Sáng 18/1, Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến với 21 điểm cầu nhằm tổng kết thực hiện QCDC cơ sở năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

bna_toan_canh8829869_1812021.jpgCác đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh; Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh đồng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

QUY CHẾ DÂN CHỦ ĐƯỢC PHÁT HUY RỘNG RÃI

Năm 2020, các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện QCDC cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sởcác cấp được kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, trọng dân, phục vụ dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã tích cực chủ động phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện tốt QCDC cơ sở. Thông qua giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm.

Lãnh đạo Công ty Bảo Việt Nghệ An phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Tại các xã, phường, thị trấn, việc thực hiện QCDC cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, phong trào thi đua "Năm Dân vận khéo 2020", phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… có nhiều chuyển biến tích cực. Nhân dân được biết các nội dung lớn, được  bàn, quyết định, được giám sát...

Công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ Nhân dân được quan tâm; thường xuyên đối thoại, giải quyết các vấn đề Nhân dân đặt ra; phát huy quyền giám sát của Nhân dân trong các hoạt động tại địa phương. Qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Tại các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, việc thực hiện QCDC được thực hiện tốt. Từ đây, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức đóng góp ý kiến đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch vững mạnh. Phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở tại tại các doanh nghiệp được quan tâm xây dựng và thực hiện gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, người lao động đã hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình đối với các hoạt động của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao đời sống về tinh thần và vật chất cho người lao động.

7 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2021

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh cho rằng, để đánh giá thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở phải đặt trong bối cảnh của năm 2020, một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 và thiên tai gây ra.

Trong bối cảnh đó, với sự đồng thuận, đồng lòng cao của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp, kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được tích cực; phong trào ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 rất mạnh mẽ; an ninh trật tự được đảm bảo. Đạt được những kết quả đó có vai trò quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh kết luận Hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Khái quát những kết quả cũng như tồn tại trong thực hiện QCDC cơ sở năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nhiều thành viên trong Ban chỉ đạo chưa tham gia hoạt động tích cực, chất lượng; Vẫn còn một bộ phận công chức, mặc dù không nhiều nhưng đang thiếu ý thức, trách nhiệm trong thực thi đạo đức công vụ; vẫn còn cơ quan, doanh nghiệp ngại đối thoại với người lao động, người dân…

Bước sang năm 2021, là năm đầu tiên của nhiệm kỳ, khối lượng công việc lớn, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, để nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hiện QCDC cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc thực hiện QCDC cơ sở phải gắn với Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và gắn với bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; việc thực hiện QCDC cơ sở phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; gắn với cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, công tác dân vận chính quyền. Các cấp, ngành, đơn vị phải phát huy quyền làm chủ của người dân; tiếp tục tìm và xây dựng, nhân rộng các điểm sáng trong thực hiện QCDC cơ sở.  

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2020. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo QCDC cơ sở đặc biệt nhấn mạnh, năm 2021, các cấp, ngành, địa phương phải tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu với người dân, doanh nghiệp; cố gắng giải quyết các vụ việc mà người dân bức xúc, kéo dài nhiều năm. Qua đó, góp phần tăng cường thu hút nhiều dự án vào đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 3 cá nhân và 3 tập thể vì có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2020.