(Baonghean.vn) - Hầu đồng hay còn gọi là hầu bóng, chầu văn, ngự đồng… là nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ (Đạo Mẫu) của dân tộc ta. Đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các thanh đồng để hóa thân thành "cô Bơ, cậu Hoàng". Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các thanh đồng nhằm diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Những ngày cuối năm, tại đền Hoàng Mười các hoạt động hầu đồng diễn ra thường xuyên với hàng trăm nghìn lượt người tham gia.
Người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng. Thanh đồng thường có 2 hoặc 4 phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo để chuẩn bị trang phục, lễ lạt... Thanh đồng là nam giới thì được gọi là "cậu". Ngoài việc "cậu" được mặc nhiều trang phục cầu kỳ, đẹp mắt thì còn tô son điểm phấn, tóc có thể để dài như con gái. Một bộ phận quan trọng của giá hầu đồng là cung văn (nhóm đàn hát). Cung văn trong nghi lễ hầu đồng gồm 3-5 nhạc công, sử dụng đàn nguyệt, trống con, thanh la, phách…, thể hiện nghệ thuật diễn xướng dân gian rất đặc sắc. Cung văn là những người thông thạo các bài văn cổ, có trí ứng tác nhạy bén để hát văn hợp với giá hầu, phụ họa cho thanh đồng thêm thăng hoa. Khi thần linh nhập đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ. Trong nghi lễ hầu đồng có tất cả 36 giá, mỗi giá thờ một vị thánh. Thường một buổi hầu không phải bao giờ cũng hầu đủ 36 giá, mà có từ 8 đến 15 giá, tùy thuộc vào tâm nguyện của thanh đồng. Mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên "cậu" đồng một tấm khăn lụa đỏ. Sau khi thay đổi phục trang, cậu đồng chuyển sang một giá mới với nhân vật hóa thân mới. Có khi thanh đồng hóa thân thành một vị tướng, lúc lại hóa thân thành một cô gái tài sắc. Điệu múa của thanh đồng cũng được thay đổi theo đặc điểm của từng giá. Giá quan thường múa cờ, múa kiếm, long đao, kích; giá chầu bà thì múa quạt, múa mồi. "Giá" ông Hoàng thì có múa khăn tấu, múa tay không, múa cờ... Trong lúc thanh đồng đang hoá thân thì các phụ đồng ngồi quỳ chân ở dưới cũng nghiêng ngả và múa may hưởng ứng. Thanh đồng ban lộc cho các đệ tử để hóa giải những đen đủi trong năm, ban phúc lành, bình an cho năm mới. Tại Nghệ An, nghi lễ hầu đồng được tiến hành thường xuyên tại các đền như: đền Ông Hoàng Mười, đền Hồng Sơn… Nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng Đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, trở thành một biểu tượng yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa. Với những giá trị quý giá đó, ngày 9/9/2013, nghi lễ hầu đồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hải Vương - Lê Thắng