Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) tự hào chia sẻ.
Một ngày cuối năm, ông Nguyễn Văn Vương dẫn tôi lên thăm trang trại chăn nuôi lợn khép kín của anh Nguyễn Xuân Vũ và anh Nguyễn Văn Trung ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy. Đó là trang trại nằm giữa khu rừng tràm cách xa khu dân cư, có diện tích 1,2 ha.
Trăn trở chuyển hướng làm ăn, sau khi tìm hiểu khắp nơi, năm 2015, anh Vũ bàn bạc với người em “cọc chèo” là anh Trung để góp vốn mở trang trại chăn nuôi. Tháng 2-2015, chuồng nuôi khép kín với hệ thống làm lạnh có diện tích 1.600m2 của hai anh được khởi công xây dựng, đến tháng 2-2016 hoàn thành với số tiền 1,2 tỷ đồng.
Theo thiết kế, chuồng nuôi có quy mô 1.200 con lợn thịt. Mỗi năm, trang trại chỉ nuôi 2 vụ, mỗi vụ khoảng 5 tháng, sau đó tổng vệ sinh và để trống chuồng chừng 1 tháng để bảo đảm cách ly an toàn. Anh Vũ cho hay: “Tiêu chí nuôi lợn của chúng tôi là phải bảo đảm an toàn dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, chúng tôi đã nuôi theo chuẩn VietGAP, xây chuồng lạnh theo quy trình khép kín.
Nhờ đó, dù nuôi số lượng lớn nhưng khi bước vào khuôn viên trang trại hầu như không hề có mùi hôi. Tiêu chí của lợn giống phải đủ 5 tuần tuổi, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin và có giấy kiểm dịch thú y trước khi nhập chuồng.
Trong quá trình nuôi, các anh bảo đảm đầy đủ các khâu tiêu độc khử trùng người ra vào trại với hệ thống tiêu độc khử trùng tự động ngay tại cổng. Luôn có 3 nhân viên kỹ thuật về thức ăn, thú y và kỹ thuật chăn nuôi ăn ở tại chỗ để hỗ trợ các anh suốt cả vụ nuôi.
Thông thường, lợn xuất nguyên chuồng sẽ được doanh nghiệp ở Đà Nẵng thu mua. Với giá 42.000 đồng/kg lợn hơi như hiện tại, mỗi năm trang trại thu lợi nhuận thu trên 1,2 tỷ đồng/2 vụ.
Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Nguyễn Xuân Vũ và Nguyễn Văn Trung đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức. Đó là thời điểm khi xây chuồng trại xong thì hết vốn để mua lợn giống, thức ăn. Để giải quyết vấn đề này, hai anh đã mượn tới 4 sổ đỏ của bà con và 2 sổ đỏ của gia đình để vay ngân hàng. Cuối năm 2016, trận lũ lớn khiến đàn lợn trong trại chết mất 350 con.
Sang đầu năm 2017, giá lợn rớt thê thảm khiến người chăn nuôi khắp nơi điêu đứng. Anh Vũ nhớ lại: “Những lúc khó khăn nhất, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các đồng chí lãnh đạo huyện cả vật chất lẫn tinh thần.
Trong đó, có 2 lần huyện hỗ trợ cho chúng tôi số tiền 60 triệu đồng và kêu gọi các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh đứng ra tiêu thụ sản phẩm”. Nhờ nuôi lợn mà anh Vũ và anh Trung đã xây mới được 2 ngôi nhà khang trang với số tiền 2,4 tỷ đồng, mua chiếc xe ô tô mới gần 1,1 tỷ đồng.
Anh Trung chia sẻ: “Phát triển chăn nuôi theo chuỗi sẽ giúp trang trại chủ động hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm”. Hiện tại, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đang hỗ trợ trang trại thực hiện mô hình chăn nuôi và tiêu thụ lợn sạch theo chuỗi.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cũng hỗ trợ xây dựng một khu giết mổ để giúp trang trại hoàn thiện quy trình khép kín này. Dự kiến, đến đầu năm 2019, khu giết mổ sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Lúc đó, trang trại sẽ cho ra thị trường sản phẩm thịt lợn sạch. Ngoài ra, anh Vũ cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu về máy ép bánh phân khô nhằm tận dụng nguồn phân chuồng đã được ủ hoai để cung cấp cho những hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Vương cho biết: “Chăn nuôi lợn khép kín trong chuồng lạnh đang là hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi hiện nay. Tuy số vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng về lâu dài, mô hình mang đến nhiều lợi ích vượt trội so với chăn nuôi chuồng hở. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình này còn góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của nông dân sang hình thức nuôi trang trại tập trung, khép kín, chăn nuôi bền vững”. |