(Baonghean) - “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản này cần sớm chấn chỉnh, loại bỏ các biểu hiện lệch lạc, chưa hay và chưa đẹp.
Vinh danh Đạo Mẫu
Thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt có từ thời tiền sử, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Ngay từ sơ khai, người Việt đã hình tượng mẹ để tôn vinh, thờ phụng và ký thác niềm tin. Mẹ cũng chính là tự nhiên. Theo thời gian, hình tượng Mẫu có xu hướng “lịch sử hóa”, “địa phương hóa” và “nhân hóa”, dần gắn liền với nhiều huyền tích có công với nước, thương yêu người dân, thậm chí, gắn với những nhân vật có thật.
Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng tới cuộc sống, niềm tin thực tại với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn của mọi tầng lớp xã hội... Thờ nhân thần, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần hướng về nguồn cội, mang đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; Tôn vinh tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng thông qua hình ảnh “đồng cô, bóng cậu”; Tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống.
Trong quá trình hình thành và biến đổi, tục thờ Mẫu của người Việt đã tích hợp được những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Tiêu biểu là hình thức diễn xướng nghi lễ lên đồng (hầu đồng). Hầu đồng tích hợp nhiều hình thức nghệ thuật, trong đó, nổi bật là lối hát văn độc đáo.
Lối hát này làm cho nghi lễ lên đồng sôi động và hấp dẫn nhờ tiếng đàn, trống, nhạc đệm cùng với lời văn gợi lại sự tích, công trạng của các vị thánh và cách trang trí nhân vật, khung cảnh tác động trực tiếp đến người xem, chuyển tải những giá trị văn hóa cổ truyền rất độc đáo của người Việt.
Ở nước ta, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã có lúc bị cấm. Nguyên nhân là do nhiều nơi nghi lễ hầu đồng bị biến tướng thành mê tín dị đoan; nhiều người lợi dụng đạo Mẫu để “buôn thần bán thánh”. Những năm sau đổi mới, xây dựng nền văn hóa XHCN đậm đà bản sắc dân tộc, Đạo Mẫu khôi phục và phát triển nhanh, mạnh.
Lý do khiến đạo Mẫu trở nên phát triển mạnh bởi đây là một tín ngưỡng thuần Việt xuất phát từ nhu cầu tâm linh. Tuy vậy, trước và sau khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh, đạo Mẫu đã, đang và sẽ tiếp tục đối diện với nguy cơ không được bảo vệ và phát huy giá trị đúng cách.
Ngày 1/12, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" chính là di sản thứ 10 của Việt Nam được UNESCO vinh danh sau Nhã nhạc - Nhạc Cung đình triều Nguyễn (năm 2003), Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2005), Hát Ca Trù của người Việt (năm 2009), Dân ca Quan họ (năm 2009), Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng (năm 2010), Hát Xoan Phú Thọ (năm 2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (năm 2012), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (năm 2013), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (năm 2014), Nghi lễ và Trò chơi Kéo co (năm 2015). |
Chấn chỉnh để gìn giữ di sản
Nằm xa trung tâm phủ, đền vùng Bắc bộ nhưng từ rất sớm người dân Nghệ An đã rất coi trọng tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo trục dọc, ngang địa hình, từ Hoàng Mai vào thành phố Vinh, từ Cửa Lò lên đến Kỳ Sơn đâu đâu cũng có các đền, điểm thờ Mẫu. Đó là đền Cờn, đền Hoàng Mười, đền Hồng Sơn, đền Cửa, đền Ngọc Điền, đền Pu Nhạ Thầu…
Hiện tại, chưa có một thống kê nào về các điểm thờ tự nhưng theo như cố PGS. Ninh Viết Giao, chỉ tính riêng huyện Quỳnh Lưu đã có hơn 30 điểm thờ tự Tứ vị Thánh Nương.
So với các điểm thờ Mẫu trong tỉnh, đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên) nổi danh hơn cả. Vào những kỳ lễ hội lớn như đầu năm, rằm tháng 3 và 10/10 Âm lịch, đền Ông Hoàng Mười có hàng vạn người về dâng hương, cầu khấn và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Theo ban quản lý đền Hoàng Mười, mỗi năm đền đón khoảng 400 - 500 bản hội (nhóm hầu đồng) đến thực hành tín ngưỡng, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc. Có nhóm gồm đồng cô bóng cậu, có nhóm không.
Cũng thờ Quan Hoàng Mười, nhưng đền Hồng Sơn ít người đến hơn có lẽ vì lý do cảnh quan, điều kiện không gian hạn chế thực hành tín ngưỡng.
Tuy nhiên, việc thực hành tín ngưỡng ở đền Ông Hoàng Mười và đền Hồng Sơn hiện đang có nhiều biểu hiện lệch lạc, gây phản cảm: Cảnh chen lấn cầu phước; đốt quá nhiều vàng mã gây ô nhiễm môi trường; nhiều người quá xa hoa hương đèn lễ vật, cầu ước những điều không hợp đạo lý, trái ngược tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ với lễ đơn sơ, thành tâm là được; một số nghi lễ hầu đồng ở phần ban lộc, thay vì hương hoa tượng trưng đã bị biến tướng thay bằng tiền, vàng làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
Ông Nguyễn Kim Khánh - Phó ban quản lý đền Ông Hoàng Mười thừa nhận thực trạng: “Trước khi bản hội, bản đền vào thực hiện nghi lễ hầu đồng, ban quản lý đền cũng đã nhắc nhở song chưa phát huy hiệu quả. Thực tế rất khó quản lý chặt chẽ bởi tín ngưỡng là điều rất tế nhị, nhạy cảm”.
Để gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, có nhiều việc cần phải làm. Cần có những quy định cụ thể, thống nhất chuẩn mực trong việc tiến hành nghi lễ. Ngoài ra, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa, đặc biệt là ở cấp địa phương cơ sở.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục để mọi người hiểu và trân trọng di sản tín ngưỡng, từ đó có ứng xử phù hợp - đặc biệt là những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng, trong việc ca ngợi những điều tốt và lên án những hành vi làm biến dạng, trục lợi, ứng dụng phát huy giá trị của nó trong đời sống nghệ thuật...
Liên quan đến các yếu tố “nhạy cảm” trong công tác quản lý ở nơi thờ tự, GS. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đề nghị: “Việc quản lý các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu tại các đền, phủ là một vấn đề không mới. Nó đã được đặt ra từ hàng chục năm nay nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất được mô hình, cách thức quản lý. Đã liên quan đến phương diện tâm linh, chúng ta cần giữ nghiêm những lề thói, quy chuẩn của cha ông”.
Để hạn chế các biểu hiện lệch lạc tại các di tích nói riêng và trong việc thực hành tín ngưỡng nói chung, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 18 ngày 16/02/2016 ban hành quy định tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh và Quyết định 60 ngày 10/10/2016 về việc ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An để điều chỉnh hành vi. Các quy định nêu rõ yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục... Tuy nhiên, việc thực thi của ban quản lý các di tích cũng gặp nhiều khó khăn. |
Thanh Sơn