Chiều 28/9, Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức họp để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì cuộc họp.

bna_toan_canh1500289_2892021.jpgToàn cảnh cuộc họp của Thường trực Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN ĐÓN CÔNG DÂN VỀ QUÊ BẰNG CHUYẾN BAY THƯƠNG MẠI

Tính đến 7h ngày 28/9, Nghệ An ghi nhận 1.823 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 địa phương, trong đó có1.751 ca đã khỏi bệnh, 17 ca tử vong. Từ ngày 25/9 đến nay đã ghi nhận mới 4ca nhiễm trong cộng đồng. Liên quan đến các ca nhiễm này, đã có 366 trường hợp liên quan được tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Về công tác tiêm chủng, đã có 414.042 người (khoảng 12,2% dân số; 17,2% người trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1,trong đó có 90.140 người tiêm 2 mũi (khoảng 2,65% dân số; 3,75% người trên 18 tuổi). Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ đẩy nhanh công tác tiêm chủng dựa trên số vắc xin được phân bổ, đặc biệt ưu tiên tiêm chủng cho nhóm đối tượng người trên 50 tuổi.

Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Mặc dù tình hình dịch trên địa bàn đã ổn định nhưng theo Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh, nguy cơ dịch vẫn luôn tiềm ẩn, có thể xâm nhập từ các địa phương khác vào và bùng phát bất cứ lúc nào, đặc biệt đối với TP. Vinh. Vì thế, khuyến khích người dân thường xuyên tự đi xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng (đặc biệt đối với người có biểu hiện bất thường như sốt, ho, khó thở…).

Về tình hình đón công dân Nghệ An ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê, đến nay tỉnh đã đón 2.121 người bằng đường hàng không; 187 người bằng đường bộ. Bên cạnh đó, có 81.967 người tự phát di chuyển về quê bằng nhiều phương tiện. Trung bình mỗi ngày tại chốt cầu Bến Thủy 2 ghi nhận khoảng 30-70 người tự phát trở về quê.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ báo cáo dự thảo phương án đón công dân trở về. Ảnh: Phạm Bằng

Hiện nay, số lượng công dân muốn trở về quê còn rất nhiều, trong đó có nhiều người vào miền Nam chơi, thăm thân nhưng bị kẹt lại. Số công dân này hầu như đã được tiêm từ 1-2 mũi vắc - xin. Nếu không tổ chức đón thì nhiều người sẽ tiếp tục tự phát di chuyển về quê bằng nhiều hình thức, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tổ chức cách ly.

Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH đang tham mưu UBND tỉnh cho phép vận chuyển công dân có nhu cầu trở về quê bằng đường hàng không từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tần suất 1-2 chuyến/tuần, mỗi chuyến khoảng 200 người thông qua các chuyến bay thương mại. Trong đó, quan tâm ưu tiên đối tượng là phụ nữ có thai, trẻ em, học sinh, người đi thăm thân, công tác, chữa bệnh…

Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Giám đốc Công an tỉnh đề nghị kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện vào địa bàn. Ảnh: Phạm Bằng

Tại cuộc họp, các thành viên Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã phân tích, đánh giá và cho ý kiến vào công tác quản lý di dân cư; kiểm soát người, phương tiện vào, đi qua địa bàn tỉnh; công tác tiêm vắc xin;... Đồng thời, góp ý vào phương án đón công dân ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng, khi chuyển sang trạng thái bình thường mới thì cần quan tâm tiêm vắc xin cho các tiểu thương, người lao động tại các doanh nghiệp. Các ngành phải phối hợp quản lý phương tiện người, phương tiện ra, vào thành phố Vinh, quản lý chặt chẽ đối tượng giao hàng; người làm việc tại các công trường.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị quản lý chặt chẽ đối tượng giao hàng; người làm việc tại các công trường. Ảnh: Phạm Bằng

Đồng thời phải kiểm soát tốt các xe khách vào, đi qua địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long yêu cầu các ngành, địa phương bố trí chỉ 1-2 điểm dừng nghỉ trên cung đường Quốc lộ 1 đi qua địa bàn tỉnh. Cùng đó, kích hoạt lại quản lý sức khỏe theo hộ gia đình, tăng cường công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà thuốc, phòng khám, bệnh viện, qua đó phát hiện sớm các ca bệnh.

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH CHUYỂN TRẠNG THÁI THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, HIỆU QUẢ

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh nhấn mạnh, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ các ca nhiễm mới giảm, nhiều ngày không có các ca nhiễm trong cộng đồng (trừ các ca nhiễm cộng đồng tại TP. Vinh, nhưng nguy cơ lan rộng là thấp).

Để giữ vững, bảo vệ các kết quả, thành quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn, tăng cường hơn. Chỉ cần một chút buông lỏng, thỏa mãn, lơ là thì dịch có thể bùng phát, bùng phát mạnh hơn, khiến cho công tác phòng chống dịch càng trở nên khó khăn.

Các ngành, địa phương phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chủ động hơn, tập trung hơn, theo đúng tinh thần của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo của tỉnh trên tinh thần chuyển sang trạng thái mới thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế. 

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh kết luận cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Để chuyển sang trạng thái mới hiệu quả, Ban chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 các cấp phải tiếp tục cập nhật phương án phòng, chống dịch; có kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với trạng thái mới. Tỉnh sẽ có văn bản hướng dẫn cho các địa phương để thực hiện hiệu quả việc chuyển trạng thái theo 4 cấp độ. Trên cơ sở đó, ngành Y tế cụ thể hóa thành các biện pháp triển khai, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, từng địa bàn. Các địa phương cũng phải chủ động về nguồn lực, nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ”.

Nhấn mạnh việc quản lý chặt chẽ địa bàn là biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trong tình hình mới thì biện pháp này phải thực hiện với phương châm: “Làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh bảo vệ tỉnh”. Trong công tác này, phải quản lý được di biến động dân cư, nâng cao vai trò, phát huy trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, Tổ Covid cộng đồng, người dân.

Bên cạnh đó, duy trì các điểm chốt để kểm soát người, phương tiện ra, vào địa bàn tỉnh; kết hợp với các phần mềm, ứng dụng CNTT để triển khai công tác này, “nhưng không được tạo ra ách tắc, không tạo ra phiền hà, khó khăn cho người dân”. Mỗi địa phương nên bố trí một điểm dừng nghỉ tập trung, khuyến cáo phương tiện đường dài khi qua địa bàn tỉnh thực hiện, nhằm kiểm soát chặt chẽ, không để dịch lây nhiễm.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong thời gian tới, khi phát hiện các ca F0 thì triển khai phương án khoanh vùng, phong tỏa, truy vết một cách nhanh nhất, hẹp nhất, linh hoạt nhất, để xử lý hiệu quả, không để lây nhiễm ra cộng đồng. Việc tổ chức xét nghiệm tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng cần được quan tâm. Trong đó phải lựa chọn địa bàn, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên để thực hiện cho hiệu quả.

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An kiểm tra công tác lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Thành Chung

Triển khai phương án tiêm chủng vắc xin an toàn, hiệu quả, sớm nhất khi được phân bổ vắc xin; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng tinh thần của Thủ tướng Chính phủ: "Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất". Ưu tiên tiêm trước cho công nhân, tiểu thương, người hoạt động trong lĩnh vực vận tải, người trên 50 tuổi.

Trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định dừng hoạt động của các Bệnh viện Dã chiến số 1, số 2, số 4, số 5, số 6; Chuyển các bệnh nhân Covid-19 còn lại về điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3; Tập trung triển khai xây dựng Bệnh viện Dã chiến tại Khu A của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Giao thông làm cơ sở điều trị cho các bệnh nhân nặng với 150 giường.

Để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thì phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các địa phương, các cơ sở, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, giám sát từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần đột xuất, bất ngờ. Nhiệm vụ này phải làm thường xuyên, đặc biệt là các khu chợ, trung tâm thương mại, bệnh viện, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở sản xuất tập trung nhiều lao động.

Liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, người đứng đầu UBND tỉnh cho rằng, khi chuyển sang trạng thái mới phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Công tác này các cấp, các ngành đã có hướng dẫn, chỉ đạo nhưng phải có kiểm soát để thực hiện hiệu quả với tinh thần: "Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất". Như ưu tiên tiêm vắc xin, tổ chức xét nghiệm tầm soát; kiểm tra, giám sát việc tổ chức hoạt động sản xuất.

Đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để cảnh báo nguy cơ, mức độ nguy hiểm của các biến thể mới của dịch Covid-19 để người dân chủ động phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm các biện pháp mà cấp ủy, chính quyền triển khai.

Tỉnh Nghệ An đang xây dựng phương án đón công dân trên các chuyến bay thương mại về quê. Trong ảnh: Chuyến bay đón công dân huyện Nghi Lộc về đến sân bay Vinh trong chiều 4/8. Ảnh tư liệu

Về công tác đón công dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, trước mắt Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh sẽ báo cáo, xin ý kiến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về việc đón những công dân có nhu cầu, điều kiện tự chi trả các kinh phí trở về thông qua tổ chức các chuyến bay thương mại với các hãng hàng không. Để tạo công bằng, phải yêu cầu các hãng hàng không công khai chi phí vé máy bay, cách ly, xét nghiệm... để người dân lựa chọn, đăng ký. Tỉnh vẫn sẽ kiểm soát chặt chẽ các khu cách ly cho những công dân này.

Đối với những công dân tự phát trở về thì các ngành, địa phương vẫn tiếp tục quan tâm hỗ trợ; mở rộng, bố trí các điểm cách  ly tập trung các đối tượng này phù hợp. Ngành GTVT chủ trì tổ chức phương tiện chở công dân trở về bàn giao cho địa phương./.