(Baonghean.vn)- Cùng với phong tục thả cá chép, vào ngày ông Táo 23/12 âm lịch hàng năm, người dân một số nơi ở Yên Thành còn dựng cây nêu, cột đèn để tiến ông Táo về trời. Cây nêu, cột đèn có ý nghĩa bảo vệ gia chủ trong suốt thời gian ông Táo đi vắng.

images1806406_1.jpgViệc dựng cây nêu, cột đèn đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều người. Ảnh: Lan Thái.

Mờ sáng 23 tháng Chạp, các thành viên gia đình ông Hồ Sỹ Vân, xóm 5, xã Bắc Thành đã tất bật chuẩn bị lễ tiễn ông Táo về trời báo cáo thành quả một năm lao động của gia đình với Ngọc Hoàng. Vật  dụng không thể thiếu của gia đình ông Vân trong ngày ông Táo là cây cột đèn đã gắn bó với gia đình ông gần 20 năm.

Cột đèn của gia đình ông Vân gồm một cây tre to, dài trên 10m, một con hạc và một con phượng bằng gỗ, bóng điện, và lá cờ tổ quốc. Ông Vân cho biết, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, gia đình ông mang ra treo trước cổng nhà, đến hết ngày 7 đón ông Táo về thì hạ xuống.

Hình con phượng trên cột đèn. Ảnh: Lan Thái.

Sáng 23 tháng Chạp, đi khắp những ngôi làng nhỏ ở các xã Trung Thành, Bắc Thành,… những cây nêu, cột đèn đã được người dân nơi đây dựng trước sân nhà, lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới trong mưa xuân. Cây tre chọn làm nêu phải cao, thẳng, không có dấu vết của sâu bệnh và quan trọng là không được cụt ngọn. Trên cây nêu thường được treo thêm lá cờ tổ quốc và một bóng đèn.

Cây tre để làm cây nêu phải cao, thẳng, không sâu bệnh và đặc biệt không được cụt ngọn. Ảnh: Lan Thái.

Còn việc làm cột đèn lại kỳ công hơn rất nhiều. Cột đèn là cây tre già, cao, thẳng, thật chắc, có thể dùng từ năm này qua năm khác. Trên đỉnh cột được buộc túm lông gà làm ngọn, phía dưới là một con phượng bằng gỗ được sơn màu đỏ, đuôi con chim phượng cũng được trang trí bằng lông gà. Cách chim phượng tầm một mét là một con hạc bằng gỗ cũng sơn màu đỏ, phần “cổ” công được kéo dài, vừa để làm giá buộc cờ. Dưới cổ phượng và cổ công đều được treo một chiếc “chuông” bằng gỗ.

Cột đèn có thể dùng năm này qua năm khác. Ảnh: Lan Thái.

Ông Nguyễn Duy Long (sn 1938, xóm 5, xã Bắc Thành) cho biết: ‘Tương truyền, ngày xưa, phong tục dựng cây nêu tiễn ông Táo về trời chỉ dành cho những gia đình nghèo khó. Việc dựng cây nêu đơn giản và cũng không tốn kém gì ngoài một cây tre hoặc một cây hóp còn nguyên ngọn cây. Còn việc dựng cột đèn chỉ dành cho các hộ khá giả, các hộ giàu có bởi lẽ phải thuê người đẽo phượng, rồng”. 

Con hạc tượng trưng cho sự mạnh mẽ, có ý nghĩa mong đàn ông, con trai luôn mạnh khỏe, giữ được cái uy nghiêm trong nhà đồng thời cũng thể hiện mong muốn gia chủ được khỏe manh, sống trường thọ. Còn con chim phượng tương trưng cho phụ nữ với ý nghĩa mong muốn đàn bà, con gái trong nhà được xinh đẹp, hiền dịu, nết na. Con phượng được đặt trên một trục xoay, đầu của chim phượng quay theo hướng gió. Còn đầu rồng thì được buộc cố định quay vào trong nhà gia chủ với mong muốn gia chủ có sức khỏe dồi dào, sống trường thọ.

Hình đầu rồng luôn được buộc cố định trên cột đèn hướng về nhà gia chủ. Ảnh: Lan Thái.

Ông Long cho biết thêm, phong tục dựng cây nêu, cột đèn trong ngày ông Táo có từ bao giờ không ai còn nhớ. Trước cách mạng tháng Tám, ở làng của ông chỉ có khoảng 7 cột đèn của những gia đình giàu có. Các gia đình nghèo thường dựng cây nêu thay thế. Trong thời kỳ chiến tranh, việc dựng nêu, cột đèn bị mất đi, sau này đất nước thống nhất, phát triển thì mọi người lại cùng nhau phục dựng lại nét văn hóa truyền thống độc đáo này.

Cột đèn trong ngày ông Táo ở xã Bắc Thành, Yên Thành. Ảnh: Lan Thái.

Ý nghĩa của cây nêu và cột đèn đều nhằm tiễn ông Táo lên Thiên đình đồng thời trong những ngày ông Táo đi vắng, cây nêu, cột đèn còn xua đuổi tà ma bảo vệ gia chủ. Trước đây một số làng ở Bắc Thành mọi người còn tụ tập thành nhóm để cùng dựng nêu, cột đèn, sau khi xong việc thì tổ chức ăn uống rất đông vui, ấm áp. Ngày nay khi cuộc sống ngày càng sung túc, đủ đầy, người dân còn trang trí trên cây nêu, cột đèn hệ thống bóng nháy rất công phu, cầu kỳ.

Theo ông Trần Minh Tôn, ở xóm 4, xã Bắc Thành cho biết: “Dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp nhằm tiễn ông Táo về trời. Theo quan niệm từ xưa thì cây nêu được dựng trên đất nhà Phật, do vậy sẽ giữ được uy linh, phòng tránh tà ma xâm nhập, bảo vệ gia đình trong thời gian ông Táo đi vắng. Ngày mùng Bảy Tết, sau khi làm lễ đón ông Táo về nhà thì cây nêu cũng được hạ xuống”.

Lan Thái

TIN LIÊN QUAN