(Baonghean) - Trong lần làm việc với Huyện ủy, UBND huyện Nam Đàn, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Phải xây dựng con người văn hóa trên quê hương Bác xứng đáng với danh xưng của mảnh đất này”. Hiện huyện đang tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng bản sắc văn hóa người Nam Đàn trong thời kỳ mới” và được thực hiện rộng khắp trong toàn huyện. Theo đó, mỗi địa phương chọn một cách làm riêng, sáng tạo và thiết thực...

Về thăm Kim Liên vào một ngày thu, mới đến cổng làng Sen 3 đã nghe tiếng hát đằm thắm: “Đến đây đông thật là đông, chào bên nam thì mất lòng bên nữ, mà chào quân tử thì sợ dạ thuyền quyên”, thì ra, đây là một buổi hát ví giao duyên thường nhật ở làng. Hát ví không chỉ để biểu diễn mà là nhu cầu để được thỏa niềm đam mê, được giao tiếp với nhau và với bạn phường những làng khác. Trong phường hát, tôi đặc biệt chú ý đến ông cụ tóc bạc phơ. Cụ là Trần Văn Tư, năm nay 87 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, đặc biệt giọng ví của cụ còn trong trẻo và da diết.
 
Từ nhỏ, cụ đã theo phường bà Hoàng Thị An (em gái bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) đi xem phường diễn đối đáp khắp nơi, từng chứng kiến những cuộc đối dí dỏm giữa bà An và các vị nho sỹ cùng thời như cụ Phan Bội Châu hay như Phó bảng Lê Nguyên Khái, tú tài Lê Đình Sách. Cụ Tư kể, người Nam Đàn xưa kia rất nghiện chè xanh, đêm nào cũng tụ họp uống chè xanh ở nhà một nghệ nhân phường vải để đàm đạo chuyện  hát ví, hát đối, để đối sao cho chỉnh, “hạ” cho được đối phương. Hoặc nhiều khi bên ấm chè xanh, những khúc mắc gia đình, chòm xóm được hóa giải, cả những kinh nghiệm trong làm ăn mùa màng cũng từ đó được nhân rộng phổ biến. Vì thế tình làng, nghĩa xóm thêm gắn bó keo sơn. 
images1201394_clb_v__phu_ng_v_i_kim_li_n_di_n_xu_ng_b_n_s_ng_lam.jpgCLB ví phường vải Kim Liên diễn xướng bên sông Lam. Ảnh: Thanh Thủy
Thừa hưởng những nét tinh túy ấy, người làng Sen, làng Chùa thuộc xã Kim Liên ngày nay có rất nhiều điểm riêng biệt so với những làng khác, từ cách ứng xử, đối đáp, giao thiệp. Đang men theo con đường nhựa quanh co tìm nhà Xóm trưởng Nguyễn Thị Hường ở làng Sen 3, anh chủ quán còn trẻ từ gian hàng tạp hóa to rộng nơi ngã ba đon đả chạy ra, tươi cười: “O hỏi nhà ai? Dừ o đi theo tui nha, không là lạc”. Lúc đi ra, phải dừng xe để kịp làm tin gửi về Tòa soạn, một chị phụ nữ đã luống tuổi, đi qua ghé đầu vào: “o là nhà báo à, vô nhà tui mà làm nì, vô uống chè xanh đạ”… thấy lòng ấm áp, gần gũi. Bấy nhiêu cũng đủ hiểu xóm có 117 hộ dân ấy, dù chỉ có hơn 30 hộ làm dịch vụ, thương mại đã quen ứng đáp, giao tiếp với người ngoài, thì dường như cốt cách nho sỹ lịch lãm cũng có sẵn trong những nông dân quanh năm bám đồng, bám ruộng chân lấm tay bùn. 
 
Xây dựng con người văn hóa mới, của làng xã nông thôn mới nổi bật có xã Nam Cát nằm phía Nam của huyện Nam Đàn. Bí thư Đảng ủy xã, bà Nguyễn Thị Oanh tự hào: Nếu nói về văn hóa con người Nam Đàn trong thời kỳ mới thì người Nam Cát có lẽ hội tụ nhiều ưu điểm nhất, cần cù, hiếu khách và phóng khoáng. Theo lời chỉ dẫn của Bí thư Đảng ủy xã chúng tôi gặp Trưởng ban MTTQ xóm Thuận Mỹ - ông Nguyễn Trọng Sỹ, ông cho biết: “Mấy hôm nay xóm đang tổ chức cắm trại tổng kết hè và cũng là để chào mừng ngày 19/8, mới chỉ phát động mà nhà nào cũng xung phong đóng góp. Chỉ riêng xây dựng con đường liên thôn và thiết chế văn hóa đồng bộ để hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới mà có nhà còn ủng hộ hàng chục triệu đồng.  
 
Nói rồi ông Sỹ khoe: “Người Nam Cát chúng tôi luôn lấy nhân nghĩa làm trọng như đôi câu đối mà bố tôi để lại: Cột nghĩa nền nhân xây đắp mới/ Xưa truyền nay nối vững bền lâu”. Không chỉ Thuận Mỹ mà khắp 12 xóm trên địa bàn Nam Cát luôn giữ được nếp làng ấm cúng, thảo thơm và nghĩa tình. Cứ 10 - 12 hộ trong một xóm thì lập thành một tổ tự quản, và các tổ này xem việc các hộ thành viên cũng như việc của gia đình mình, có miếng ngon thì san sẻ, có khó khăn cùng giúp đỡ. Tấm lòng thơm thảo của người dân Nam Cát còn được biết đến từ những cuộc vận động cho Quỹ “Vì người nghèo”, tiêu biểu có những tấm gương như bà Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Sâm ở xóm Mỹ Thượng dù không có tiền lương hưu nhưng đã tiết kiệm hàng trăm triệu đồng đóng góp cho các loại quỹ. 
 
Thực hiện Nghị quyết số 23 về phát triển du lịch huyện Nam Đàn giai đoạn 2012 - 2015 có tính đến 2020. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã triển khai tới tận từng khối, xóm tổ dân cư phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà trọng tâm là phong trào xây dựng Gia đình Văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa. Đến nay toàn huyện có 31.930 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 83%. Trong đó Phong trào xây dựng “Làng văn hóa” , “Đơn vị văn hóa” phát triển, tăng dần cả về chất lượng và số lượng. Phong trào này đang góp phần tạo nên định hướng phấn đấu tích cực cho các địa phương. Tạo ra những chuẩn mực văn hoá, nếp sống văn hoá thấm dần vào từng người dân, từng gia đình, từng tập thể.. 
 
Hiện huyện đang tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng bản sắc văn hóa người Nam Đàn trong thời kỳ mới” được ban hành từ năm 2006 và được triển khai rộng khắp trong toàn huyện. Theo đó mỗi địa phương chọn một cách làm riêng, sáng tạo và thiết thực. Ví dụ, Nam Cát chọn việc phát huy tinh thần tương thân, tương ái, thì Kim Liên lại chọn xây dựng đời sống văn hóa mới trong giao tiếp ứng xử, hay Nam Thanh chọn việc cam kết thực hiện quy ước, hương ước. Tựu trung lại cũng để tạo ra một diện mạo mới, con người mới, tạo sức hút và dấu ấn đậm nét cho du khách khi về với quê chung.
 
Bàn về con người văn hóa Nam Đàn, cố PGS Ninh Viết Giao viết: “Ấy là quả cảm, trầm lặng, kiên nhẫn, không hoa mỹ, trung trinh, tiết tháo, nghĩa tình trọn vẹn, trọng nghĩa khinh tài, thẳng thắn, sẵn sàng xả thân cho đại nghĩa”. Đặc điểm đó đã làm nên một sắc thái văn hóa ổn định vững bền để lại dấu ấn sâu sắc cho những ai đến Nam Đàn hôm nay. 
 
Khôi Nguyên