Nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với thực tế cơ sở

Bằng những nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với thực tế cơ sở, việc thực hiện QCDCCSở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng khối đoàn kết, đem lại hiệu quả cho công việc chuyên môn cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đảm bảo lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động.

bna_quan_he_lao_dong_18832396_922021.jpgCán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh tham dự hội nghị đối thoại cùng người lao động. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng
Theo đó, khối các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, việc công đoàn phối hợp chính quyền nghiêm túc tổ chức các hội nghị cán bộ, công chức để người lao động phát huy trí tuệ tập thể, thảo luận và quyết định quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, nâng lương, khen thưởng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức theo đúng quy trình.

Đối với khối doanh nghiệp thì các cấp công đoàn cũng phát huy vai trò qua phối hợp người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động theo hướng ngày càng dân chủ, thiết thực, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăm lo tốt hơn đời sống người lao động. Phần lớn các doanh nghiệp công khai, minh bạch để người lao động biết các nội dung về phương hướng, nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; các quy chế tài chính, chi tiêu, lương, thưởng...; đồng thời, thông qua việc thực hiện QCDCCS, cán bộ, công nhân viên và người lao động được bàn bạc, tham gia ý kiến, phát huy quyền làm chủ, khả năng lao động, sáng tạo; ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh, tạo không khí dân chủ, cởi mở, ổn định để phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng năng suất, nâng cao đời sống người lao động. Đối thoại để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo sự đồng thuận trong quan hệ lao động.

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương và người lao động thuộc lĩnh vực giáo dục trên địa bàn huyện. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng

Tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn, nhằm phát huy quyền làm chủ, nâng cao năng suất lao động, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… của đoàn viên công đoàn và người lao động. Đây cũng được coi là công cụ để tổ chức công đoàn, nhất là vai trò của công đoàn cơ sở trong thực hiện trách nhiệm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên và người lao động tại doanh nghiệp, đồng thời là nhịp cầu kết nối, thúc đẩy và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã triển khai các văn bản của LĐLĐ tỉnh đến các công đoàn cơ sở trực thuộc. Từ đó, các công đoàn cơ sở đã chủ động phối hợp chính quyền cùng cấp, người sử dụng lao động sửa đổi, bổ sung và ban hành QCDCCS; xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị dân chủ và tổ chức lấy ý kiến người lao động để chuẩn bị các nội dung đối thoại, thương lượng ký mới, ký bổ sung các điều khoản có lợi cho người lao động vào các bản thỏa ước lao động tập thể tại đơn vị.

Năm 2020, đã có 2.678/2.941 (đạt 91%) đơn vị tổ chức hội nghị dân chủ. Số lượng cơ sở tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức: 2.368/2.368 đơn vị (đạt 100%): Khối giáo dục ở các trường công lập là: 1.474/1.474 đơn vị (100%), Hội nghị cơ quan là: 437/437 (tỷ lệ 100%), Hội nghị xã, phường: 457/457 (tỷ lệ 100%). Số lượng cơ sở tổ chức hội nghị người lao động là: 310/530 (tỷ lệ 58%), trong đó, các trường ngoài công lập là: 43/43 (100%). Tỷ lệ đối thoại tại doanh nghiệp là: 310/530 (tỷ lệ 58%).

Hoạt động tổ chức đối thoại được các cấp công đoàn chú trọng. Ảnh: Thanh Tùng

Đã có 418 bản Thỏa ước lao động tập thể được ký kết, số lượng bản Thỏa ước lao động tập thể có chất lượng được nâng lên với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động. Ký kết và thực hiện tốt Thỏa ước lao động tập thể không chỉ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định mà còn tạo ra nhiều lợi ích kép cho doanh nghiệp và người lao động. Xác định rõ vai trò, tác dụng to lớn của Thỏa ước lao động tập thể, trong năm 2020, LĐLĐ tỉnh tập trung chỉ đạo các LĐLĐ huyện, thành, thị, công đoàn các ngành triển khai thực hiện tốt nội dung này. Kết quả: Đến nay toàn tỉnh có 418/530 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đạt tỷ lệ 78,9%, trong đó, doanh nghiệp Nhà nước: 32/32 đơn vị, đạt 100%; Doanh nghiệp FDI: 22/26, đạt 84,6%; Doanh nghiệp ngoài quốc doanh: 364/472, đạt 77,2% ký kết Thỏa ước lao động tập thể. Kết quả chấm điểm xếp loại Thỏa ước lao động tập thể (do các huyện, ngành chấm): Loại A: 58/418 bản, chiếm 13,8%; Loại B: 200/418 bản, chiếm 47,8%; Loại C:132/418 bản, chiếm 31,6%; Loại D: 9/418 bản, chiếm 2,2%; Không xếp loại 18/418 bản, chiếm 4,3%.

Đồng thời, hoạt động thông qua tổ chức đối thoại cũng được chú trọng. Năm 2020 đến nay đã có hơn 300 cuộc đối thoại định kỳ và đối thoại đột xuất giữa công nhân, lao động và chủ doanh nghiệp. Từ đó, người sử dụng lao động và người lao động đã cùng nhau chia sẻ, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc tại doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận trong mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Cũng trong năm 2020, LĐLĐ tỉnh tổ chức nhiều giải pháp đồng bộ như: Tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về Thỏa ước lao động tập thể năm 2019; Hỗ trợ kinh phí trong việc thương lượng ký mới, ký sửa đổi bổ sung năm 2019; Chỉ đạo các đơn vị tổ chức tập huấn kỹ năng thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể cho Chủ tịch công đoàn cơ sở, doanh nghiệp, điển hình như LĐLĐ các huyện Diễn Châu, Yên Thành, công đoàn ngành Nông nghiệp, Khu kinh tế Đông Nam,...

Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Năm 2021, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các bản Thỏa ước lao động tập thể đã ký và hết hạn có nội dung còn sơ sài, mang tính hình thức để yêu cầu các công đoàn cơ sở xem xét, đôn đốc doanh nghiệp ký lại, thêm các nội dung phù hợp và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách trong thỏa ước, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Thực hiện QCDCCS ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng khối đoàn kết, đem lại hiệu quả cho công việc chuyên môn cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh tư liệu: Thanh Tùng

Để tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động tham gia và phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp phát huy tốt dân chủ ở cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức lao động, phát huy tinh thần đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị, tạo động lực quan trọng để cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra và cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các quy định của pháp luật có tác động trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức; quy chế dân chủ cơ sở. Chỉ đạo cơ quan tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các loại quy chế; nâng cao chất lượng Hội nghị cán bộ, công chức, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ của đơn vị; thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức.