Trẻ lười nhác, vô lễ phần lớn phụ thuộc vào cách dạy và giáo dục các em trong mỗi gia đình, thế nên, bố mẹ phải luôn là tấm gương để con cái noi theo.
Ngày 29/8, sau khi một phụ huynh có tên Nguyễn Duyên đã đăng trên trang Facebook cá nhân của mình clip quay cảnh học sinh trường Tiểu học phải khiêng bàn ghế từ trên tầng xuống cầu thang, clip này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều.
Chứng kiến đoạn clip này, có người phẫn nộ trước hành vi bắt bê bàn ghế của giáo viên đối với học sinh vì các em còn quá bé để đủ sức bê vật nặng từ trên cao xuống thấp, có người lại tỏ thái độ không đồng tình với phản ứng của phụ huynh cho là vô lễ khi đối đáp với giáo viên dạy con mình.
Cô giáo Phan Tuyết, từ góc độ một giáo viên đã có bài viết bày tỏ chính kiến của mình về vấn đề đang gây tranh cãi này:
Tuần qua, clip quay cảnh học sinh đang khiêng bàn ghế ở một trường Tiểu học của phụ huynh Nguyễn Duyên (Nha Trang) đưa lên mạng đã nhận được sự quan tâm rất nhiều của dư luận. Người thì đồng tình với việc nhà trường làm thế để rèn luyện cho các em học sinh biết lao động. Người không đồng ý cho rằng đó là việc làm quá sức đối với các em…
Có một chi tiết bị bỏ qua ngay trong clip là thái độ của vị phụ huynh (mà chính là một học trò cũ của nhà trường) đã lớn tiếng đối đáp tay đôi, lên giọng thách thức với thầy Hiệu trưởng trước mặt con mình và rất nhiều em học sinh khác.
Trong hàng trăm ý kiến đồng tình việc học sinh lao động trên trường để rèn kĩ năng sống, có không ít người còn dẫn chứng cái thời trẻ con của họ còn phải đi cuốc đất trồng khoai, trồng mì, úp cá ngoài ruộng, gánh phân, nhổ cỏ… nhưng trẻ con thời nay lại quá sướng.
Chẳng phải không có việc cho chúng làm mà theo cái lý của một số người “thương con nên làm hết cho chúng”.
Hàng ngày trên trường học, tôi là một giáo viên cũng được chứng kiến thường xuyên kiểu cha mẹ “úm” con kĩ lưỡng như thế nào.
Có mẹ dù trường đã cấm chạy xe máy trong sân trường nhưng vẫn để con ngồi trên xe chạy ào ào vào tận cửa lớp vì sợ con đi bộ từ cổng trường vào thì tội. Có người cha hàng ngày vẫn cần mẫn cõng cậu bé học lớp 2 vào tận phòng vì nhà gần trường đi xe cũng dở, để con đi bộ lại không đành.
Trống trường vừa tan, đã thấy người cha chạy ào vào lớp học để xếp dùm con sách vở vào cặp và cõng con ra về. Học sinh lên trường mỗi sáng, đều phải làm trực nhật lớp, quét sân trường. Nhiều phụ huynh đồng tình nộp tiền để thuê người làm hộ cho các con được nghỉ ngơi bởi “thấy chúng làm tội lắm”.
Khi những yêu cầu không được đáp ứng, nhiều mẹ ngày nào cũng tới tình nguyện làm thay con vì sợ bụi bẩn làm dơ quần áo con. Đến việc ăn sáng của các con cũng được mẹ chăm sóc kĩ càng, mẹ đút từng miếng vì sợ con tự ăn sẽ chậm…
Không cho con làm việc gì, không ít cha mẹ còn dặn con không tham gia những công việc ấy. Những học sinh này thường lảng tránh công việc được giao và đùn đẩy cho các bạn khác làm.
Úm con kĩ, làm thay việc con nên trẻ ngày nay thường lười nhác là điều dễ hiểu.
Không ít phụ huynh còn hành xử với thầy cô giáo của con mình theo kiểu “hàng tôm hàng cá” trước mặt các em để chính học sinh cũng mất đi sự lễ phép, tôn trọng thầy cô.
Vị phụ huynh trong clip học sinh khiêng bàn đã đứng lớn tiếng với thầy Hiệu trưởng của con mình và của chính mình mấy năm về trước.
Mẹ ứng xử như vậy bảo sao con không bắt chước? Không ít học sinh lên trường vi phạm nội quy bị giáo viên nhắc nhở cũng đã lớn tiếng thách thức thầy cô của mình theo kiểu nói của một số người lớn “thách thầy dám động vào tôi đấy!”.
Trẻ lười nhác, vô lễ phần lớn phụ thuộc vào cách dạy và giáo dục các em trong mỗi gia đình, thế nên, ba mẹ phải luôn là tấm gương để con cái noi theo.
Theo GDVN
TIN LIÊN QUAN |
---|