Lợn chết vứt bừa bãi
Trong khi các ngành chức năng đang nỗ lực chống dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng trên địa bàn tỉnh thì tình trạng vứt lợn ra kênh mương vẫn tái diễn tại một số huyện. Trên dòngkênh N13 đoạn qua xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu,bốc mùi hôi nồng nặc. Nhiều con lợn chết trôi lềnh bềnh trên lòng kênh đang được công nhân Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu và người dân trục vớt.
Một công nhân Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu cho biết: Ngày nào cũng có lợn chết trôi trên lòng kênh, có ngày mắc tại miệng cống 4-5 con. Chúng tôi phải thuê máy xúc để trục vớt, tiêu hủy. Một người dân ở xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu bức xúc: Bà con đi làm đồng tại khu vực này không thể chịu được mùi hôi từ lợn chết phân hủy.
Ông Nguyễn Viết Thưởng - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu cho biết: Số lợn chết được vứt trên sông, kênh mương trôi theo dòng nước về hạ nguồn ở huyện Quỳnh Lưu đang ở mức báo động, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và phát tán dịch bệnh trên diện rộng. Vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp chính quyền địa phương các huyện đầu nguồn ở các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu cần khuyến cáo người dân có biện pháp phòng dịch, vận động tiêu hủy, không vứt trên lòng kênh như hiện nay.
Ngày 14/4, trên kênh thủy lợi Bàu Nón, đoạn chảy qua khối Trung Đông xã Vân Diên (Nam Đàn), người dân phát hiện một xác lợn nặng khoảng 60kg đang trong quá trình phân hủy, nổi trên mặt nước, bốc mùi hôi thối.
Cách đó khoảng 300m, cũng trên kênh Bàu Nón, đoạn gần xóm 1 xã Nam Thanh cũng có xác lợn đang phân hủy ngay trên mép cống gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo người dân nơi đây phản ánh, hơn nửa tháng nay, một bộ phận người chăn nuôi nhỏ lẻ, khi lợn bị bệnh dịch chết không báo với ngành chức năng, mà vứt xác lợn chết xuống kênh.
Xác lợn chết vứt xuống kênh khá nhiều, đủ trọng lượng. Do chưa có lực lượng trục vớt, nên bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối.
Trước đó, ngày 7/4, cũng trên kênh này, người dân đi làm đồng đã phản ánh, phát hiện nhiều lợn chết, có con nặng gần 70-80kg đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi thối trôi nổi trên dòng nước.
Theo Nghị định 90/2017 đối với hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường thì người vi phạm bị phạt tiền từ 5- 6 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng. Mức phạt tiền quy định nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thậm chí người vi phạm có thể bị xử lý hình sự các tội về môi trường theo quy định tại Chương 19 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017
Rác thải tràn lan
Có mặt tại đoạn kênh thuộc xóm 2, xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu thời điểm này, các loại rác thải dồn đọng cả lòng kênh mương dài hàng trăm mét, khiến nguồn nước đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hai bên bờ kênh, rác thải cũng phủ kín ken dày lối đi.
Anh Nguyễn Minh ở xóm 2, xã Diễn Tháp bức xúc nói: Hàng ngày nhiều người dân ở xã Diễn Tháp, Diễn Hồng đều qua đoạn mương này để đổ rác, biến nơi đây thành bãi rác mà không thấy ai xử lý. Được biết, đoạn kênh này dài hơn 5 km nối từ hệ thống kênh chính ba ra Đô Lương đi qua các xã Diễn Hồng, Diễn Tháp, Diễn Kỷ. Rác thải đổ xuống bừa bãi khiến tuyến kênh này ô nhiễm môi trường nước, khó khăn cho việc tưới tiêu.
Địa bàn huyện Quỳnh Lưu nằm cuối nguồn của các hệ thống kênh đào ba ra Đô Lương, kênh nam hồ chứa Vực Mấu. Nhiều năm qua, các dòng kênh này đều bị rác thải từ đầu nguồn đổ về, gây nên tình trạng ô nhiễm, tắc nghẽn các cống xi phông.Chị Trần Thị Minh ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu bức xúc: Rác thải tắc dồn từng đống, ngay ở cống xi phông gần nhà dân, mùi hôi thối, nồng nặc bay vào khu vực dân cư, khiến ai cũng phải đóng cửa cả ngày mà vẫn không thể chịu nổi.
Anh Nguyễn Ngọc Hòe, công nhân thủy lợi cụm Quỳnh Văn cho biết: Ngày nào công nhân chúng tôi, cũng phải vớt từ 2-3 tấn rác tràn về do nhiều người dân ở các xã phía trên vứt xuống dòng kênh. Nhiều hôm rác đổ về quá nhiều không thể lưu thông được, chúng tôi phải dùng máy bơm hút cả cống và chui vào để nạo vét rác. Nếu không có giải pháp để ngăn chặn các hộ dân thiếu ý thức khi xả rác thì tình trạng này chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.
Tương tự, trên hệ thống kênh đào từ ba ra Đô Lương về huyện cuối nguồn Quỳnh Lưu, tình trạng rác thải đổ xuống cũng đáng báo động. Hàng ngày, Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu phải điều động lực lượng công nhân vớt từ 7-8 tấn rác các loại/ngày trên tuyến kênh...