Khiếu kiện kéo dài

Tháng 1/2013, theo lộ trình xây dựng xã nông thôn mới UBND Tân An xã tổ chức lấy ý kiến người dân về quy hoạch, xây dựng nghĩa trang tại xóm Đô Lương, và được người dân đồng ý thực hiện theo phương thức xã hội hóa, đóng góp mỗi hộ 100 ngàn đồng. Năm 2014 nghĩa trang này hoàn thành, đưa vào hoạt động với diện tích 1 ha.

Tuy nhiên, tháng 5/2015 bà Nguyễn Thị Nhi trú ở xóm Xuân Hương, xã Hương Sơn (xã giáp ranh với xã Tân An), ủy quyền cho con gái là Lê Thị Hương (trú tại xã Tân An) gửi đơn khiếu kiện về việc UBND xã Tân An xây dựng nghĩa trang không đạt khoảng cách với các hộ dân đúng quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng tới đời sống của gia đình bà Nguyễn Thị Nhi.

Trong đơn bà Lê Thị Hương yêu cầu được di dời nhà cửa với kinh phí 120 triệu đồng. Thời gian này bà Nguyễn Thị Nhi đang đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập. Năm 2016 bà Nguyễn Thị Nhi về nhà và tiếp tục khiếu kiện về vấn đề này tại các cuộc tiếp xúc cử tri của xã Tân An, của huyện Tân Kỳ cũng như các cuộc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo xã, huyện.

bna_nghia_trang_xom_do_luong_xa_tan_an_huyen_tan_ky2638419_2732020.jpgNghĩa trang xóm Đô Lương, xã Tân An, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Hoài Thu

Xác minh thực tế tại vị trí nhà ở của bà Nguyễn Thị Nhi và vị trí quy hoạch nghĩa trang xóm Đô Lương cho thấy, nhà ở của bà Nguyễn Thị Nhi nằm dưới mép của một đồi đất cách nghĩa trang xóm Đô Lương khoảng 150 - 200m, cách nghĩa trang bởi một con hào có chiều rộng và chiều sâu khoảng 1m, tiếp đó là khu đất nông nghiệp trồng keo của các hộ dân xã Tân An.

Nghĩa trang nằm trên đỉnh một ngọn đồi, trước đây thuộc vùng đất sản xuất của hộ ông Lê Văn Tứ. Cũng theo quan sát của chúng tôi, khu vực nhà bà Nguyễn Thị Nhi không chỉ nằm gần nghĩa trang xóm Đô Lương, mà còn gần với khu nghĩa trang của xã Hương Sơn với khoảng cách theo như bà Nhi cho biết là chưa đến 100m.

Khu nghĩa trang của xã Hương Sơn cũng quy hoạch trên triền một ngọn đồi cạnh khu nhà ở của bà Nguyễn Thị Nhi, và có trước khi bà Nhi xây dựng nhà ở tại đây. Ngoài hộ bà Nguyễn Thị Nhi thì còn có 40 hộ khác cũng nằm trong khoảng cách dưới 500m so với nghĩa trang xóm Đô Lương.

Sở dĩ cho đến nay bà Nguyễn Thị Nhi không chỉ gửi đơn kiện đến UBND huyện Tân Kỳ, mà vẫn tiếp tục khiếu kiện lên các sở, ngành cấp tỉnh vì các yêu cầu trong đơn khiếu kiện vẫn chưa thực hiện được. Bà Nhi cho biết, trước đây bà yêu cầu UBND xã Tân An bồi thường cho bà 120 triệu đồng để mua đất và di chuyển nhà ở đi nơi khác, nhưng sau đó bà không đồng ý với số tiền bồi thường do chính mình yêu cầu, mà yêu cầu đổi đất. 

Bà Nguyễn Thị Nhi trình bày các nội dung khiếu kiện. Ảnh: Hoài Thu

Ông Cao Tiến Thìn  - Chủ tịch UBND xã Tân An cho hay, tại các cuộc họp giải quyết đơn kiến nghị của bà Nhi các năm 2018, 2019 bà yêu cầu nếu không được đổi đất thì xã phải bồi thường cho bà số tiền là 350 triệu đồng để bà tự di chuyển nhà ở.

Còn đối với việc UBND xã Tân An nhiều lần đề nghị hỗ trợ mua máy lọc nước, bồn chứa nước và làm lại công trình phụ cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhi để khắc phục việc ảnh hưởng môi trường, bà Nhi không đồng ý. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nhi cũng xác nhận điều này.

Vì sao lúng túng?

Nguyên nhân dẫn đến sự việc khiếu kiện kéo dài, lúng túng trong giải quyết bắt nguồn từ việc UBND xã Tân An cũng như đơn vị tư vấn trong quá trình thực hiện quy hoạch, xây dựng nghĩa trang xóm Đô Lương đã không nắm rõ các văn bản quy định của pháp luật, dẫn đến vi phạm về khoảng cách an toàn đối với khu dân cư.

Cụ thể ở đây là các quy định tại Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Theo đó, khoảng cách an toàn đối với nghĩa trang vùng nông thôn với các hộ dân cư là 500m. Một nguyên nhân khác dẫn đến sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm bởi người khiếu kiện là bà Nguyễn Thị Nhi liên tục thay đổi yêu cầu trong giải quyết quyền lợi của bản thân.

Khu vực nhà ở của bà Nhi (khoanh tròn) nhìn từ nghĩa trang xóm Đô Lương. Ảnh: Hoài Thu

Từ tháng 9/2015 đến nay, đã có hàng chục cuộc làm việc, hàng chục văn bản chỉ đạo của UBND huyện Tân Kỳ cũng như các thông báo giải quyết vụ việc khiếu kiện giữa bà Nguyễn Thị Nhi với UBND xã Tân An. Trong đó, UBND xã Tân An đã đề xuất nhiều phương án giải quyết, thỏa thuận giải quyết với hộ bà Nguyễn Thị Nhi.

Cụ thể, đối với yêu cầu đền bù 120 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Nhi, sau đó bà Nhi lại yêu cầu tăng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, UBND xã Tân An cho biết, ngân sách xã không đủ khả năng và không cho phép để chi trả. Bên cạnh đó, lấy ý kiến người dân về phương án huy động xã hội hóa đóng góp hỗ trợ bà Nhi di dời nhà cửa, người dân xã Tân An nói chung và 600 hộ dân thuộc 5 xóm được sử dụng nghĩa trang xóm Đô Lương cũng bày tỏ không đồng tình.

Một phương án khác được UBND xã Tân An xin ý kiến UBND huyện Tân Kỳ nhằm đáp ứng yêu cầu được di dời nhà ở của bà Nguyễn Thị Nhi, đó là việc UBND xã Tân An có quy hoạch vùng đấu giá đất ở khoảng 10 lô ở trung tâm xã. UBND xã đề xuất phương án đền bù cho bà Nguyễn Thị Nhi 1 lô đất diện tích 200m2 để bà Nhi di dời nhà ra ở tại lô đất này. Tuy nhiên, bà Nhi yêu cầu phải được đổi 2 lô đất là 400m2. UBND xã Tân An đồng ý với bà Nguyễn Thị Nhi và xin ý kiến UBND huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, vì “vướng” quy định của pháp luật đối với việc đền bù, di dời tái định cư nên phải đình chỉ. 

Tại cuộc làm việc ngày 3/3/2020 giữa UBND xã Tân An và bà Nguyễn Thị Nhi, để tiếp tục giải quyết khiếu kiện của bà Nguyễn Thị Nhi, Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết, khả năng hỗ trợ tiền để mua bồn chứa nước, máy lọc nước và sửa chữa lại công trình phụ của gia đình bà Nhi là 50 triệu đồng. Đồng thời sẽ hỗ trợ gia đình bà Nhi xây dựng hệ thống nước sạch.

Nội dung này cũng là một trong các chỉ đạo của UBND huyện Tân Kỳ đối với vụ việc khiếu kiện của bà Nhi, thể hiện tại Thông báo số 26/TB-UBND ngày 2/3/2020 của UBND huyện Tân Kỳ. Tuy nhiên, bà Nhi không đồng ý, và tuyên bố tiếp tục khiếu kiện với lý do thỉnh thoảng vẫn có người lén lút chôn cất người chết tại nghĩa trang xóm Đô Lương, xã không ngăn cấm được tuyệt đối. Vì vậy, một lần nữa vụ việc lại rơi vào tình trạng như ban đầu, chưa thể giải quyết dứt điểm.

Ở một khía cạnh khác, sau khi có đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Nhi, UBND huyện Tân Kỳ đã yêu cầu xã Tân An vận động người dân tạm dừng việc chôn cất người chết tại nghĩa trang xóm Đô Lương cho đến khi giải quyết xong vụ việc. Ngày 22/6/2016, ngày 17/9/2018 UBND xã Tân An đã ra thông báo dừng chôn cất, mai táng tại khu vực nghĩa trang xóm Đô Lương. Tính đến nay có khoảng 30 ngôi mộ đã chôn cất tại nghĩa trang này.

Người dân xây bờ bao khu vực chôn cất người chết tại nghĩa trang xóm Đô Lương. Hiện có khoảng 30 ngôi mộ đã chôn cất tại nghĩa trang này. Ảnh: Hoài Thu

Rõ ràng, việc khiếu kiện của bà Nhi là có cơ sở và có việc chính quyền xã Tân An lúng túng trong xử lý đã khiến bà Nhi liên tục thay đổi các phương án giải quyết vụ việc. Thừa nhận cái khó khi yêu cầu người dân ngừng chôn cất người chết tại nghĩa trang, Chủ tịch UBND xã Tân An ông Cao Tiến Thìn cho biết, chính quyền bị “mắc” giữa quyền lợi của một bên là bà Nhi, một bên là 600 hộ dân của 5 xóm, dẫn đến đã có sự thiếu kiên quyết trong thực hiện tạm dừng chôn cất người chết ở nghĩa trang Đô Lương.

Cho đến khi UBND xã Tân An bị UBND huyện Tân Kỳ phê bình, đồng thời quyết định dừng vĩnh viễn việc chôn cất người chết tại nghĩa trang xóm Đô Lương, yêu cầu xã Tân An kiên quyết hơn trong xử lý thì việc chôn cất người chết tại đây mới cơ bản được chấm dứt. Đồng thời, UBND huyện cũng giao xã Tân An nghiên cứu mở rộng diện tích các khu nghĩa trang cũ ở xóm Tân Sơn để phục vụ nhu cầu người dân.

Một hướng giải quyết khác cũng được tính đến nhằm tránh lãng phí, đó là chỉ sử dụng cát táng ở nghĩa trang xóm Đô Lương. Bởi quy định khoảng cách của nghĩa trang cát táng với hộ dân cư là tối thiểu 100m. Với các hướng giải quyết này, UBND xã Tân An mong sẽ chấm dứt được tình trạng khiếu kiện kéo dài đã 5 năm, đem lại sự ổn định, đồng thuận để phát triển.