(Baonghean) - Ngày 7/8/2014, Nghị định 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể chính thức có hiệu lực.
Và ngày 8/8/2014 vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất - năm 2015. Đây được xem là bước ngoặt trong việc tôn vinh, hiện thực hóa việc hỗ trợ các nghệ nhân, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, làm thế nào để triển khai thực hiện hiệu quả, đồng thời hướng dẫn các nghệ nhân làm thủ tục theo đúng quy định cũng đang là nỗi băn khoăn của các cấp, ngành liên quan.
Những ngày này, cụ Trần Văn Tư – Chủ nhiệm CLB hát ví phường vải Kim Liên, Nam Đàn đang rất phấn khởi, vì ở cái tuổi gần 90, hơn 25 năm tham gia gìn giữ, truyền dạy vốn di sản quý giá của ông cha để lại, lần đầu tiên Đảng, Nhà nước ra quyết định phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT để ghi nhận những cống hiến của các cụ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Cụ Tư phấn khởi: “Vốn đam mê hát phường vải từ thửa nhỏ, hai chị em bác (chị gái của bác là nghệ nhân dân gian Trần Thị Em - năm nay trên 90 tuổi) đều tham gia sinh hoạt tại CLB”. Là người làm nông, sản xuất theo thời vụ, lúc trẻ, ngoài ruộng đồng, bác Tư còn đi làm thuê kiếm thêm thu nhập vừa nuôi vợ con, vừa có kinh phí đóng góp cho CLB để thỏa sức niềm đam mê. Nay tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng niềm đam mê phường vải vẫn còn nhiều lắm, lại được anh em tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm CLB nên cụ rất trăn trở: Làm thế nào để duy trì những buổi sinh hoạt có hiệu quả, lại có thể thu hút hội viên trẻ, truyền dạy cho các cháu, để mai này lỡ mình có “về thế giới bên kia” thì cũng không ân hận. Việc Bộ VH-TT và DL ra kế hoạch xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 đã cho các cụ một hy vọng mới, bởi nói như cụ Tư “chờ mãi rồi cũng đến ngày được Đảng, Nhà nước ghi nhận”. Tuy nhiên, điều cụ Tư băn khoăn nhất là hiện nay dù Chính phủ đã ra quyết định, Bộ VH-TT và DL đã ra kế hoạch cho các tỉnh chậm nhất đến ngày 30/9/2014 phải trình lên Hội đồng thi đua của tỉnh, thế nhưng đến nay, cụ Tư cùng các nghệ nhân dân gian của CLB hát ví phường vải Kim Liên – Nam Đàn vẫn chưa thấy ngành Văn hóa huyện, tỉnh về hướng dẫn cách làm thủ tục như thế nào.
Chúng tôi tìm về CLB Dân ca Nghi Trung, Nghi Lộc, gặp bác Nguyễn Ngọc Duyên – người có thâm niên trên 20 năm tham gia sinh hoạt tại CLB và cũng từng là Chủ nhiệm CLB. Hai năm lại nay, sức khỏe yếu, cụ không thể tham gia thường xuyên như trước nữa. Nhưng khi nói đến dân ca, niềm đam mê vẫn còn cháy bỏng như thửa nào. Cụ Duyên cho biết: Tham gia CLB bằng niềm đam mê, bằng sự tự nguyện, các cụ không hề đòi hỏi một chế độ, chính sách nào từ Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, thế nhưng, nhiều lúc nghĩ cũng tủi, mình cống hiến mà không ai ghi nhận cũng thấy buồn. Nay Đảng, Nhà nước đã có quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho những ai có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể là điều đáng phấn khởi.
Theo thống kê, mỗi năm cả tỉnh có khoảng 20 lễ hội lớn, nhỏ khác nhau. Trong đó, phần lớn lễ hội đều có các hoạt động diễn xướng dân gian thuộc phạm trù văn hóa phi vật thể cần có sự tham gia sáng tạo, trình diễn của các nghệ nhân dân gian. Điều quan trọng là hiện cả tỉnh đang duy trì hàng trăm CLB dân ca, dân nhạc, dân vũ với hơn 20 nghệ nhân dân gian đã được phong tặng. Họ thật sự là chủ thể sáng tạo, những người nắm giữ và trao truyền những giá trị văn hóa dân gian từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Nghị định của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành đã tạo hành lang pháp lý để các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng chế độ đãi ngộ, chính sách với các nghệ nhân dân gian, đặc biệt là nghệ nhân văn hóa phi vật thể. Theo đó, các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên trình diễn văn hóa dân gian cũng sẽ được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân và Nghệ sỹ Ưu tú.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Sau khi nhận được kế hoạch của Bộ VH-TT và DL, Sở đã giao Phòng Di sản văn hóa trực tiếp tham mưu, lên kế hoạch để triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh. Chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành sớm hồ sơ một cách đầy đủ nhất, để tiến hành xét tặng ở hội đồng cấp tỉnh và các hội đồng cao hơn. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay là việc lập hồ sơ. Bởi rất nhiều nghệ nhân tuổi đã cao, hoặc là các nghệ nhân người dân tộc thiểu số còn không biết cả chữ Quốc ngữ... Nhất là trong hồ sơ yêu cầu phải có các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm: băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ; và nhiều tài liệu khác. Trước tình hình đó, chúng tôi cũng sẽ đề nghị các ban, ngành liên quan, nhất là chính quyền địa phương: nếu nghệ nhân nào không tự hoàn thiện hồ sơ thì chính quyền, cán bộ văn hóa xã cần chủ động, tích cực giúp đỡ họ. Bởi, nếu thờ ơ và chậm trễ thì không chỉ thiệt thòi cho các nghệ nhân mà còn là sự thiệt thòi cho chính chúng ta. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để chúng ta một lần nữa khẳng định được sự trường tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ vốn di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có Dân ca xứ Nghệ - điều đó rất quan trọng để UNESCO tiến tới công nhận Dân ca xứ Nghệ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Thiết nghĩ, ngoài việc tặng danh hiệu và hỗ trợ vật chất, các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để các nghệ nhân tiếp tục biểu diễn, truyền dạy, bảo tồn vốn cổ. danh hiệu Nghệ nhân ưu tú sẽ được người dân ngưỡng mộ và có sức lan tỏa đối với cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, nếu như các cơ quan chức năng phối hợp với các nghệ nhân đã được phong tặng tổ chức các buổi biểu diễn, thuyết giảng, thành lập các lớp học… như thế mới phát huy hết giá trị danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng một cách bền vững. Và tỉnh ta cũng nên có cách làm như Bắc Ninh để khuyến khích, động viên các nghệ nhân. Đó là trước khi nghị định ra đời, tỉnh Bắc Ninh đã có hỗ trợ cụ thể cho các nghệ nhân Dân ca Quan họ hàng tháng bằng một lần mức lương cơ sở tối thiểu; được hỗ trợ mức phí tham gia bảo hiểm y tế; được hưởng chế độ mai táng phí áp dụng như đối với công chức, viên chức Nhà nước.
Thanh Thủy
Nghị định 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ gồm 5 chương, 18 điều quy định chi tiết đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND và NNƯT trong các loại hình của di sản văn hóa phi vật thể gồm: Tiếng nói, Chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian. Trong đó, đòi hỏi nghệ nhân phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương (áp dụng cho NNƯT) và phạm vi cả nước (áp dụng cho NNND)… Với NNND, phải có thời gian hoạt động nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT. Với NNƯT, phải có thời gian hoạt động nghề từ 15 năm trở lên. Nghị định cũng quy định, cá nhân được tặng danh hiệu NNND và NNƯT phải được hội đồng theo 3 cấp (cấp tỉnh, chuyên ngành cấp bộ và cấp Nhà nước) thông qua dựa theo hồ sơ xét tặng. Với những quy định nêu trên, có thể tin tưởng việc tặng danh hiệu NNND và NNƯT sẽ đảm bảo chất lượng, thời gian, đúng quy định của pháp luật. Theo đó, người được nhận danh hiệu, ngoài nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo danh hiệu, với nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng theo quy định của Chính phủ. Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước, động viên các nghệ nhân tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng cho lớp trẻ. |