Nếu đề xuất của Sở GTVT TP.HCM được chấp thuận, từ năm tới, mỗi xe gắn máy bị thu phí “sử dụng đường bộ” từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/năm tùy theo dung tích xi lanh.
Trên thực tế, Hà Nội đã triển khai thu phí này từ ngày 1.8.2013 trên 29 quận, huyện, thị xã. Với 4,5 triệu xe máy, năm 2013 thu được 55 tỉ đồng, đạt tỷ lệ khoảng 21%. Tuy nhiên theo nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội, cấp phường, thị trấn được để lại 10%; cấp xã là 20% để trang trải chi phí tổ chức thu. Việc thu phí đến từng hộ dân do các tổ dân phố đảm nhận, nộp lại cho cán bộ thuế phường. Tuy nhiên các phường phải có thêm cán bộ kiêm nhiệm làm công tác thống kê, rà soát thu, dẫn tới bộ máy thu khá cồng kềnh.
Trong khi số tiền thu không được nhiều thì thời gian triển khai và bộ máy nhân lực duy trì hoạt động thu phí lại rất lớn.
“Đã đưa vào giá xăng sao còn thu trực tiếp”
Tại TP.HCM, Sở GTVT đề xuất mức thu đối với xe gắn máy có dung tích xi lanh đến 100 cm3 là 50.000 đồng/năm (giảm 10.000 đồng so với đề xuất trước đây); xe trên 100 cm3 - 175 cm3 là 120.000 đồng/năm; loại xe trên 175 cm3 là 150.000 đồng/năm; xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xi lanh là 2,16 triệu đồng/năm.
Trả lời Thanh Niên, ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT, giải thích TP.HCM là một trong 3 tỉnh, thành đến nay vẫn chưa triển khai thu phí sử dụng đường bộ đối với xe gắn máy theo nghị định của Chính phủ. Trong khi TP.HCM đang thiếu nghiêm trọng kinh phí duy tu, bảo trì đường bộ, hiện chỉ đáp ứng 20% nhu cầu, nhất là khu vực ngoại thành, giao thông nông thôn. Theo ông Cường, nếu đề án được thông qua tại kỳ họp HĐND TP tháng 9.2014 tới, Sở GTVT đề xuất triển khai thu phí từ ngày 1.1.2015. Tính đến đầu năm 2014, TP.HCM có gần 5,8 triệu xe gắn máy có đăng ký. Đó là chưa kể hơn 1 triệu xe từ các tỉnh lưu thông hằng ngày trong TP. Nếu lấy mức thu thấp nhất 50.000 đồng/năm/xe, mỗi năm sẽ có thêm 290 tỉ đồng cho việc sửa chữa, duy tu, bảo trì đường bộ.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cấp phường, xã đã có ý kiến lo ngại sẽ “không làm xuể”. Chủ tịch xã Đa Phước (H.Bình Chánh) - ông Nguyễn Văn Thành phân tích: “Xã có khoảng 4.000 hộ dân, khi giao cho xã thu, người dân có phản ứng thì phản ứng lên xã chứ đâu có phản ứng đến TP. Hiện nay, thu phí gì cũng qua dân, sẽ khó cho xã trong việc thực hiện. Hơn nữa, lực lượng cán bộ xã không có biên chế để thu phí này, nếu kiêm nhiệm thì sẽ không làm nổi. Còn để triển khai việc này xuống tổ, ấp, kinh nghiệm từ việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cũng không đạt kết quả, bởi vì lực lượng cán bộ ở tổ, ấp không được hưởng lương, mà chỉ có sinh hoạt phí mấy trăm ngàn đồng/tháng. Nếu giao thì lực lượng này cũng sẽ làm, nhưng việc gì cũng giao xuống, e rằng sẽ làm không xuể”.
Ông Trần Phước Hùng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND P.Phú Hữu (Q.9), cho biết đến nay phường chỉ mới tiến hành thống kê số lượng xe gắn máy trên địa bàn để chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Dù chưa thu phí, nhưng trong quá trình thống kê, nhiều người dân chất vấn cán bộ phường tại sao lúc trước đã đưa phí sử dụng đường bộ vào giá xăng, nay lại đòi thu phí trực tiếp qua đầu phương tiện. Nhiều gia đình có 3 - 4 chiếc xe gắn máy nên số tiền phải nộp cũng không ít.
Không nên để gánh nặng đè người dân
Cho rằng chi phí tổ chức thu phí bảo trì đường bộ xe máy tốn kém, mất thời gian trong khi số tiền thu được quá ít ỏi, tại buổi giải trình về Pháp lệnh phí, lệ phí do Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội tổ chức vào tháng 4 vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội chuyên trách đề nghị Chính phủ xem xét bỏ loại phí này. Bởi theo báo cáo của Bộ GTVT, năm 2013 Quỹ bảo trì đường bộ thu được 5.500 tỉ đồng từ ô tô, còn thu từ xe máy dự kiến 2.600 tỉ đồng nhưng chỉ thu được 500 tỉ đồng (khoảng 20%). Nhiều ý kiến cho rằng, xe gắn máy là phương tiện phổ thông, thiết yếu của người dân, nếu phí này giá trị không lớn, chi phí quản lý tổ chức lại quá nhiều, không tương xứng, nên chăng không thu nữa.
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản (Đại học GTVT Hà Nội), không chỉ riêng Hà Nội, nhiều địa phương đã triển khai thu phí đều chung thực trạng là số tiền thu được ít, trong khi chi phí cho bộ máy thu khá lớn, phức tạp. “Thu phí sử dụng đường bộ với xe máy đã được quy định trong luật, nếu bỏ thì phải sửa luật. Nhưng thay vì bỏ ngay, có thể thực hiện hoãn thu tương tự như nhiều loại thuế không hợp lý, gây phiền nhiễu cho dân, Chính phủ đã cho hoãn thu”, TS Toản nhận định.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, với kết quả thu được từ đề án dự kiến chỉ 300 tỉ đồng/năm của TP.HCM thì so với quy mô kinh tế của TP giống như “muối bỏ biển”. Việc này tốn thời gian nhưng không đem lại kết quả lớn. Nhà nước nên xem lại việc này.
TS Nguyễn Văn Thụ, chuyên gia giao thông cũng chia sẻ, ngay khi bắt đầu triển khai, ông đã nêu quan điểm không nên thu với xe máy. Người đi xe máy thường là người có thu nhập thấp, một tỷ lệ khá lớn là người dân lao động. Chưa kể, nhiều người dân bức xúc vì phải đóng phí theo đầu xe, trong khi có xe máy được sử dụng, có xe không.
Theo Thanh niên