Để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học E5, phải giảm giá bán thấp hơn giá bán xăng RON 92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít.
Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo "Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/10.
Không lo thiếu nguồn cung
Theo Bộ Công Thương, khi dừng tiêu thụ xăng RON 92, cần khoảng 5,4 triệu mét khối xăng E5 cung ứng ra thị trường, tương ứng 250.000 - 270.000 tấn nguyên liệu E100/năm để pha chế. Để thực hiện mục tiêu này, hiện cả nước có 4 nhà máy sản xuất, trong đó 2 nhà máy tại Đồng Nai và Quảng Nam của Công ty Tùng Lâm đang hoạt động với tổng công suất 200.000m3 ethanol/năm (200 triệu lít/năm), đủ để phối trộn 3,9 triệu mét khối xăng sinh học E5/năm.
Hai nhà máy còn lại là Dung Quất và Bình Phước đang tích cực chuẩn bị khởi động trở lại vào cuối năm 2017 sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 200.000m3 xăng sinh học E5.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, với công suất các nhà máy nhiên liệu trong nước hiện nay, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu xăng E5 khi thay thế xăng khoáng RON 92 từ ngày 1/1/2018. Đồng thời cho phép DN kinh doanh xăng dầu nhập khẩu nhiên liệu sinh học E100.
Về cơ sở hạ tầng, hiện nay đã có 5 đầu mối kinh doanh xăng dầu có trạm trộn xăng E5 đều tập trung tại các DN lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh, Công ty MTV - Tổng Công ty Xăng dầu quân đội, Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu có khả năng phối trộn, cung ứng thị trường trên 3 triệu mét khối xăng sinh học.
Tiêu thụ mới đạt 9%
Thực tế cho thấy, xăng E5 đang được bán song song cùng với các loại xăng khoáng RON 92, RON 95. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), nhiều người tiêu dùng chưa thật sự mặn mà với mặt hàng này, tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 mới chỉ đạt 9% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng. Nguyên nhân là do mức chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 và xăng khoáng RON 92 còn thấp, chỉ khoảng 230 đồng/lít, do đó không đủ sức thu hút người tiêu dùng chuyển sang dùng xăng E5.
Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu Mai Văn Huy nêu rõ: Hiện DN không mặn mà kinh doanh xăng E5 do sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, từ 1.000 - 1.600 đồng/lít, không bù đắp được chi phí hoạt động. Đặc biệt chi phí thu mua, chế biến, tỷ lệ hao hụt trong quá trình sản xuất, bảo quản ethanol cao, dẫn đến giá thành xăng sinh học E5 cao.
Về chất lượng sản phẩm này, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt nam (Vinastas) đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ hơn về tính an toàn khi sử dụng lẫn xăng sinh học với xăng khoáng.
"Người tiêu dùng băn khoăn khi được khuyến cáo không nên sử dụng xăng sinh học E5 cho các xe đời cũ, xe thay thế phụ tùng không chính hãng. Để xăng E5 được sử dụng phổ biến cần tăng cường tuyên truyền về xăng E5 để người tiêu dùng thay đổi thói quen. Ngoài ra cần phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, có hướng dẫn và đưa ra khuyến cáo minh bạch cho người tiêu dùng khi sử dụng xăng E5" - Phó Chủ tịch Vinastas Nguyễn Mạnh Hùng nêu ý kiến.
Để tạo được yếu tố hấp dẫn, kích cầu tiêu dùng xăng E5, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt... Qua đó, giảm giá bán xăng sinh học E5 thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít. Đồng thời hỗ trợ một phần chi phí pha chế, sản xuất, lưu thông, bảo quản xăng E5 nhằm giảm áp lực, khó khăn cho các DN.
Theo Kinh tế&Đô thị