Ung thư đang là hiểm họa của nhân loại, nhưng nếu phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi cũng như sống lâu là hoàn toàn có thể.
Những con số báo động
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Trên thế giới, trong năm 2012, có khoảng 14 triệu trường hợp ung thư được phát hiện mới và có đến 8,2 triệu ca tử vong liên quan đến ung thư.
Ở Việt Nam, tổng số ca tử vong do ung thư năm 2012 là 91.600 ca, trong đó, số nam giới tử vong do ung thư là 58.200 ca.
Ung thư gan ở nam chiếm 26,9%, phổi 24,4%, dạ dày 14,5%, miệng-thực quản 5,8%, đại trực tràng 5,2% và do ung thư khác là 23,2%. Số nữ giới tử vong do ung thư là 33.400 ca. Trong đó, ung thư phổi chiếm 14,5%, gan 13,7%, vú 12,5%, dạ dày 12,1%, đại trực tràng 8% và do ung thư khác là 39,3%.
Theo số liệu thống kê giai đoạn 2005 đến 2010, cứ mỗi năm nước ta phát hiện thêm khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và có khoảng 95.000 trường hợp tử vong vì bệnh này. Trong đó, trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới phát hiện, chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới.
Kết quả một điều tra gần đây ở nước ta cho thấy, hơn 70% bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, chỉ 5% trường hợp phát hiện ở giai đoạn 1 và 19% ở giai đoạn 2. Bên cạnh đó, một điều tra tại tỉnh Hà Nam cho thấy, hơn 50% phụ nữ chưa từng bao giờ nghe nói về việc tự khám vú để phát hiện sớm ung thư vú. Hơn 40% chưa từng biết đến thông tin xét nghiệm tế bào cổ tử cung để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Về thông tin, 73% số người được hỏi chưa từng biết đến thông tin nội soi để phát hiện ung thư ruột và gần 80% số trường hợp chưa biết đến thông tin xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.
Ung thư không đáng sợ nếu được phát hiện, điều trị sớm
Được chẩn đoán sớm là điều kiện quan trong nhất quyết định hiệu quả điều trị và làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư .
Bà Lê Thị Hoàn, ở Lý Thường Kiệt, Hà Nội bị ung thư vú cách đây 12 năm. Hiện nay, bà vẫn sống khỏe và đang làm cho 1 tổ chức phi chính phủ. Bà Hoàn cho biết, khi thấy cục nhỏ ở ngực trái, bà lập tức đi khám. Kết quả kiểm tra cho thấy bà bị ung thư vú nhưng do phát hiện sớm, bà được phẫu thuật, kết hợp dùng các biện pháp hóa trị. Hiện nay, bà vẫn tuân thủ khám định kỳ, kiểm tra sức khỏe đều đặn.
Theo PGS – TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện MEDLATEC, một số loại ung thư có thể biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng ung thư (ung thư da, cổ tử cung, vú, trực tràng và miệng) nên có thể chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm.
Tuy nhiên, nhiều loại ung thư hầu như không biểu hiện dấu hiệu và triệu chứng trong quá trình tiến triển. Vì vậy, việc chẩn đoán ung thư cần phải dựa vào các dấu ấn ung thư, sinh học phân tử, chẩn đoán hình ảnh và tế bào học.
Dấu ấn ung thư (hay còn gọi là dấu ấn khối u) là những chất hóa học của cơ thể, thường là các protein, được sản xuất bởi bản thân các tế bào ung thư hoặc đôi khi do cơ thể sản xuất ra để đáp ứng với sự phát triển ung thư.
Do một số các dấu ấn ung thư có thể được phát hiện trong các mẫu xét nghiệm của cơ thể như máu, nước tiểu và các mô nên chúng có thể được sử dụng cùng với các xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng khác để phát hiện và chẩn đoán một số loại ung thư, tiên lượng, theo dõi đáp ứng điều trị và phát hiện tái phát.
Cũng theo PGS Luật, có khoảng trên 20 dấu ấn ung thư có thể được thực hiện để biết bệnh sớm. Qua xét nghiệm, có thể giúp sàng lọc ung thư ở những bệnh nhân có nguy cơ cao như các bệnh nhân bị chửa trứng hoặc chảy máu tử cung dai dẳng.
Đàn ông có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể kết hợp với siêu âm nội soi và sinh thiết tuyến tiền liệt để biết có nguy cơ bị ung thư hay không.