Trong hai ngày 13 và 14/9, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo “Hướng dẫn xây dựng bộ khung câu hỏi khảo sát độc giả báo chí.”

781866_small_81901.jpg

Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Hội nhà báo Việt Nam, các chuyên gia nghiên cứu xã hội học, các công ty nghiên cứu thị trường, những người giảng dạy, giáo sư ở các trường, khoa, bộ môn báo chí truyền thông... đã tham dự hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của hai chuyên gia tư vấn thuộc Viện Thống kê báo chí-Quảng cáo Thụy Điển. Đây được xem là cuộc hội thảo đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam.

Hội thảo là dịp để các nhà quản lý báo chí, các cơ quan nghiên cứu xã hội học, các cơ quan báo chí và các công ty nghiên cứu thị trường cùng các chuyên gia Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm thực tế về công việc khảo sát độc giả báo chí. Trên cơ sở đó, các đại biểu cùng thảo luận và đưa ra được một quy trình khảo sát độc giả chuyên nghiệp, giúp các cơ quan báo chí thực hiện hiệu quả việc khảo sát độc giả của mình.

Tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết muốn biết chất lượng, hiệu quả hoạt động và tác động xã hội của một tờ báo cần phải thông qua số lượng độc giả của tờ báo đó, đồng thời thông qua việc khảo sát, đánh giá độc giả mới có thể xây dựng, hoạch định kế hoạch hoạt động của tờ báo.

Trước đây, cơ quan chức năng cũng đã có những đợt khảo sát, nghiên cứu, đánh giá nhưng việc có một chuyên đề khảo sát độc giả chưa được quan tâm và coi trọng đúng mức. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi một số tờ báo in đang đứng trước tình trạng rất khắc nghiệt, số lượng phát hành ngày càng giảm và tác động trực tiếp đến kinh tế báo chí, sự tồn tại của một tờ báo.

Kết quả của việc khảo sát độc giả sẽ giúp báo chí nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại và gia tăng sự tương tác với công chúng, giúp công chúng tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng hơn.

Kết quả nghiên cứu khảo sát độc giả báo chí Việt Nam có thể thấy các cơ quan báo chí trên cả nước gần như chưa coi trọng hoạt động này ngoại trừ những cuộc thăm dò độc giả ở quy mô hẹp. Phần lớn với các cuộc nghiên cứu độc giả có quy mô lớn, các cơ quan báo chí đều dựa vào các công ty chuyên nghiên cứu thị trường hoặc các nhà nghiên cứu độc lập thuộc các trường đại học hoặc Viện nghiên cứu.

Một vài công ty thiết lập phần mềm khảo sát và đã thử nghiệm ở một số cơ quan báo chí nhưng chất lượng khảo sát không cao, do không nắm được cơ cấu hoạt động, cũng như đặc thù của hệ thống báo chí. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến thức về khảo sát nhưng lại thiếu vốn và nguồn nhân lực...

Đa số các cuộc khảo sát độc giả đã được các cơ quan báo chí tại Việt Nam thực hiện trong thời gian vừa qua đều sử dụng loại hình "Điều tra xã hội" dựa vào bản câu hỏi soạn sẵn và phát kèm theo tờ báo hoặc phỏng vấn trực tiếp theo kiểu "mặt đối mặt" trong đó, khảo sát bằng bản câu hỏi soạn sẵn gửi kèm theo tờ báo là phương pháp được sử dụng nhiều nhất.

Bên cạnh đó, cũng có một số cơ quan báo chí sử dụng cách thăm dò qua mạng bằng cách sử dụng tính năng "Comment" (ý kiến phản hồi) của bạn đọc.

Từ những đòi hỏi và thực trạng phát triển của lĩnh vực báo chí hiện nay, hội thảo đã có những ý kiến đóng góp quan trọng, những kinh nghiệm bước đầu và mở ra những vấn đề mới để tiếp tục có những đổi mới cần thiết, nâng cao hơn nữa chất lượng báo chí./.


Theo(vietnamplus)-T.N