Xe ô tô công bị sử dụng vào mục đích cá nhân có thể bị phạt từ 5 triệu đồng tới 15 triệu đồng. Khung phạt này áp dụng đối với xe công có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước đang được Bộ Tài chính hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ ngành.

Theo dự thảo, mức phạt đối với cá nhân sử dụng sai tài sản công có giá trị dưới 100 triệu đồng sẽ ở mức 1-5 triệu đồng. Đối với tài sản có giá trị trên 100 triệu đồng như ôtô công, mức phạt tăng dần lên 5-15 triệu đồng. Riêng trường hợp sử dụng trụ sở làm việc vào mục đích cá nhân, mức phạt lên tới 20-30 triệu đồng.

Ngoài các mức phạt trên, tùy theo mức độ, cơ quan tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời, cá nhân, đơn vị sử dụng sai mục đích tài sản công có thể bị thu hồi vật dụng hoặc tạm dừng thanh toán các khoản chi phí liên quan đến đầu tư, xây dựng, mua sắm bảo dưỡng...

Cũng theo dự thảo nghị định, các trường hợp tự ý mua tài sản máy móc, trang thiết bị làm việc, ôtô có giá dưới 100 triệu đồng cũng bị phạt với mức dự kiến 1-5 triệu đồng. Mức phạt được nâng lên 5-10 triệu đồng đối với các tài sản có giá trị trên 100 triệu đồng và từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tài sản tự ý mua sắm là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp...

Dự thảo nghị định cũng đưa ra 3 mức phạt tương tự đối với các trường hợp mua sắm tài sản không đúng thẩm quyền.

So với các quy định hiện hành, khung phạt đối với các hành vi sử dụng xe công sai mục đích, hoặc tự tiện mua sắm được chỉnh sửa theo hướng tăng mức phạt, nhắm chấn chỉnh hiện tượng cá nhân, tổ chức sử dụng xe công, tài sản Nhà nước vào mục đích riêng như đi lễ chùa, mua sắm hay du xuân...

Theo số liệu của Bộ Tài chính trong tháng 7, hệ thống kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán 37 tỷ đồng của các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, do chưa chấp hành chế độ thu chi theo quy định.

Tính cả 7 tháng đầu năm, số chi thường xuyên mà hệ thống kho bạc kiểm soát đạt 208.000 tỷ đồng. Trong đó 24.500 khoản chi của 13.200 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định. Và trong 7 tháng, số tiền mà cơ quan này từ chối chưa thanh toán vào khoảng 199 tỷ đồng.


(Theo VnExpress)