(Baonghean) - Xiêng My là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương với 2 dân tộc Thái và Khơ mú cùng sinh sống. Kinh tế chủ yếu là phát nương làm rẫy, lương thực thực phẩm tự cung tự cấp, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hiện tại 573/689 hộ. Toàn xã có 3/7 bản chưa có điện lưới.

Đứng trước thực tế đó, bên cạnh việc triển khai các chương trình, dự án theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Đảng ủy, UBND xã đã mạnh dạn tìm hướng đi mới để góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong đó phải kể đến 2 dự án lớn sẽ triển khai trong năm tới là phối hợp với Công ty Thiên Hoàng (Hà Tĩnh) thực hiện dự án trồng cây cao su khoảng 400 ha. Theo đó, công ty này sẽ thuê đất trong vòng 50 năm, cung cấp giống cho bà con trồng cây cao su và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Dự án thứ hai là trồng mây nếp do tổ chức Oxfam (Hồng Kông) hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật. Dự kiến năm 2012 ươm cây giống. Ban đầu sẽ có 68 hộ ở bản Khe Quỳnh và 38 hộ ở bản Chon tham gia dự án này.
 
Ông Lương Văn Mác - Phó Bí thư Đảng ủy xã Xiêng My, cho biết: Từ trước đến nay, bà con chỉ biết  làm nương rẫy, hàng năm vẫn phải trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước, chăn nuôi khó phát triển do địa hình phức tạp, cộng với tập quán chăn thả rông nên trâu bò thường hay bị dịch bệnh. Về trồng rừng, bà con đã chuyển từ trồng keo sang trồng xoan nhưng hiệu quả không cao. Bởi vậy, mô hình kinh tế mới trồng cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao sẽ đem lại hy vọng về sự đột phá trong xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, để đồng bào đổi thay nếp nghĩ, nếp làm là điều không đơn giản. Bởi vậy, "cán bộ đảng viên phải đi trước để làng nước theo sau". Bên cạnh cây công nghiệp, Đảng ủy, chính quyền xã Xiêng My cũng chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt, chăn dắt. Xã đã thành lập Ban Xử lý vi phạm hành chính trong chăn nuôi, 7/7 bản đều có các tổ tham mưu. Nhờ vậy ý thức giữ gìn vệ sinh chung, phòng chống dịch bệnh gia súc của người dân không ngừng được tăng lên. Bà con dân tộc Thái, Khơ mú đã chủ động xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc. Đến nay, toàn xã có 420 chuồng trâu bò, 514 chuồng lợn, 84 chuồng nuôi dê với tổng đàn trâu 797con; tổng đàn bò 852 con, tổng đàn lợn 755 con, tổng đàn gia cầm 1.069 con. Là địa bàn xa trung tâm huyện, nên chính quyền địa phương khuyến khích bà con phát triển dịch vụ - thương mại để cung ứng các mặt hàng tiêu dùng và mặt hàng chính sách miền núi như muối I ốt, sách, vở học sinh...cho người dân. Trên địa bàn hiện có 28 hàng quán lớn nhỏ, xe khách vào tận trung tâm xã, tạo điều kiện cho bà con trao đổi hàng hoá, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
 
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân cần tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng thêm các mô hình điểm và điều quan trọng nhất là phải có điện lưới ổn định để phát triển KTXH, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân - Ông Lô Xuân Tình - Chủ tịch UBND xã cho hay.


Khánh Ly