Bộ GTVT vừa đề xuất làm trước 713 km cao tốc qua 12 tỉnh với 11 dự án thành phần trong đề án cao tốc Bắc Nam trong đó nêu rõ thứ tự ưu tiên đầu tư trong 3 năm từ 2017 - 2020.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã trình “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020” để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án
Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 130.216 tỉ đồng (tính toán theo mặt bằng giá quý II/2017), gồm 55.000 tỉ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỉ đồng và nguồn vốn đã được cân đối của dự án La Sơn - Túy Loan đầu tư theo hợp đồng BT khoảng 11.500 tỉ đồng.
Bộ GTVT đề xuất trong giai đoạn 2017 – 2020 sẽ đầu tư trước 713 km, tách thành 11 dự án thành phần gồm 8 dự án Ninh Bình (Mai Sơn) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt) và đoạn Khánh Hòa (Nha Trang) - Đồng Nai (Dầu Giây) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
3 dự án còn lại kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công, đầu tư xong thu phí, vốn thu được tiếp tục đầu tư các đoạn tiếp theo.
Công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn năm 2017 - 2020 chia thành 20 dự án thành phần và giao cho các địa phương tổ chức thực hiện với chiều dài khoảng 713 km.
Trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, thứ tự ưu tiên đầu tư các đoạn sắp xếp theo nhu cầu vận tải từ cao đến thấp trong Tờ trình của Chính phủ như sau: Nam Định (Cao Bồ) - Hà Tĩnh (Bãi Vọt); Đồng Nai (Dầu Giây) - Khánh Hòa (Nha Trang); Quảng Trị (Cam Lộ) - Thừa Thiên - Huế (La Sơn); Hà Tĩnh (Hàm Nghi) - Hà Tĩnh (Vũng Áng); Thừa Thiên - Huế (La Sơn) - Đà Nẵng (Túy Loan); Phú Yên (Tuy Hòa) - Khánh Hòa (Nha Trang); Hà Tĩnh (Bãi Vọt) - Hà Tĩnh (Hàm Nghi), Bình Định (Quy Nhơn) - Phú Yên (Tuy Hòa), Hà Tĩnh (Vũng Áng) - Quảng Trị (Cam Lộ), Quảng Ngãi - Bình Định (Quy Nhơn) và Cần Thơ - TP Cà Mau.
Bộ GTVT nhận định việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết và không thể trì hoãn nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển KT-XH, giải quyết hạn chế của các tuyến quốc lộ, đặc biệt là QL1 không thể khắc phục. Đây là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm.
Theo Báo Lao động