Tình trạng trẻ bị xâm hại, dâm ô hiện nay rất đang báo động. Ảnh: Internet

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Một số vụ xảy ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục điển hình có cả những em bé còn non nớt mấy tháng tuổi, mà kẻ xâm hại các em lại đa phần là những người quen của trẻ, thậm chí có cả bố dượng, cha đẻ của các bé.

Xâm hại, dâm ô trẻ em - Hành vi cần được cả xã hội lên án mạnh mẽ. Video: Chu Thanh

Có lẽ chưa bao giờ vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em lại trở nên bức thiết như hiện nay. Làm gì để phòng, chống tình trạng xâm hại, dâm ô trẻ em? – Trách nhiệm này không phải của riêng ai!

Bác sỹ Hoàng Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Nghệ An

Bác sỹ Hoàng Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Phương

Trong năm 2018, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Nghệ An có tiếp nhận một số cháu bị xâm hại với hình thức cưỡng dâm, hiếp dâm (trung bình khoảng 1 tháng/1 cháu). Sau khi tiếp xúc, trao đổi, chúng tôi nhận thấy các cháu bị tổn thương rất lớn, đặc biệt về mặt tâm lý. Các cháu đều tỏ ra sợ hãi, không tập trung học tập, luôn cảm thấy tự ti. Các cháu còn bị tổn thương về mặt sinh lý; về lâu dài, các cơ quan sinh dục đều bị ảnh hưởng.

Để hạn chế tình trạng trẻ bị xâm hại, các cơ quan chức năng như ngành Lao động, Thương binh và Xã hội – ngành Y tế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền trong cộng đồng về bảo vệ trẻ em; phối hợp với ngành Giáo dục, các trường học để tổ chức những buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề để các cháu hiểu rõ hơn về sự phát triển tâm sinh lý cũng như các biện pháp phòng tránh những đối tượng nguy cơ và biết cách tự bảo vệ trước nguy cơ.

Trẻ bị xâm hại, dâm ô bị nhận lấy những tổn thương suốt đời. Ảnh: Internet

Về phía gia đình, chúng ta cần phải thấy rõ trẻ con không giống như người lớn, các cháu còn rất nhỏ dại không thể phân biệt đâu là những hành vi xấu bắt nguồn từ cái kẹo, cái bánh hay lời nói thân mật. Vậy nên các gia đình cần phải dạy con cảnh giác trước đối tượng nguy cơ, tránh xa các vị trí có tính nguy hiểm như nơi hoang vắng, nơi tối hay ở nơi mà người khác giới chiếm đa số, quá nhiều.

Chị Nguyễn Thị Lài, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh:

Tôi lo và thấy rất hoang mang. Hoang mang ở chỗ: Từ trước đến giờ những vụ dâm ô, xâm hại trẻ em tuy đã xảy ra khá nhiều và đối tượng gây ra thường là những người nghiện hút, hay nhận thức thấp. Song gần đây lại nổi lên tình trạng người gây ra vụ việc là đối tượng có trình độ, nhận thức cao như giáo viên (nơi phụ huynh tin tưởng nhất), như cán bộ hưu trí từng công tác trong các cơ quan thực thi pháp luật.

Chị Nguyễn Thị Lài, người dân xã Hưng Lộc, thành phố Vinh. Ảnh: Hồ Phương

Đã đến lúc cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị, xã hội cần tăng cường hoạt động tuyên truyền về quyền bất khả xâm phạm trẻ em; những hành vi dâm ô, xâm hại trẻ em là tội ác nghiêm trọng.

Ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành. Tôi nghĩ các phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc con trẻ tốt hơn; không rời mắt con bất cứ lúc nào. Bên cạnh việc chăm sóc, phụ huynh cần trang bị cho con những kỹ năng cần thiết như gặp người lạ thì như thế nào, gặp người quen thì ra sao. Cái khó nhất chính là ứng xử với người quen khi qua theo dõi đại đa số những đối tượng dâm ô, xâm hại lại là người quen...

Các phụ huynh nên nghiên cứu quy tắc 4 vòng tròn mà Tiến sỹ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từng nêu ra, đó là: Với người ruột thịt (bố, mẹ đẻ, anh chị em ruột), trẻ được quyền (hoặc cho phép) vòng tay ôm hôn, bế ẵm; Với người thân cận như bà con họ hàng, thầy cô, bạn bè, bé được quyền nắm tay, cho phép vuốt tóc, vỗ vai; với người quen (hàng xóm tin cậy, bạn đồng nghiệp của cha mẹ, đã được gia đình sàng lọc), trẻ được quyền bắt tay; với người lạ, bé chỉ cần vẫy tay chào, tạm biệt. Ngoài tất cả vòng tròn này, với những "người đáng ngại", bé xua tay không tiếp xúc.

Quy tắc 4 vòng tròn. Ảnh: Internet

Võ sư Lê Văn Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Nghệ An

Chúng ta cần nhìn nhận rõ vấn đề: Với trẻ còn quá nhỏ tuổi, những kỹ thuật của võ thuật gần như vô nghĩa. Ví dụ, với những đứa trẻ 6 - 7 tuổi, khả năng giơ chân cao tối đa chỉ đến hông, lực yếu thì làm sao “đạp” được đối tượng. Vậy nên, những lời khuyên chống trả là không đúng, thậm chí những hành động này còn gây kích thích cho kẻ xâm hại, có thể dẫn đến mức độ nặng nề hơn.
 
Võ sư Lê Văn Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Nghệ An. Ảnh: Thành Chung

Điều cần làm ở đây là các cháu cần phải nhận định rõ đâu là hành vi tự cứu mình, đó có thể là các cháu phải biết chạy tới chỗ chú công an, người lớn tuổi nếu bị kẻ lạ đi theo, nói chuyện với họ và nhờ đưa về nhà. Kẻ có ý định xấu sẽ nghĩ trẻ gặp người thân và bỏ đi. Ở nơi có người, nạn nhân có thể hét thật to khi bị người lạ động vào vùng kín.

Khi đối diện kẻ dâm ô trong thang máy, nhiều người khuyên trẻ đạp vào vùng kín hay đánh vào mặt đối tượng. Tuy nhiên, điều này khó thực hiện. Nếu là đứa trẻ 6 tuổi không tập võ, khả năng giơ chân cao tối đa chỉ đến hông, lực yếu thì làm sao “đạp” được đối tượng.
Ở trường hợp này, cha mẹ cần dạy con di chuyển nhanh ra bảng điều kiển thang máy, bấm liên tục các tầng gần nhất và chuông báo động. Ngay sau đó, trẻ ngồi thụp xuống, gập chân lại, cúi mặt vào đầu gối, vòng tay ôm quanh chân để tạo thành tư thế "quả núi”. Tư thế này khiến kẻ dâm ô khó động chạm vào cơ thể nạn nhân. Khi thang máy mở cửa hoặc có người đến vì chuông báo động, trẻ được giải thoát.

Như vậy, để phòng chống dâm ô, xâm hại trẻ em, việc trang bị cho các em những kiến thức và kỹ năng an toàn nhằm bảo vệ bản thân là vô cùng quan trọng. Kỹ năng an toàn ở đây bao gồm những kỹ năng thoát hiểm và ý chí thoát hiểm. Cũng giống như các kỹ thuật, động tác võ thuật, các kỹ năng và ý chí thoát hiểm cũng phải rèn luyện và bồi dưỡng mỗi ngày... Việc trẻ em rèn luyện võ thuật ngoài tăng cường sức khỏe còn được bồi dưỡng kỹ năng và ý chí này.

Cô Cao Thị Thủy - Giáo viên Trường THCS Hạnh Thiết, huyện Quỳ Châu

Cô Cao Thị Thủy - Giáo viên Trường THCS Hạnh Thiết, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thành Chung

Chúng ta cần trang bị cho trẻ em cách nhận dạng những hành vi được gọi là xâm hại để các cháu phòng tránh. Cụ thể, đó là những hành vi như hôn hít, sờ mó, động chạm đến vùng kín phía trên, phía dưới. Khi có những dấu hiệu hoặc hành vi này xảy ra, các cháu cần có ý thức báo với người lớn như cha, mẹ hoặc cô giáo để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các con được an toàn.

Phòng chống hành vi xâm hại, dâm ô trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng ai mà của toàn xã hội. Về phía gia đình, cần gần gũi, quan tâm, để ý và chia sẻ với con trẻ. Về phía nhà trường, phải tuyên truyền, giúp các em nhận biết hành vi để phòng tránh. Và cộng đồng cần đấu tranh mạnh mẽ những hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Về phía các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp cần mạnh tay, xử lý nghiêm minh những hành vi đồi bại này.

Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự 

Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự. Ảnh: Hồ Phương

Thực trạng xâm hại, dâm ô đối với trẻ em đã trở thành một hồi chuông báo động. Hành vi xâm hại và dâm ô với trẻ em giờ đây không chỉ xảy ra ở những nơi “khuất mắt”, mà còn ngang nhiên ở chốn công cộng, có camera quan sát. Bởi vậy, bây giờ môi trường nào cũng trở thành mối nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em nếu người lớn thiếu cảnh giác và chủ quan.

Để xảy ra tình trạng này một phần là do quy định của Bộ luật Hình sự về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi chưa minh định; không có định nghĩa rõ ràng thế nào là dâm ô cũng như thiếu nhất quán trong cách hiểu. Cho nên để xác định chứng cứ rất khó, nhiều vụ việc dâm ô trẻ em không thể xử lý pháp luật vì thiếu chứng cứ. Đây là một lỗ hổng pháp lý.

Trong khi đó, về phía bị hại – họ đã từng chứng kiến những mức án “xem nhẹ” hành vi dâm ô (cao nhất là 12 năm tù - Điều 146 Bộ luật Hhình sự) trở thành tâm lý cản trở, không muốn đưa sự việc ra pháp luật mà chấp nhận phương án thỏa hiệp với kẻ phạm tội.

Cần nâng mức phạt đối với hành vi dâm ô trẻ em. Ảnh: Internet

Cụ thể, Bộ luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em có các phần xử lý những kẻ xâm hại trẻ em, gồm độ tuổi khác nhau, dưới 16 tuổi, dưới 13 tuổi. Thế nhưng, xử lý dâm ô thường rất nhẹ, tối đa là phạt tù 3 năm; với xâm hại sẽ nặng hơn... Vậy nên, kẻ phạm tội cũng “xem nhẹ” mức án nên có tâm lý không sợ luật.

Một điều đáng lo ngại là định nghĩa "dâm ô" và "xâm hại" hiện chưa rõ ràng. Vậy nên, nhiều trường hợp, kẻ dâm ô đã "lách luật" để thoát tội. Để ngăn chặn những hành vi này, tôi cho rằng: Chính phủ và các cơ quan tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em phải nhìn nhận rõ nguy cơ. Quốc hội cần quan tâm sửa đổi Luật, tăng mức phạt lên gấp nhiều lần./.