Cơn mưa rào sau mùa nắng hạn
Với hầu hết các mẫu mã đều được nhập khẩu từ Thái Lan, xe bán tải được xem là một trong những phân khúc ô tô chịu nhiều ảnh hưởng sau khi Nghị định 116 của Chính phủ và Thông tư 03 của Bộ giao thông vận tải (GTVT) chính thức ban hành.
Những quy định mới về các thủ tục giấy tờ đối với hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc cũng như việc siết chặt hoạt động kiểm định tiêu chuẩn khí thải, an toàn kỹ thuật theo từng lô xe... vô hình dựng nên rào cản khiến các mẫu xe bán tải “tắc đường về” kể từ đầu năm 2018.
Nguồn hàng dự trữ từ cuối năm 2017 dần cạn kiệt, các hãng xe tham gia vào phân khúc này lần lượt rơi vào tình cảnh không có đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu thị trường. Lượng tiêu thụ xe bán tải theo đó cũng liên tục sụt giảm. Từ mức doanh số bán trung bình hơn 2.000 xe/tháng, tổng lượng xe bán tiêu thụ tại Việt Nam đã giảm kỷ lục, về mức 349 xe trong tháng 4.2018. Trong đó, lượng tiêu thụ Ford Ranger giảm chỉ còn vài chục xe, Nissan Navara khan hàng, Toyota Hilux thậm chí không còn xe để bán... Tình trạng này, khiến nhiều hãng xe cắt giảm khuyến mãi vốn áp dụng đều đặn mỗi tháng với dòng xe bán tải nhằm vớt vát nguồn thu trước tình cảnh sụt giảm doanh số. Thậm chí, các đại lý Ford còn tăng giá bán Ranger.
Tuy nhiên, từ tháng 5.2018 những tín hiệu lạc quan từ hoạt động nhập khẩu của các DN ô tô đang góp phần hình thành nên những cơn mưa rào đầu mùa, xua tan đi chuỗi ngày nắng hạn ở phân khúc bán tải. Đến thời điểm này, hầu hết các DN nhập khẩu ô tô từ Thái Lan đều đã có được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô theo quy định. Đây được xem là tiền đề để Toyota, Nissan, GM, Mitsubishi hay Ford... lần lượt đưa các mẫu xe bán tải trở lại thị trường Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tuần cuối tháng 6.2018 đã có khoảng 1.816 xe ô tô đăng ký tờ khai nhập khẩu, trong đó có 921 ô tô tải.
Hiện tại, GM được xem là đơn vị đầu tiên đánh dấu sự trở lại phân khúc bán tải sau khi hoàn tất các thủ tục nhập khẩu, thông quan lô xe Chevrolet Colorado vào đầu tháng 5.2018. Trong khi đó, mới đây mẫu Hilux của Toyota cũng đã cập cảng để chờ làm thủ tục thông quan. Theo kế hoạch của hãng xe Nhật Bản, chậm nhất đến đầu tháng 8.2018, các phiên bản mới của Hilux sẽ có mặt trên thị trường. Ngoài ra, nếu không gặp trở ngại, lô xe Ford Ranger, Nissan Navara đầu tiên thuộc diện hưởng thuế nhập khẩu 0% sẽ có mặt tại Việt Nam vào tháng 8.2018. Trong khi đó, theo đại diện Mitsubishi Việt Nam, các mẫu xe nhập khẩu của hãng trong đó có mẫu bán tải Triton sẽ được đưa về trong 2 tháng tới.
Giá bán xe không giảm
Sự trở lại của dòng xe bán tải ít nhiều mang lại tín hiệu lạc quan cho hoạt động kinh doanh của các hãng xe cũng góp phần giải tỏa “cơn khát” đang diễn ra trên thị trường. Tuy nhiên, ngay cả khi hội tụ đủ yếu tố để hưởng thuế nhập khẩu 0%, giá bán các mẫu xe bán tải cũng khó có thể giảm sâu như kỳ vọng của người tiêu dùng. Bởi, trước thời điểm 2018 xe bán tải vào VN chỉ phải chịu thuế nhập khẩu ở mức 5%.
Thực tế hiện nay cho thấy, những mẫu xe bán tải đầu tiên về Việt Nam có mức giá bán không giảm mà còn tăng hàng chục triệu đồng. Cụ thể, 5 phiên bản của dòng Chevrolet Colorado cập cảng vào tháng 5.2018 đều giữ nguyên giá bán từ 624 - 839 triệu đồng. Khách hàng mua dòng bán tải này chỉ được ưu đãi theo chương trình khuyến mãi hàng tháng của hãng và các đại lý phân phối.
Trong khi đó, sau một thời gian dài gián đoạn, Toyota Hilux chính thức trở lại với 3 phiên bản. Giá bán của dòng xe bán tải này được Toyota Việt Nam công bố ở mức 695 - 878 triệu đồng. So với mức giá cũ, phiên bản Hilux 2.4 MT 4x4 tăng thêm 18 triệu đồng, bản Hilux 2.4 AT 4x2 tăng 22 triệu đồng. Tuy nhiên, Hilux 2018 đã được Toyota bổ sung các tính năng an toàn hỗ trợ người lái đồng thời nâng cấp diện mạo thiết kế. Riêng Nissan Navara, một số đại lý ủy quyền của Nissan tại TP.HCM cho biết, mẫu bán tải này vẫn giữ nguyên giá niêm yết cũng như 6 phiên bản từng bán ra thị trường Việt Nam trước đây.
Với những động thái của các DN, có thể thấy các dòng xe bán tải hưởng thuế nhập khẩu 0% trở lại thị trường Việt Nam trong thời gian tới khó có thể giảm giá như kỳ vọng của người tiêu dùng.