thương mại và dòng vốn đầu tư song phương.
Dưới góc nhìn toàn diện hơn, nhà nghiên cứu Bruce Klingner của Quỹ Heritage, một trung tâm tư vấn theo đường lối bảo thủ ở Mỹ, cho rằng những tranh cãi giữa Trung - Nhật – Hàn, phần lớn do nguồn gốc địa chính trị, lịch sử trước đây cũng như nguồn dầu khí khổng lồ nằm gần các quần đảo tranh chấp, sẽ còn thách thức sự ổn định tại Đông Bắc Á.
Một kịch bản như vậy có thể khiến khu vực mất đi sức hấp dẫn vào thời điểm châu Á đang nổi lên như một trung tâm tài chính của thế giới giữa thời khủng hoảng kinh tế hiện nay. Song, với những mối quan hệ hay lợi ích ràng buộc, những căng thẳng hiện nay ở Đông Bắc Á phần nhiều rồi sẽ sớm hạ nhiệt. Bởi thế, hội nghị thượng đỉnh lần này có thể được coi là thành công nếu nó là điểm khởi đầu giúp các bên tiếp tục tham gia vào những cuộc họp tiếp theo, một quá trình đối thoại và hợp tác lâu dài.
Thanh Sơn