(Baonghean) - Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào quyết định tổ chức “Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa” tại Cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm o­n (Bôlykhămxay). Nhân dịp này, Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Thái Văn Hằng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Tổ chức cấp tỉnh lễ chào mừng.

798655_small_100586.jpg

Đồng chí Thái Văn Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao 2 nước Việt Nam - Lào về công tác tổ chức lễ chào mừng.      Ảnh: Sỹ Minh



Trung tá Phan Thanh Hồng (phải) – đội trưởng Đội cắm mốc số 2 cùng đồng chí Bun Lặm Xạ Nế Hả (trái) - đội trưởng đội cắm mốc tỉnh Bôlykhămxay (Lào) trên đường cắm mốc.  Ảnh: T.H

Phóng viên: Thưa đồng chí, công việc tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới trên dọc tuyến biên giới giữa Nghệ An với các tỉnh nước bạn Lào là một nhiệm vụ hết sức khó khăn do đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Vậy Ban chỉ đạo cắm mốc tỉnh (BCĐ) đã Chỉ đạo các sở, ban, ngành và các lực lượng chức năng như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ được giao?

Đồng chí Thái Văn Hằng: Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới giữa tỉnh Nghệ An với các tỉnh Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn của nước bạn Lào đã hoàn thành tốt đẹp. Gần 6 năm qua, BCĐ cắm mốc tỉnh Nghệ An và các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh nước bạn Lào tổ chức khảo sát, xây dựng 105 vị trí với 116 mốc quốc giới và 6 cọc dấu.

Trong tổng số 2.067 km đường biên giới giữa nước Lào với 10 tỉnh nước ta, Nghệ An là địa phương có chiều dài lớn nhất với 419,5km, có địa hình rừng núi cao, suối sâu, rừng rậm, không có lối đi, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa lũ thường gây ngập lụt, chia cắt ở nhiều nơi. Ngoài ra, còn ảnh hưởng bởi bom mìn, rắn độc, côn trùng… Chính vì vậy, đa số các mốc được tăng dày, tôn tạo đều nằm ở các vị trí khó khăn, hiểm trở, đường vận chuyển vật liệu, cột mốc, trang bị, phương tiện, lương thực, thực phẩm, nước uống cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia khảo sát, giám sát và thi công xây dựng mốc quốc giới gặp nhiều khó khăn.

Những năm qua, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan của 2 nước Việt Nam-Lào, UBND tỉnh, BCĐ cắm mốc biên giới tỉnh Nghệ An cùng các sở, ngành, đơn vị có liên quan, đại diện lãnh đạo các huyện có đường biên giới với Lào đã tích cực tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới. Qua đó, làm cho quần chúng nhân dân hiểu rõ, cùng góp sức xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ngày càng bền vững, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

BCĐ cắm mốc và các lực lượng tham gia cũng đã đề cao trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, qui chế quản lý biên giới và các qui định về công tác cắm mốc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời những âm mưu phá hoại, ảnh hưởng đến an ninh chính trị vùng biên giới và những tác động làm ảnh hưởng đến các mốc đã xây dựng. BCĐ tỉnh cùng các cơ quan chức năng đã duy trì tốt công tác thông tin liên lạc từ các đội đến cơ quan chuyên môn và với BCĐ; đồng thời duy trì chế độ báo cáo lên Ủy ban liên hợp phân giới, cắm mốc Việt Nam - Lào. Nội dung báo cáo sát với thực tế công việc đã và đang thực hiện, làm cơ sở quan trọng cho công tác theo dõi, chỉ đạo của các cấp đạt hiệu quả cao. 

Phóng viên: Để hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới là nỗ lực của hai Chính phủ Việt Nam- Lào và các tỉnh có chung đường biên giới hai nước. đồng chí đánh giá như thế nào về sự phối hợp chặt chẽ giữa BCĐ cắm mốc tỉnh Nghệ An với BCĐ 3 tỉnh của nước bạn Lào?

Đồng chí Thái Văn Hằng: Công tác tăng dày và tôn tạo cột mốc quốc giới giữa hai nước Việt Nam - Lào là hoạt động song phương nhằm khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, đồng thời tăng cường trao đổi hợp tác để phát triển. Công tác này vừa mang tầm quốc gia, vừa có tính quốc tế và thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt bền chặt của hai nước Việt - Lào. Chính vì vậy, các bộ, ngành, mỗi địa phương, các lực lượng chức năng của hai nước đã đề cao trách nhiệm, chủ động bàn bạc thống nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ủy ban nhân dân, BCĐ cắm mốc tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với BCĐ các tỉnh: Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng và Hủa Phăn (Lào) thống nhất kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động song phương, như: Công tác phối hợp khảo sát vị trí mốc, giám sát xây dựng mốc trên thực địa đến những kiến nghị, đề xuất Ủy ban liên hợp, Đoàn chuyên viên liên hợp cắm mốc Việt Nam – Lào; hàng năm, BCĐ cắm mốc tỉnh Nghệ An lần lượt tổ chức hội đàm với các tỉnh có chung biên giới của nước bạn Lào, còn ở cấp đội cắm mốc, mỗi tháng giao ban một lần, địa điểm luân phiên giữa các địa phương của hai nước.



                                   Cột mốc được đưa lên theo vách núi dựng đứng.

Sự phối hợp thường xuyên của BCĐ cắm mốc tỉnh Nghệ An với các tỉnh có chung đường biên giới của nước bạn Lào đã góp phần đảm bảo tiến độ thi công. Điển hình là khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tăng dày, tôn tạo cột mốc (2008), mỗi bên chỉ thành lập 1 đội cắm mốc, nhưng xét thấy thực tế đường biên dài, địa hình hiểm trở, BCĐ tỉnh Nghệ An và các tỉnh Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng, Hủa Phăn đã họp bàn thống nhất đề xuất lên Ủy ban liên hiệp phân giới, cắm mốc, chính phủ hai nước Việt Nam - Lào cho phép thành lập đội cắm mốc thứ 2 (tháng 8/2010).

Chính vì vậy, công tác cắm mốc được nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu về cả thời gian và chất lượng công trình. Hoặc việc BCĐ cắm mốc tỉnh Xiêng Khoảng khi hoàn thành nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh mình đã cử đội cắm mốc tăng cường cho tỉnh Hủa Phăn để cùng lực lượng cắm mốc tỉnh Nghệ An đẩy nhanh tiến độ. Trong quá trình thi công, chính quyền các huyện và nhân dân hai bên đường biên đã hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn. Nhiều thôn, bản đã tạo mọi điều kiện, bố trí chỗ ăn nghỉ, chỉ đường cho lực lượng chức năng đến các điểm mốc để xây dựng.

Trong quá trình cắm mốc, nhiều nơi phải đi từ phía đất bạn lên địa điểm mốc, các tỉnh bạn đã cử lực lượng dẫn đường, bảo vệ các đội cắm mốc hoàn thành nhiệm vụ. Suốt quá trình thực hiện, từ khảo sát, tổ chức thi công đến nghiệm thu ở mỗi cột mốc đều có lực lượng hai bên, đảm bảo chính xác, tôn trọng chủ quyền biên giới quốc gia của mỗi nước. Lực lượng hai bên đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc sát cánh như anh em một nhà trên đường biên suốt gần 6 năm qua.

Ngoài ra, BCĐ cắm mốc tỉnh thường xuyên liên lạc với BCĐ cắm mốc các tỉnh bạn bằng văn bản hoặc điện đàm, để trao đổi tình hình, nắm diễn biến về công tác cắm mốc, kịp thời thống nhất chỉ đạo các đội cắm mốc của hai bên triển khai theo kế hoạch hai bên đã ký kết.

Phóng viên: Thưa đồng chí, việc Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào quyết định chọn khánh thành Mốc đại số 460 tại Cửa khẩu Thanh Thủy -Nậm o­n, giữa tỉnh Nghệ An và tỉnh Bôlykhămxay để tổ chức “Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa” có ý nghĩa như thế nào đối với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Nghệ An?

Đồng chí Thái Văn Hằng: Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ trước tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào là một điển hình về sự gắn kết bền chặt và thủy chung. Mối quan hệ đó được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước thường xuyên vun đắp bằng các hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển kinh tế -xã hội và phối hợp bảo vệ an ninh ở khu vực biên giới. Tỉnh Nghệ An rất coi trọng mối đoàn kết, hợp tác đó và cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động song phương với các tỉnh nước bạn.

Qua hoạt động tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới càng góp phần khẳng định đường biên giới đã hoạch định giữa hai nước phù hợp với thực tế của đường biên giới, phù hợp với luật pháp quốc tế và đảm bảo hài hòa lợi ích của hai nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hai nhà nước Việt Nam – Lào tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ biên giới.

Sự kiện chính phủ hai nước Việt Nam – Lào tổ chức “Lễ chào mừng” tại Mốc đại số 460, Cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm o­n là hoạt động mang tầm quốc gia, quốc tế. Đây là lần đầu tiên, tỉnh Nghệ An vinh dự cùng một lúc được đón Thủ tướng của hai nước Việt Nam- Lào. Điều đó thể hiện chính phủ hai nước đánh giá cao vị trí chiến lược, tiềm năng, lợi thế của Cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm o­n trong phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.

Trong thời gian không xa, hai tỉnh Nghệ An và Bôlykhămxay sẽ khai trương Cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm o­n, tạo điều kiện cho nhân dân và các phương tiện vận chuyển đi từ Cửa Lò, TP Vinh (Nghệ An - Việt Nam) đến Viêng Chăn (Lào), vùng Đông bắc Thái Lan và ngược lại, rút ngắn được gần 100km so với đi qua các cửa khẩu khác. Từ Quốc lộ 46 đi vào Cửa khẩu Thanh Thủy địa hình bằng phẳng và gần với tuyến đường Hồ Chí Minh nên các tỉnh Bắc Trung bộ của Việt Nam có thể hợp tác kinh tế với nước Lào, Thái Lan kết nối với các nước khác qua Biển Đông, Thái Bình Dương tạo sự lan tỏa, phát triển trong khu vực và các châu lục.  

Sự kiện “Lễ chào mừng” tại Cửa khẩu Thanh Thủy càng góp phần thắt chặt mối đoàn kết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước. Qua đó, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong mối quan hệ hợp tác với các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực gần biên giới - nơi từ lâu nay, nhân dân hai nước đã có sẵn mối quan hệ dân tộc, thân tộc gần gũi, tối lửa tắt đèn có nhau và gắn bó giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!


Nguyên Sơn (thực hiện)