(Baonghean) - Ngày nay, xe buýt đã trở thành một phương tiện đi lại quen thuộc của người dân. Cũng như nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, có thể nói xe buýt là “đôi chân” của cư dân đô thị. Thế nhưng, lên xe buýt ở xứ ta vẫn có quá nhiều chuyện để ca cẩm. Dường như việc xây dựng nếp sống văn minh trên xe buýt đang bị hành khách lẫn nhà xe lãng quên.

Lâu nay, nếu đi xe buýt, mọi người thường kêu ca về chất lượng, thái độ phục vụ kém, xe quá tải... Hay vào những giờ cao điểm, tình trạng các xe chật ních hành khách, lái xe điều khiển xe dừng đỗ sai điểm hoặc không mở cửa cho khách lên, phụ xe, lái xe đôi khi to tiếng quát mắng hành khách.

Bạn Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An thường xuyên di chuyển bằng xe buýt cho biết: “Cuối tuần, em thường đi xe buýt về quê ở Quỳnh Lưu, tầm chiều thứ 6 xe hay đông, nên nhà xe nhồi nhét khách, chật chội. Nhiều lần xe lạng lách, chạy nhanh, vừa cảm thấy mệt, vừa bất an”.

Không thể không nhắc tới việc nhiều tài xế xe buýt lợi dụng được ưu tiên trên đường đã chạy lạng lách chiếm đường, có khi ép, chẹt nhiều phương tiện khác, gây không ít sự ác cảm, thậm chí trở thành “hung thần” trong mắt nhiều người dân.

Chị Nguyễn Thị Hồng (phường Hưng Bình, TP. Vinh) phàn nàn: “Tôi thường xuyên gặp xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí còn lạng lách, bấm còi inh ỏi, chèn đường người tham gia giao thông khác lúc xe vào trạm, rất nguy hiểm”.

images1769759_bna_584d481a0fe3c.jpgXe buýt lấn làn trở thành nỗi sợ của người đi đường.

Nhưng đó chỉ là một mặt từ phía nhà xe, còn mặt khác quan trọng hơn phải nói đến, đó chính là ý thức của những hành khách đi xe.  Ngay vào những giờ cao điểm, cái cảnh hành khách chen lấn, xô đẩy nhau, thậm chí quát mắng, chửi nhau chỉ vì lên trước, lên sau diễn ra nhan nhản.

Anh Trần Ngọc Anh là hành khách thường xuyên của tuyến xe buýt Vinh - Thanh Chương kể: Có lần, khi đón xe buýt tại một trạm dừng trên đường Nguyễn Trãi, anh quá bực bội khi chứng kiến cảnh một thanh niên cậy khỏe chen lấn làm ngã một cụ già để lên xe buýt trước. Anh đã lên tiếng. Nhưng người này trợn mắt nhìn anh như người “ở đâu rơi xuống”.

Cần phải thấy rằng, xe buýt cũng như một xã hội thu nhỏ với đủ mọi loại người. Ý thức của hành khách nhiều khi cũng làm cho lái xe, phụ xe ức chế. Không khó để thấy những hành động khó chấp nhận từ phía khách đi xe buýt như người già, phụ nữ đứng còn thanh niên khỏe mạnh thì ngồi.

Bạn Nguyễn Thị Huyền, sinh viên năm 4, khoa Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Vinh nói: “Tuyến xe tôi đi lúc nào cũng đông khách, song dường như mọi người đối xử với nhau vẫn còn thiếu cái tình”. Chuyện nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai hay trẻ nhỏ vốn dĩ là việc nên làm, vậy mà nhiều người vẫn còn giữ thái độ dửng dưng, “làm ngơ”. 

Xe quá tải thì mọi người chen chúc, xe vắng nhiều hành khách lại nằm ngồi, gác chân, tuột dép như ở nhà mình... Cùng với đó là những hiện tượng như trên tất cả các xe buýt đều có gắn các khẩu hiệu như “An toàn, văn minh, lịch sự”, “Cấm hút thuốc trên xe”, “Đón trả khách đúng nơi quy định”... nhưng đáng buồn là có không ít hành khách đi xe buýt thiếu ý thức, thản nhiên buôn chuyện điện thoại ầm ĩ, một số còn  ăn uống, vứt rác trên xe.

Thậm chí một số thanh niên còn phì phèo thuốc lá, nếu bị nhắc nhở lại tỏ ra khó chịu hay văng tục, chửi bậy...

Có thể khẳng định, để xây dựng văn hóa giao thông đối với vận tải bằng hình thức xe buýt thì cần sự chung tay của cả hai phía, từ người phục vụ đến người được phục vụ.

Từ phía các công ty vận tải đó là việc nâng chất lượng phương tiện, xây dựng cơ sở hạ tầng cho xe buýt, mở rộng vùng phục vụ, nâng cao chất lượng, đạo đức đội ngũ lái, phụ xe.

Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay của người dân là hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt để vận tải bằng xe buýt trở nên gần gũi, thân thiện và văn minh hơn./.

Mỹ Nga


 

TIN LIÊN QUAN