Xung quanh vấn đề này, Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ phụ nữ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
P.V:Xây dựng một tương lai tốt đẹp cho trẻ em đang là mục tiêu của cả cộng đồng xã hội, thế nhưng cùng với những nỗ lực để trẻ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn thì chúng ta đang phải tích cực tuyên truyền để trang bị và rèn luyện những kỹ năng bảo vệ trẻ, để trẻ em tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị xâm hại. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
Có một thực tế rằng, bên cạnh được chăm sóc, thụ hưởng những giá trị tốt đẹp nhất, trẻ đang phải đối mặt với các nguy cơ xâm hại nói chung và xâm hại tình dục nói riêng. Điều đáng nói, tình trạng này không chỉ xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa, những vùng mà sự hiểu biết của cộng đồng dân cư thấp, trẻ em ít được quan tâm, chăm sóc mà còn ngay cả những nơi đô hội, thị thành.
Bà Lê Thị Nguyệt:Chúng ta tưởng các vụ việc xâm hại gia tăng nhưng trên thực tế, theo số liệu thống kê thì đang giảm, chỉ có điều các vụ việc được thông tin rộng rãi hơn và được lên án gay gắt hơn. Điều đó để thấy rằng càng ngày chúng ta đang có những biện pháp để bài trừ tình trạng này một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải nghe, phải thấy những vụ việc đau lòng ở những nơi tưởng chừng an toàn?
Những nơi tưởng chừng như an toàn có thể là trường học, là ngôi nhà của mình, là khu dân cư nơi mình ở, nhưng không, tất cả ở những nơi này đều tiềm ẩn sự mất an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, nơi an toàn là nơi chúng ta quan niệm trẻ được ở với người đáng tin cậy, nhưng trên thực tế, những vụ việc gần đây tội phạm xâm hại thường là những người thân, quen.
P.V: Quan niệm truyền thống vẫn thường ngại đề cập đến vấn đề giới tính, chuyện xâm hại tình dục... vì cho rằng đây là điều tế nhị. Theo bà, các bậc phụ huynh phải trò chuyện với con về vấn đề này như thế nào để con tiếp nhận được, và tiếp nhận đúng hướng?
Bà Lê Thị Nguyệt:Lâu nay chúng ta đang có tư tưởng đổ lỗi, đổ lỗi cho công tác quản lý nơi mà trẻ bị xâm hại, đổ lỗi cho cách dạy kỹ năng sống của nhà trường, cho việc các tổ chức xã hội chưa tuyên truyền đúng, đậm, chưa chạm được tư duy và cách nghĩ của trẻ. Thế nhưng, nếu nhìn nhận thật kỹ thì chính chúng ta - những bậc làm cha mẹ đã dạy được cho con những gì trong câu chuyện trang bị cho trẻ kỹ năng phòng vệ khi có nguy cơ bị xâm hại? Rõ ràng là không phải ai cũng biết, và biết cách truyền đạt đúng.
Bên cạnh đó, chúng ta hãy luôn luôn nói lời thương yêu trẻ, gần gũi con nhất có thể để trẻ chủ động nói ra những chuyện vui buồn khi ra ngoài, khi không có bố mẹ ở bên.
P.V:Có một thực tế là câu chuyện xử lý sự cố sau khi trẻ bị xâm hại của người lớn thiếu đi sự khéo léo, thấu hiểu, dường như lại càng khiến cho trẻ thêm tổn thương. Bà có thể chia sẻ thêm về điều này?
Bà Lê Thị Nguyệt:Có một thực tế, khi trẻ bị xâm hại, gia đình thường dấu nhẹm đi, mặc cho kẻ thủ ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật; hoặc thiếu kỹ năng tố cáo khiến lộ danh tính của trẻ, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Một điều nữa mà tôi rất băn khoăn đó là Bộ luật Hình sự quy định về việc truy tố người hiếp dâm còn có kẽ hở, và một vài quy định chưa sát với thực tế. Thế nên công tác giám định và điều tra sự việc gặp nhiều khó khăn. Nếu qua thời điểm giám định y tế chính xác, kẻ phạm tội có thể sẽ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vì vậy, nên chăng cần có những điều chỉnh sát đúng hơn với loại tội phạm này.
Để giảm thiểu tình trạng này một cách tối đa, cần hơn nữa sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các tổ chức chính trị xã hội để nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ.
P.V:Cảm ơn bà!