(Baonghean) - Đường biên giới phía Tây Tổ quốc được xây dựng, vun đắp, củng cố bằng tình hữu nghị truyền thống giữa 2 đất nước anh em Việt Nam – Lào. Trong hành trình cắm mốc biên giới, cán bộ đoàn cắm mốc hai bên phải trải qua bao gian lao vất vả nhưng cũng chính trong gian khó, tình cảm chân thành đó càng thêm tỏa sáng, góp phần vẽ nên hình hài của đường biên giới Việt Nam – Lào hoà bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác phát triển lâu dài hiếm nơi nào trên thế giới sánh được.
Mhững ngày đầu tháng 7, Việt Nam - Lào đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng tổ chức Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày tôn tạo mốc biên giới trên thực địa tại Cửa khẩu Thanh Thủy - Nậm on. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước và nhân dân 2 nước dựa trên nền tảng là tình đoàn kết đặc biệt, mối quan hệ hữu nghị truyền thống đã được vun đắp suốt dặm dài lịch sử.
Giữa không khí đặc biệt đó, chúng tôi được gặp gỡ những cán bộ trong các đoàn cắm mốc biên giới và được nghe họ kể những câu chuyện cảm động về tình cảm chân thành, cùng gắn bó sẻ chia vượt qua bao gian nan vất vả giữa các cán bộ thuộc đoàn cắm mốc 2 nước để đưa công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới về đích đúng tiến độ. Từ năm 2008 đến nay, Ban chỉ đạo cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào tỉnh Nghệ An và 2 đội cắm mốc của tỉnh đã hoàn thành khảo sát, tôn tạo, bổ sung tăng dày 116 cột mốc như thế…
Thượng tá Phan Văn Hồng, Đội trưởng Đội cắm mốc số 1 khẳng định: Mốc dựng lên không phải để tạo ra sự phân cách mà nhằm tô đậm thêm tình hữu nghị lâu đời của 2 quốc gia “núi liền núi, sông liền sông”.
Anh vẫn nhớ như in những ngày đầu lên khảo sát Mốc 366: đường phía Việt Nam không lên được, phải mượn đường qua đất bạn Lào. Xe leo mãi hơn một giờ chiều mới tới bản Phà Khốm, là nơi cư trú của 15 nóc nhà của dòng họ Lầu, người Mông Lào. Sau khi nói chuyện, trưởng bản biết là lực lượng làm nhiệm vụ phân giới của Việt Nam đã vui vẻ bố trí, sắp xếp cho mọi người trong đoàn nghỉ lại.
Tiếp đó là một ngày hành quân ngược dốc. Dốc ngắn, rồi dốc dài, đoàn bị chia thành nhiều tốp, tốp 3 người, tốp 5 người… leo mãi mệt đâu nghỉ đấy. Quay trở về đến bản đã hơn 9 giờ rưỡi đêm. Quần áo rách nát, bàn tay rớm máu. Chưa kịp mừng vui thì phát hiện một thành viên trong đội bị lạc. Đội phải nhờ đến bạn - trưởng bản nhất trí điều 5 dân quân thông thạo địa hình, nhận định vị trí thất lạc tổ chức tìm kiếm. Phải đến gần sáng, các dân quân Lào mới tìm được anh Tân và dìu về.
Lán trại dựng tạm ngay bên cạnh mốc. Ảnh: Trần Hải
Gắn bó với nhau suốt hành trình hơn 5 năm gian khổ, chia sẻ với nhau từng giọt nước, bát cơm, nắm xôi nên tình bạn giữa những cán bộ cắm mốc của 2 nước đã xây dựng cho mình những tình bạn chân thành, gắn bó, vượt qua những nghi thức ngoại giao theo thông lệ.
“Anh Khăm Phoong năm nay 57 tuổi, là trưởng Ban Quản lý biên giới của tỉnh Xiêng Khoảng, được giao nhiệm vụ phối hợp cắm mốc biên giới với các bạn Việt Nam, Khăm Phoong rất vinh dự, tự hào. Vì thời còn chiến tranh, anh đã sơ tán sang huyện Con Cuông của Nghệ An nên anh dành tình cảm rất nhiều cho Việt Nam, đặc biệt là Nghệ An. Anh còn nói tiếng Việt rất giỏi nên chúng tôi trao đổi với nhau hết sức thuận tiện kể cả trong công việc cũng như những chia sẻ riêng tư về gia đình. Từ đó càng ngày tình cảm anh em càng gắn bó hơn. Bây giờ dù công việc hoàn thành, chúng tôi vẫn giữ liên lạc thăm hỏi nhau thường xuyên”, anh Hồng chia sẻ.
Cũng với những cán bộ cắm mốc của đội số 1, nhiệm vụ cắm mốc đã hoàn thành, nhưng anh Đoàn Quang Huy – giám sát thi công vẫn không thể quên được tấm lòng của người dân Lào ở bản Tăn Xẩu, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Trong lần giám sát thi công các cột mốc từ 381 đến 384, anh bị rối loạn tiêu hóa, bụng đau dữ dội, hễ cứ ăn vào lại chực trào ra. Giữa núi rừng thâm u, anh em trong đoàn phải sơ cứu tạm thời rồi cắt rừng ngày đêm đưa anh vòng qua biên giới Việt – Lào về điểm bản gần nhất là bản Tăn Xẩu. Trong lúc hoạn nạn, người dân bản đã không ngần ngại nhường nhà cho cả đoàn trú chân nhờ và tạo tất cả mọi điều kiện để chạy chữa cho anh Huy. “Tình cảm của người dân Lào, đặc biệt các mẹ người Lào với chúng tôi thật bao la, vĩ đại. Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nhưng đã không tiếc thứ gì giúp đỡ chúng tôi”, anh Huy bồi hồi chia sẻ.
Còn ở Đội cắm mốc số 2, Trung tá Phan Thanh Hồng, Đội trưởng Đội 2 chia sẻ: Lần Đội cắm mốc số 2 và Đội cắm mốc Bôlykhămxay thực hiện kế hoạch khảo sát song phương tại các Mốc 452, 453 trên địa bàn xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, đoạn này chưa có đường tuần tra, việc đi lại cực kỳ khó khăn, dốc gần như dựng đứng. Có thành viên đã bật khóc vì hành quân ròng rã liên tục, có người lả đi vì kiệt sức, quá mệt nuốt không nổi cơm.
Giữa lúc đó, Đội trưởng đội cắm mốc Bôlykhămxay là Bun Lặm Xạ Nế Hả thì động viên các bạn Việt, anh Hồng thì động viên các bạn Lào cùng nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Bác sỹ bạn băng bó cho cán bộ ta bị thương, hai bên chung một nồi cơm chưa chín. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm – cán bộ Việt, cán bộ Lào đã thực sự coi nhau như anh em… Khó có thể đo đếm được quãng đường mà hơn 5 năm qua Ban chỉ đạo cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào tỉnh Nghệ An và 2 đội cắm mốc của tỉnh đã đi, cùng với bao câu chuyện buồn vui nhưng có thể gọi tên đó là hành trình của ý chí và tình hữu nghị.
Anh Hồ Văn Trường (Đội cắm mốc số 2) thì nhớ như in hình ảnh người bác sỹ Lào nước da ngăm đen, nụ cười hiền hậu đi cùng đoàn trong hành trình cắm mốc biên giới đã tận tình chạy chữa cho anh khi bị thương. Nhưng giữa thời tiết miền Tây lúc nắng nóng dữ dội, lúc mưa rả rích cả mấy ngày trời, cuộc hành trình dài vất vả làm chân anh bị nhiễm trùng, sưng tấy đi lại càng lúc càng khó khăn. Thấy vậy, người bác sỹ Lào đã lập tức lại sơ cứu băng bó. Vết thương được điều trị không phát triển nặng thêm. Anh Trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình cùng đội cắm mốc mà không phải chuyển về điều trị cho đến khi cả Đội hoàn thành nhiệm vụ trở về.
Và cái Tết Quý Tỵ vừa qua với cán bộ đoàn cắm mốc thật khó quên. Hoàn thành cột mốc và trở về gần 30 Tết. Trên đường trở về, Đội đã mời tất cả cán bộ trong đoàn cắm mốc của Lào dừng chân đón Tết ở Đô Lương. Dù chuẩn bị vội vàng nhưng mâm cỗ ngày Tết có đầy đủ bánh chưng, dưa muối đậm đà phong vị Việt Nam. Trung tá Nguyễn Phúc Cầu – đội phó hậu cần nhớ lại: “Các bạn Lào rất cảm động vì cái Tết vội vàng nhưng ấm áp tình cảm. Một vài cán bộ trong đoàn các bạn đã đón Tết Việt nhiều lần như anh Bua Ly Vông May Phon, đội phó kỹ thuật nhưng đều rất xúc động vì tính chất đặc biệt của mâm cỗ Tết ngày hôm đó”.
Trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ Đông nắng Tây mưa còn lưu dấu rất nhiều câu chuyện cảm động, chia ngọt sẻ bùi trong hành trình cắm mốc biên giới của những người con 2 nước Việt - Lào. Những tình cảm đó sẽ góp phần vun đắp, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống mà các thế hệ cha anh của 2 dân tộc đã dày công xây dựng.
Tình anh em đồng chí trên dãy Trường Sơn
Phước Anh - Thành Chung