(Baonghean) - LTS: Nhân sự kiện UBND tỉnh phối hợp tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương), Báo Nghệ An thực hiện cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh uỷ về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm bảo vệ, tôn vinh và lưu giữ của thế hệ hôm nay và ngày mai đối với Di tích lịch sử Truông Bồn nói riêng và bề dày truyền thống, lịch sử của dân tộc nói chung.
P.V: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt vào ngày 19/4/2010, đến nay chính thức được khánh thành. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, đồng chí có những cảm tưởng, cảm nhận như thế nào?
Đồng chí Hồ Đức Phớc:Đây là một trong những công trình có ý nghĩa nhất trong nhiệm kỳ qua. Từ một khu đất hoang sơ ôm trọn phần mộ của 13 liệt sỹ và nơi ngã xuống của 1.240 liệt sỹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, chúng ta đã tạo dựng nên một công trình tâm linh tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Có thể nói, suốt cả quá trình từ khi Dự án được phê duyệt, những hòn đá, viên gạch đầu tiên được đặt làm nền móng, rồi từng hạng mục dần thành hình, cho đến ngày hôm nay chúng ta vui mừng tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Truông Bồn, là một hành trình với những cung bậc cảm xúc đa dạng. Đó là sự xúc động của một người con được sống và cống hiến cho Tổ quốc trong thời bình khi lật lại những trang sử hào hùng viết nên bằng máu, nước mắt và tuổi thanh xuân của các bậc cha anh đi trước.
Với sự hy sinh của 1.240 liệt sỹ trên cung đường huyền thoại này và đặc biệt câu chuyện về 13/14 chiến sỹ TNXP Đại đội 317, Tổng đội TNXP Nghệ An hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom trên những mét đường cuối cùng, làm cọc tiêu sống cho những chuyến xe ra tiền tuyến trước khi trời sáng đã trở thành một huyền thoại gắn với địa danh Truông Bồn, làm lay động trái tim của đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại yêu chuộng hoà bình. Vào cái ngày định mệnh 31/10/1968 ấy, 13 thanh niên với những hoài bão, khát vọng sống, cống hiến và yêu thương cháy bỏng đã mãi mãi nằm lại trên cung đường của máu và lửa này mà không kịp bước về bình minh hoà bình - chỉ ít giờ nữa Mỹ chính thức ngừng ném bom miền Bắc. Nhưng họ ngã xuống để hoá thân bất tử vào con đường, vào cái tên Truông Bồn - tượng đài vĩnh cửu trong lịch sử dân tộc và trong trái tim của muôn thế hệ hôm nay và mai sau.
Xúc động và tự hào trước chiến công oanh liệt của các anh, các chị, cũng là động lực thúc đẩy chúng ta quyết tâm sống và cống hiến xứng đáng với những gì mà thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng xương máu và trao lại cho thế hệ hôm nay. Khu di tích lịch sử Truông Bồn được khởi công ngày 27/10/2012, trong bối cảnh điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn; với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong chỉ đạo quyết liệt kể cả chuyển đổi dự án từ Sở VH,TT&DL sang Sở GTVT và được sự quan tâm đặc biệt của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Tổng Giám đốc VTV Trần Bình Minh; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà và Chủ tịch ViettinBank đã kêu gọi nguồn đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ được số tiền là 119,5 tỷ đồng. Nhờ sự vào cuộc tích cực, chung tay góp sức của toàn xã hội, đến nay, 22 hạng mục công trình trên diện tích 21,7 ha đã hoàn thành để tổ chức Lễ khánh thành hôm nay ngày 7/8/2015. Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa, hết sức đặc biệt để tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc.
P.V:Khu di tích lịch sử Truông Bồn đến nay đã trở thành một địa chỉ đỏ, một không gian văn hoá - lịch sử - tâm linh có dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của người dân Nghệ An nói riêng và người dân cả nước nói chung. Theo đồng chí, nhờ đâu mà Nghệ An đã thành công trong việc tôn tạo, tôn vinh ý nghĩa lịch sử và sức sống văn hoá - tâm linh của địa danh Truông Bồn?
Đồng chí Hồ Đức Phớc:Trước hết là truyền thống văn hóa và cách mạng, mảnh đất Nghệ An của chúng ta là một trong những cái nôi, địa chỉ đỏ của truyền thống, phong trào cách mạng, đồng thời cũng là hậu phương lớn chịu sự tàn phá, hủy diệt tàn khốc của chiến tranh. Những địa danh trên bản đồ lịch sử, cách mạng như “Làng Đỏ”, “Trường Thi”, “Bến Thuỷ”, “Núi Dũng Quyết”, Tượng đài Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, quần thể Khu di tích đặc biệt Kim Liên, Khu di tích lịch sử nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào, “Cột mốc số 0”,…đã trở nên quen thuộc với người dân trong và ngoài tỉnh trong chuỗi hành trình hướng về cội nguồn.
Đặc biệt, dấu ấn của Truông Bồn đã trở thành biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho tuổi trẻ, cho lý tưởng cống hiến và khát vọng sống vì hòa bình, độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Vì lẽ đó, giá trị và ý nghĩa giáo dục của địa danh Truông Bồn hết sức to lớn và thiết thực đối với thế hệ trẻ, đồng thời là sự tri ân sâu sắc đối với các liệt sỹ. Thành công trong việc tôn tạo, xây dựng Truông Bồn bắt nguồn từ chủ trương đúng, hợp tâm nguyện của các tầng lớp nhân dân, nhận được sự đồng tình, ủng hộ to lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Hành trình đi từ ý tưởng đến thực hiện và đạt được kết quả thành công ngày hôm nay, thay mặt lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà, tôi trân trọng cảm ơn Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Đoàn Thanh niên, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Tiền Phong, Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Công thương Việt Nam cùng các tổ chức, cá nhân ủng hộ làm nên công trình ý nghĩa hôm nay. Qua đây cũng cho thấy sức sống mạnh mẽ của những giá trị văn hoá - lịch sử, truyền thống yêu nước và tri ân sâu sắc của dân tộc ta.
P.V:Thưa đồng chí, xã hội hoá trong hoạt động tri ân đã được vận dụng trong nhiều công trình văn hoá - lịch sử trên địa bàn cả nước, đạt được kết quả tốt đẹp. Theo đồng chí, sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội có ý nghĩa như thế nào đối với việc hướng về cội nguồn, tri ân và tôn vinh lịch sử?
Đồng chí Hồ Đức Phớc:Xã hội hoá trong các hoạt động hướng về cội nguồn, tri ân và tôn vinh lịch sử mang ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc. Đây là đạo lý, là trách nhiệm, là tấm lòng, trái tim của mọi người đối với các anh hùng liệt sỹ, những người đã ngã xuống cho sự bình yên hôm nay. Nhưng đồng thời, Truông Bồn còn là “cõi linh thiêng”, là nơi an nghỉ của những người con đất Việt ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, đó cũng lại là một nhu cầu tâm linh thiết yếu của người dân Việt Nam. Trong xu hướng đất nước hiện đại, xã hội đổi mới, trong dòng chảy mang đến những điều mới lạ của nhân loại, con người ta bao giờ cũng cần có một điểm tựa, niềm tin, một bến bờ neo đậu, một khoảng lặng bình yên cho bản ngã của mình.
Được trực tiếp góp phần vào tôn vinh và bảo vệ các giá trị lịch sử, văn hoá - tâm linh, chính là tạo ra cho mỗi chúng ta cầu nối vững chắc gắn kết chặt chẽ với cội nguồn, với dân tộc. Đó cũng chính là tư duy chủ động, trách nhiệm mà chúng ta có bổn phận phải lan tỏa đến toàn xã hội: hướng về cội nguồn bằng những hành động, đóng góp cụ thể, thiết thực nhất. Có như vậy thì công tác giáo dục các thế hệ trẻ hướng về các giá trị truyền thống, lịch sử mới thực sự đạt hiệu quả sâu và rộng. Cũng như khúc tráng ca về Truông Bồn hôm nay được hát lên bởi tất cả chúng ta, bởi toàn xã hội - đó chính là sức mạnh làm nên sự bất tử của một địa danh, một huyền thoại làm nên sức mạnh của một dân tộc anh hùng.
P.V: Cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về cuộc trao đổi này!
Thục Anh (Thực hiện)