(Baonghean)- Sau hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu vào tháng 2 và tháng 3/2011 đã đẩy giá xăng từ 16.700 đồng/lít lên 21.700 đồng/lít. Tăng giá xăng dầu đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến cho nhiều doanh nghiệp vận tải Nghệ An lao đao.
Đến bến xe Vinh, cánh tài xế và phụ xe tích cực bắt khách, gặp ai ở bến xe họ cũng nồng nhiệt săn đón mời lên xe. Các tuyến xe nội tỉnh cũng như tuyến xe ngoại tỉnh Vinh - Hà Nội, Vinh - Huế, Vinh - Sài Gòn... dù tới giờ xuất bến vẫn chần chừ cố nán lại để mong có thêm vị khách nào đó lên xe.
Anh Nguyễn Văn Hưng, lái xe tuyến Vinh - Hà Nội than thở: Hồi tháng 2, giá xăng dầu tăng, công ty đã điều chỉnh tăng giá vé, ngày 29/3 gía xăng lại tiếp tục tăng thêm 2.000 đồng/lít. Doanh nghiệp vận tải chúng tôi "cực chẳng đã" mới phải điều chỉnh tăng thêm giá vé một lần nữa, người dân rất khó chấp nhận, doanh thu của chúng tôi giảm sút.
Giá xăng tăng, taxi không dám đi lại khi chưa có khách.
Các lái xe taxi thì ngán ngẩm, nhiều tài xế nhìn nhau ngồi một chỗ mà không dám đi lại để đón khách vì sợ tốn xăng. Anh Hồ Thanh Tùng (một lái xe taxi đang đợi khách ở đường Nguyễn Sinh Sắc) chia sẻ: Trong giai đoạn bão giá như hiện nay, người dân đều phải "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu. Doanh thu giảm, kéo theo mức lương của anh em chúng tôi đã bị giảm đáng kể so với năm ngoái.
Các doanh nghiệp vận tải đang đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất. Ông Phan Hữu Mân (Chủ nhiệm HTX vận tải Bình Minh, TP.Vinh) buồn bã: HTX Bình Minh có hơn 120 đầu xe khách chạy trong, ngoài tỉnh. Trong đó xe chạy tuyến Vinh - Sài Gòn 20 chiếc; 20 xe chạy Vinh - Hà Nội/ngày, gần 80 xe chạy các tuyến trong tỉnh và một số tỉnh khác. Trước đây, khi giá xăng 16.700 đồng/lít thì một chiếc xe khách chạy tuyến Vinh - Hà Nội và chiều ngược lại tiêu hao hết 3 triệu đồng tiền xăng/ngày, bây giờ cũng chạy chặng đường đó chi phí nhiên liệu đã đẩy lên 4 triệu đồng/ngày. Nhà xe nào cũng kêu lỗ, đề nghị tăng giá vé, trong khi đó thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, Sở Giao thông Vận tải quán triệt các doanh nghiệp chỉ được tăng 20% giá vé.
Lái xe đường dài ở Bến xe Vinh cố nán chờ thêm khách.
Ông Mân tính toán: Khi giá xăng 16.700 đồng/lít, giá vé xe giường nằm Vinh - Hà Nội của HTX là 110.000 đồng/vé, nay giá xăng lên 21.700 đồng/lít, HTX nâng giá vé 140.000 đồng/vé. Tuy vậy, vẫn bị lỗ hơn so với hồi giá thấp. Đầu tư mua mỗi chiếc xe giường nằm hết gần 3 tỷ đồng, riêng tiền trả lãi suất ngân hàng đã mất 50 triệu đồng/tháng. Xe có 37 chỗ giường nằm, nhưng thông thường chỉ có 70% số khách. Nay giá xăng tăng, giá vé tăng lượng hành khách giảm so với trước, đầu tư mua xe rồi thì phải chạy.
"Hiện nay, doanh nghiệp vận tải là khổ nhất! Chi phí đầu tư cao, giá phụ kiện cao, chúng tôi luôn phải đầu tư nâng cấp sửa sang để có xe tốt, chất lượng cao cạnh tranh với các nhà xe khác. Kinh phí đầu tư nhiều, phải còng lưng trả nợ vay, lãi suất ngân hàng hàng tháng đã quá mệt mỏi, nay lượng khách giảm, biết nhìn vào đâu để bù đắp chi phí và trả nợ. Làm vận tải trong thời buổi này, mất xe lúc nào không biết..." Ông Phan Đình Khẩn- Chủ nhiệm HTX hành khách Nghệ An nói.
Bà Hồ Thị Nhàn - Phó giám đốc Công ty CP thương mại du lịch Hạ Vinh (thương hiệu Vạn Xuân) thổ lộ: Doanh nghiệp không muốn tăng giá cước, vì mỗi lần tăng giá là phải lập trình lại toàn bộ đồng hồ của gần 200 xe taxi; in lại toàn bộ bảng giá niêm yết trên tất cả cánh cửa xe, vé xe; trình lại mức giá mới lên các sở, ban ngành liên quan...
Những khoản chi phí không tên này cũng đã tốn kém trên dưới 60 triệu đồng, nhưng giá xăng tăng bắt buộc phải tăng gía cước. Vận tải dựa vào xăng dầu là chính, đối với xe taxi nhiên liệu chiếm 30%, xe giường nằm nhiên liệu chiếm 43% trong tổng doanh thu. Trong khi đó giá xăng hiện nay đã tăng hơn 30% so với thời điểm 16.700 đồng/lít, giá vé mới tăng hơn 10%, doanh nghiệp vận tải vẫn bị lỗ. Chúng tôi có 7 xe giường nằm chạy tuyến Vinh - Hà Nội, tôn chỉ thương hiệu "Vạn Xuân" không được bắt khách dọc đường, kể cả chỉ có duy nhất 1 hành khách trên xe cũng phải chạy thẳng tuyến. Vì thế xe giường nằm luôn trong tình trạng lỗ lớn.
Thiết nghĩ, vận tải là dịch vụ nhạy cảm, tăng giá cước sẽ tác động rất lớn đến người tiêu dùng và sản xuất hàng hoá. Chi phí đầu vào tăng cao, buộc doanh nghiệp phải tăng giá cước, nhưng để hạn chế đà tăng giá của doanh nghiệp vận tải, ngoài việc điều tiết của thị trường, cần có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng cần phải xem xét chính xác những yếu tố tác động, tránh việc các doanh nghiệp lợi dụng giá xăng tăng để lấy thêm tiền của khách hàng.