(Baonghean) - Dự án xi măng Tân Thắng là dự án trọng điểm của Nghệ An, hiện nay tại công trường đang triển khai thi công các hạng mục chính của dự án và đến tháng 10/2017, thiết bị, dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ nhóm nước EU, G7 sẽ về đến nhà máy để lắp đặt... Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan cùng nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án xi măng Tân Thắng  bảo đảm tiến độ và quyết tâm hoàn thành vào năm 2019.  

1504145990207.jpgLễ ký kết tài trợ vốn Dự án xi măng Tân Thắng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Dự án xi măng Tân Thắng đã chủ động đón đầu xu hướng “Cách mạng công nghiệp 4.0” bằng việc mua sắm thiết bị tiên tiến, cho phép kết nối các công nghệ với nhau, hình thành mô hình quản trị tối ưu để cho ra lò những sản phẩm xi măng chất lượng cao có giá thành cạnh tranh, thân thiện với môi trường… Thực hiện mục tiêu đó, ngay từ giai đoạn khởi đầu, BQL dự án đã tổ chức đấu thầu quốc tế cạnh tranh, lựa chọn 5 nhà thầu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ thiết bị xi măng gồm: Bedeschi Spa - Ý, FLSmidth A/S - Đan Mạch, Loesche - Đức, Haver & Boecker - Đức và ABB Thụy Sỹ để thực hiện việc thiết kế và cung cấp đồng bộ dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại vào loại bậc nhất trên thế giới. Trong đó, nổi bật là: Hệ thống lò quay phương pháp khô kiểu ROTAX-2™ và có chỉ tiêu bảo hành tiêu hao nhiệt thấp nhất trong toàn ngành xi măng Việt Nam, sử dụng được đa dạng các loại than; Hệ thống nghiền nguyên liệu, nghiền than, nghiền xi măng đều là các máy nghiền đúng thế hệ mới nhất trên thế giới được cung cấp bởi hãng FLSmidth - Đan Mạch và Loesche - Đức; Hệ thống máy đóng bao tự động hiện đại có độ chính xác cao, xuất xi măng bao đa năng cho cả xe có mui và không mui, được cung cấp bởi hãng Haver &Boecker - Đức.

Đặc biệt, tại dự án xi măng Tân Thắng đã chú trọng đầu tư Hệ thống điện tự động hóa - cốt lõi của công nghệ 4.0 - ở mức độ cao cấp, điều khiển tập trung để kiểm soát đồng bộ hoạt động của nhà máy, kết nối các công nghệ điện tử, cơ khí, môi trường với nhau. Hệ thống này được cung cấp bởi hãng ABB - Thụy Sỹ; Chỉ tiêu tiêu hao điện khoảng 85 kw/tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 720 kcal/kg Clinker, đây là các chỉ tiêu tiêu hao thấp nhất trong toàn ngành xi măng hiện nay; toàn bộ dây chuyền thiết bị nhà máy được đảm bảo mới 100% và sản xuất từ năm 2016 trở về sau. Điểm ưu việt trong sản xuất là bụi phát sinh được xử lý hoàn toàn bởi các lọc bụi túi hiện đại đảm bảo nồng độ bụi tại đầu ra luôn nhỏ hơn 30 mg/Nm3, khu vực nghiền xi nhỏ hơn 20mg/Nm3. Chỉ tiêu này hoàn toàn tuân thủ thậm chí đáp ứng tốt hơn quy định hiện hành của Nhà nước. Đây chính là câu trả lời vì sao khi nhà máy đi vào sản xuất với cường độ cao thì môi trường sẽ vẫn xanh, sạch và an toàn tuyệt đối.

Với xi măng Tân Thắng, công nghệ mới nhất cho phép sản xuất cả Clinker thông thường lẫn Clinker đặc biệt để cho ra các chủng loại sản phẩm xi măng từ PCB40, PC50... đến các loại xi măng đặc biệt như: Xi măng ít tỏa nhiệt, xi măng đóng rắn nhanh, xi măng chịu mặn... theo nhu cầu của thị trường. Sản phẩm xi măng được phân phối cũng rất đa dạng. Từ chủng loại bao 50 kg thông thường, bao jumbo khối lượng từ 500 - 2.000 kg và các chủng loại bao gói phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc cung ứng xi măng Tân Thắng thuận lợi bởi ở đây được trang bị hệ thống máy đóng bao tự động hiện đại có độ chính xác cao, xuất xi măng bao đa năng được cung cấp bởi hãng Haver&Boecker - Đức.

Phối cảnh tổng thể Dự án xi măng Tân Thắng. Ảnh: P.V

Lợi thế lớn của dự án xi măng Tân Thắng chính là suất vốn đầu tư rất thấp, chỉ ở mức 2,09 triệu đồng/tấn, tương đương 92,57 USD/tấn xi măng (tổng mức đầu tư 4.086 tỷ đồng cho dây chuyền công suất 2 triệu tấn xi măng/ năm). Lý giải sự đầu tư hiệu quả này, một số chuyên gia ngành xi măng cho rằng, mấu chốt chính là dự án có sự nghiên cứu, phân tích thực trạng ngành xi măng Việt Nam và khu vực để đưa ra giải pháp đầu tư phù hợp. Chẳng hạn, phần thiết bị công nghệ, dây chuyền hiện đại bậc nhất thế giới, còn các phân đoạn đầu tư khác thì phát huy lợi thế sẵn có, năng lực và trí sáng tạo Việt Nam, sử dụng đơn vị thi công xây lắp trong nước dưới sự giám sát của chuyên gia EU, G7, qua đó giảm mức đầu tư, đảm bảo công nghệ nguồn và chất lượng, lại thuận lợi khi bảo trì, bảo dưỡng trong quá trình vận hành sau này.

Ông Nguyễn Cao Điến - Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Thắng cho biết: “Trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, nên dự án triển khai rất thuận lợi. Xi măng Tân Thắng với vị trí thuận lợi, nguồn nguyên liệu chất lượng cao, dây chuyền công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới, sẽ cho ra sản phẩm xi măng chất lượng cao, thân thiện với môi trường, dòng sản phẩm này là phù hợp với xu thế, yêu cầu phát triển của xã hội hiện nay và sẽ là tiêu chí bắt buộc trong tương lai gần. 

Dự án xi măng Tân Thắng sẽ hoàn thành và vận hành vào năm 2019, hàng năm cung cấp 2 triệu tấn xi măng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh hiệu quả về mặt tài chính, khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 500 lao động trực tiếp cùng hàng nghìn lao động gián tiếp tại địa phương. Hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 221 tỷ đồng, kéo theo sự đầu tư và phát triển các ngành sản xuất phụ trợ, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh Nghệ An theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ tại địa phương”.

P.V

TIN LIÊN QUAN