(Baonghean) - Một tuần nữa trôi qua, thế giới vẫn phải chứng kiến những mâu thuẫn phức tạp, rối rắm và chưa thể giải quyết trong tương lai gần. Đó là mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc, Trung Quốc - Philippines, cuộc khủng hoảng ở Syria… Những khác biệt lớn về lợi ích, toan tính chính trị là rào cản quá lớn để có thể tháo gỡ những nút thắt…
Syria vẫn là điểm nóng
Những ngày qua, giới quan sát chính trị cũng như các phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm đến động thái của Iran khi chính thức tham gia đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Đây là lần đầu tiên các bên có quan điểm hoàn toàn đối lập nhau cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Đã có những hy vọng nhất định, bởi, Iran có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng và Tehran là một trong những đồng minh thân cận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Dù vậy, để giải quyết vấn đã tồn tại hơn 4 năm qua và khiến 250.000 người thiệt mạng, 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, sẽ không hề đơn giản, bởi vẫn còn đó những khác biệt quá lớn giữa các bên.
Thực ra, khi IS bắt đầu bành trướng và mở rộng lãnh thổ bằng những tội ác ghê rợn, vô nhân đạo, người ta đã nghĩ tới vai trò của Iran - một trong những quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, Iran từ lâu vốn được coi là kẻ thù lớn nhất của Mỹ, phương Tây cũng như các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông như Saudi Arabia, Liban, Jordan, Qatar… Và một lý do quan trọng nữa khiến Mỹ cùng các đồng minh phương Tây luôn “né tránh” vai trò của Iran, đó là mối quan hệ thân thiết giữa Tehran và Moskva.
Trở lại với cuộc chiến chống IS ở thời điểm hiện tại để biết được Iran có vai trò quan trọng đến mức nào trong “công cuộc” tìm giải pháp giúp Syria thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Sau khi cuộc nội chiến Syria bùng phát, Iran là một trong những nhà trung gian hòa giải tích cực nhất trong nỗ lực thiết lập các kênh đối thoại giữa phe đối lập Syria và chính quyền Damascus.
Tehran từng đăng cai tổ chức một loạt cuộc tiếp xúc giữa các phe phái ở Syria nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải, tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở quốc gia này. Điển hình là hội nghị "Đối thoại Dân tộc Syria" tại Thủ đô Tehran cuối tháng 11/2012 với sự tham gia của khoảng 200 đại diện chính trị từ các nhóm sắc tộc, thiểu số, phe đối lập cùng đại diện của Quốc hội Syria. Đáng tiếc là thiện chí của quốc gia này không thu được kết quả đáng kể bởi rất nhiều lý do, trong đó có tác động từ những quốc gia bảo trợ cho lực lượng đối lập chống lại Tổng thống Syria Bashar al Assad.
Như vậy, sự xuất hiện của Iran có thể xem như bước đột phá nhằm giải quyết cuộc nội chiến Syria và cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, không nhiều nhà bình luận tin rằng chỉ một vài cuộc đàm phán nhanh như hiện nay có thể phá vỡ được những bất đồng rất lớn đang tồn tại giữa các bên tham gia.
Trong khi Hoa Kỳ và đồng minh của họ muốn Tổng thống Bashar al Assad phải từ chức, Nga và Iran lại cho rằng Tổng thống Bashar al-Assad không phải là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện tại và khẳng định điều cần thiết là hỗ trợ Syria chống khủng bố, sau đó mới đưa ra một giải pháp chính trị. Một khi bất đồng này còn tồn tại thì trong tương lai gần Syria vẫn sẽ là điểm nóng của thế giới. Đây là nhận định hoàn toàn có cơ sở, bởi trong ngày đàm phán vừa qua (ngày 30) các bên đều không thống nhất được điều gì ngoại trừ lời kêu gọi một lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria.
“Sóng ngầm” trong quan hệ Mỹ - Trung
Những tưởng sau chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình vào cuối tháng 9 vừa qua sẽ hâm nóng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới, nhưng có thể nói rằng, chuyến đi này chỉ “thành công rực rỡ” về mặt thương mại. Và nguyên nhân chính là việc Trung Quốc đã phớt lờ những tiếng nói phản đối mạnh mẽ về một loạt hành động đơn phương trái phép của họ trên Biển Đông.
Chưa bàn đến tính pháp lý của cuộc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý của con tàu USS Lassen quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào ngày 28/10 vừa qua mà chỉ nêu lên lý do dẫn đến hành động này của Hoa Kỳ.
Ngay từ giữa tháng 5/2015, Lầu Năm Góc đã tính đến chuyện đưa máy bay quân sự hoặc tàu chiến áp sát các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo phi pháp. Đề xuất này là của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nhằm đối phó với tốc độ cải tạo “chóng mặt” của phía Trung Quốc hòng tạo “sự đã rồi”. Tuy nhiên, hơn 5 tháng sau Mỹ mới đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen vào vùng biển này. Tại sao Hoa Kỳ lại có sự thận trọng quá mức như vậy?
Thực ra, phản ứng của Mỹ không hề khó hiểu. Trên thực tế dù hai quốc gia này luôn đối nghịch trên rất nhiều vấn đề nhưng sự phụ thuộc về kinh tế hai chiều quá lớn. Kim ngạch thương mại giữa hai nước này cực kỳ lớn và tăng đều đặn hàng năm.
Bên cạnh đó, nếu Hoa Kỳ hành động quyết liệt ngay từ hồi tháng 5 thì vô tình sẽ khiến Bắc Kinh “hiểu nhầm” rằng Washington đang cố tình trả đũa hành động khác của phía Trung Quốc, như việc hacker Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc xâm nhập vào dữ liệu của 21 triệu quân nhân nước này… Tất cả những điều đó khiến Hoa Kỳ không thể vội vàng, bởi chỉ cần một hành động “sơ sẩy” cũng có thể khiến quan hệ song phương đóng băng.
Tuy nhiên, giữa việc giữ chân một đối tác, đồng thời cũng là đối thủ đáng gờm nhất, với việc theo đuổi chiến lược xoay trục sang châu Á, Hoa Kỳ cuối cùng đã phải hành động và lựa chọn số đông. Đó là lựa chọn không thể tránh khỏi một khi Hoa Kỳ thực sự muốn tạo ảnh hưởng ở châu Á, bởi các đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực như Nhật Bản, Philippines và cả các nước láng giềng khác đang ngày càng bất an trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Khi đó hẳn các quốc gia này sẽ mất dần lòng tin đối với Mỹ về tất cả những hiệp định về an ninh đã ký kết. Kéo theo đó là những rủi ro nghiêm trọng đe doạ an toàn, an ninh và quyền tự do hàng hải… gây thiệt hại trực tiếp cho Mỹ.
Thông qua hành động cho tàu đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo tại Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đơn phương xây dựng trái phép ngày 27/10 vừa qua, có thể thấy Washington muốn bác bỏ “tuyên bố chủ quyền” phi lý của Trung Quốc tại khu vực này. Thế nhưng, nhiều khả năng cả Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ phải tiết chế những hành động tiếp theo, bởi chắc chắn sẽ không có lợi cho cả hai quốc gia này nếu căng thẳng đẩy lên đến mức không còn lối thoát.
Cảnh Nam