(Baonghean) - Ngược hơn 200 km đường bộ và hơn 7 tiếng đồng hồ đi xuồng máy là tới trạm biên phòng Khe Khặng, thuộc Đồn Biên phòng 555 (BCH Bộ đội Biên phòng Nghệ An). Đến đây, chúng tôi mới thấu hiểu cuộc sống gian nan, thiếu thốn của các chiến sỹ nơi thượng nguồn  sông Giăng trong vùng lõi rừng nguyên sinh Pù Mát, giáp biên giới Việt - Lào.
 
1.Bản Cò Phạt và bản Búng, thuộc xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, nằm sâu trong những cánh rừng nguyên sinh Pù Mát, nơi sinh sống của 170 hộ tộc người Đan Lai. Đời sống vật chất, tinh thần rất thiếu thốn, bao giọt mồ hôi của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 555 đã thấm đất nơi đây, để cho cái bụng bà con không còn bữa đói, cái bệnh bớt đau, những mảnh vườn, thửa ruộng xanh mướt, trĩu bông.
 
Đại úy Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Đồn Biên phòng 555 cho biết: "Mấy năm nay đồn đã giúp dân sửa chữa nhà ở, vệ sinh làng bản, làm ruộng, vườn. Đồn biên chế 2 tổ công tác tại 2 bản Búng và Cò Phạt, trực tiếp tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp dân phát triển sản xuất, chăn nuôi; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, xóa mù chữ, làm thủy điện nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho dân, xây dựng nếp sống văn hóa, xóa bỏ dần những hủ tục. Phối hợp với các cấp ngành trong tỉnh đưa giống cây trồng, vật nuôi về địa bàn, nhằm phát triển kinh tế hộ. Vận động bà con tiếp tục di dời ra nơi ở mới, để bà con có điều kiện phát triển, hòa nhập cộng đồng, chỉ giữ lại 2 điểm bản, mỗi điểm từ 30-35 hộ, để có thể đảm bảo đủ đất canh tác, ổn định kinh tế, xã hội trật tự, an ninh biên giới".

767709_small_65340.jpg
 Cùng các chiến sỹ BP vượt sông Giăng vào bản Búng và Cò Phạt.

2.Đã có nhiều chiến sỹ ra đi mãi mãi vì dòng sông Giăng hung dữ nhiều ghềnh thác này. Năm 1996, Thiếu úy Nguyễn Hồng Thanh, 25 tuổi, đội phó Đội vận động quần chúng, quê ở Nghi Trung-Nghi Lộc, trong lúc làm nhiệm vụ đã bị lật thuyền hy sinh; vào mùa nước lớn, năm 2006 trong lúc đang làm nhiệm vụ, hai chiến sỹ Nguyễn Văn Thơm, 18 tuổi, quê ở Đô Lương và chiến sỹ Hà Văn Duy 23 tuổi, ở Con Cuông, đã bị nước lũ cuốn, hy sinh. Các anh ra đi bỏ lại tuổi xuân với những ước mơ tươi đẹp. Nơi được coi là thâm sơn cùng cốc không đường, không điện, không chợ, không sóng điện thoại này, các chiến sỹ biên phòng ở đây đang ngày đêm thiếu thốn bao điều, nhất là tình cảm. Đại úy trinh sát Lê Đức Đoan, quê ở huyện Yên Thành, có vợ và hai con hiện đang sống ở quê nhà, tâm sự: "Mấy tháng trời mới được về một lần, nhớ vợ con nhiều cũng phải chịu vì nhiệm vụ mà".
 
Trưởng bản La Văn Việt xúc động: "Từ khi có bội đội Biên phòng, bản sạch hơn, vui hơn. Bộ đội còn cho gạo, cho thuốc chữa bệnh, nên cái bụng của dân bản ta không còn đói và đau nữa...Ta biết ơn bộ đội lắm!".
 
Muốn vào bản Búng phải vượt đèo, lội suối gần 2 giờ đồng hồ. Trạm Biên phòng số 2 đóng cách trung tâm trạm khoảng 3km đường rừng. Giữa ngút ngàn cây xanh của rừng, nhà cửa còn đơn sơ, nhưng từ phòng làm việc đến nơi ngủ, nghỉ của bộ đội đều được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, chính quy, thống nhất. Hầu hết các anh ở đây đều được điều về từ Kỳ Sơn để bảo vệ an ninh biên giới và thực hiện Đề án Bảo tồn tộc người Đan Lai. Đại úy, Phó chính trị đồn Trịnh Văn Quế cho biết: " Mặc dầu còn nhiều vất vả và đã có những mất mát hy sinh nhưng anh em rất quyết tâm bảo vệ an ninh biên giới, giúp dân xóa đói giảm nghèo".


Trần Hải