(Baonghean) - Thuỷ điện Bản Vẽ là công trình có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế và điều tiết xả lũ. Mặc dù từ khi vận hành đến nay, chưa bao giờ Thủy điện Bản Vẽ gặp sự cố trong vấn đề xả lũ, nhưng sau mỗi mùa mưa, việc rút kinh nghiệm, bổ cứu, diễn tập được Ban Giám đốc và Ban Chỉ huy PCLB của công ty tiến hành bài bản. 

Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ cách vị trí nhập lưu của nhánh sông Nậm Mô với sông Cả khoảng 20 km về phía thượng nguồn. Diện tích lưu vực tính tới tuyến đầu mối công trình Thuỷ điện Bản Vẽ là 8700 km2, trong đó có 7.080km2 thuộc địa phận Lào, chiếm 80% diện tích lưu vực. Khu vực công trình chính của Thuỷ điện Bản Vẽ nằm trên địa bàn xã Yên Na, khu vực lòng hồ nằm trên địa phận các xã của Tương Dương và Kỳ Sơn. Với nhiệm vụ cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia với công suất lắp máy 320MW, công suất đảm bảo 90MW, sản lượng điện bình quân hàng năm là 1084,2 triệu kWh; tham gia chống lũ tiểu mãn, giảm lũ đầu vụ cho hạ du; tạo nguồn nước bổ sung cho hạ du vào mùa kiệt thì công tác điều tiết nước để vừa tạo ra nguồn năng lượng vừa đảm bảo chống lũ là vấn đề mấu chốt. 
images1034653_3a_x__l__v_o_m_a_m_a___nh__m_y_th_y__i_n_b_n_v_.jpgXả lũ vào mùa mưa ở Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ.
Kỹ sư Nguyễn Văn Ngọc  - phụ trách thủy văn, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) của Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ cho hay: Do địa hình vùng này rất dốc nên về mùa lũ, nước tập trung nhanh, mùa khô dòng chảy cạn kiệt, nhất là các nhánh suối nhỏ thường bị khô cạn trong nhiều ngày gây nên tỉnh trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân vùng cao. Lượng mưa bình quân lưu vực Thuỷ điện Bản Vẽ là 1.788mm. Qua theo dõi, mùa lũ chính vụ năm 2013 trên các sông ở Nghệ An  có từ 6- 8 trận lũ. Vì vậy, công tác theo dõi thủy văn, theo dõi bão, lũ và lập phương án phòng, chống lụt bão sát với thực tế được chúng tôi rất chú trọng. Trước mỗi mùa mưa lũ, Ban Chỉ huy PCLB của Công ty kết hợp với chính quyền địa phương kiểm tra kỹ thiết bị xả lũ, hệ thống thiết bị cơ khí thuỷ công như: cầu trục chân đê, cửa nhận nước, các cánh phai, cửa xả nhà máy, cầu trục chân đê hạ lưu, cầu trục chân đê đập tràn, hệ thống nâng hạ cửa van cung, cửa van sửa chữa đập tràn... Bên cạnh đó, các hệ thống cấp điện chính, điện dự phòng cho vận hành cửa van công trình xả lũ, hệ thống cấp điện tự dùng, hệ thống điện áp xoay chiều 35kV lấy từ lưới địa phương... đều được trùng tu, bảo dưỡng, vận hành bình thường. Trong mùa mưa lũ, hệ thống thông tin liên lạc, điện thoại, loa phóng thanh, còi báo động... đều được kiểm tra để hoạt động ở mức độ tốt nhất. 
 
Trên cơ sở phương án xả lũ được Bộ Công Thương phê duyệt, Thủy điện Bản Vẽ đã dự kiến các tình huống an toàn đập có thể xảy ra và phương án xử lý. Nếu là các tình huống như mất toàn bộ nguồn cấp từ hệ thống điện tự dùng nhà máy, từ lưới điện thì sau khi nhận được tin, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB tiến hành: Lệnh cho Trưởng ca nhà máy chạy máy phát Diezel ở chế độ tự động để cấp điện tự dùng cho nhà máy. 
 
Nếu là tình huống lũ về hồ lớn, mực nước hồ dâng nhanh, các cửa van xả của đập tràn cần được mở để xả lũ nhưng trong quá trình thực hiện thì một cửa xả bị kẹt, không nâng lên được, phương án xử lý là điều động cán bộ kỹ thuật phân xưởng sửa chữa cùng vật tư, thiết bị đến hiện trường nơi sự cố đo đạc kiểm tra đánh giá tình trạng thiết bị; Huy động tổ máy phát điện phát với công suất tối đa, mở các cửa van còn lại với độ mở phù hợp; Họp đánh giá tình hình thuỷ văn đánh giá hiện trạng thiết bị đưa biện pháp xử lý; Báo cáo Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thông báo cho Nhà máy Thuỷ điện Khe Bố và nhân dân thượng, hạ lưu công trình Thuỷ điện Bản Vẽ để kịp thời phối hợp, có ứng xử khi cần thiết. 
 
 Nếu tình hình thuỷ văn diễn biến xấu đi (lưu lượng lũ về ≥ 7770m3/s), công tác xả lũ qua 5 cửa xả không đảm bảo, báo cáo Bộ Công Thương, UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Tập đoàn điện lực Việt Nam, thông báo cho Nhà máy Thuỷ điện Khe Bố, cho chính quyền địa phương để di chuyển dân cư khu vực nguy hiểm…Trên đây chỉ là những tình huống có thể xảy ra đối với một công trình có tầm ảnh hưởng lớn trong vấn đề xả lũ như ở Thủy điện Bản Vẽ.
 
Hằng năm, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đều kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCLB của đơn vị, do đồng chí Giám đốc công ty làm trưởng ban. Ngoài ra, công ty còn thành lập đội xung kích PCLB Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ gồm có 106 CBCNV tham gia nhằm ứng phó và xử lý nhanh các tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão. Công tác chuẩn bị về vật tư, vật liệu dự phòng, dụng cụ, thiết bị, xe gắn máy, lương thực, thuốc chữa bệnh được chuẩn bị đầy đủ.
 
Công ty cũng đã có Quy chế phối hợp phòng, chống lũ lụt cho Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ giữa Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ với Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Nghệ An, UBND huyện Tương Dương, Đài KTTV khu vực Bắc Trung bộ, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bên, từng đơn vị. Theo đó trách nhiệm của Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ vận hành hồ chứa theo đúng quy trình được Bộ Công Thương phê duyệt. Chuẩn bị tốt nhất cho công tác xả lũ và các phương án ứng phó tốt nhất đối với tình huống. Công ty cũng tiến hành diễn tập đầy đủ trước mỗi mùa mưa. 
 
Nhờ sự chăm lo cho công tác PCLB nên nhiều mùa mưa bão qua chưa có sự cố xảy ra đối với vùng hạ lưu. Tuy nhiên, công tác PCLB ở công trình Thủy điện Bản Vẽ vẫn luôn và cần được quan tâm, đầu tư và theo dõi để tránh được những sự cố không mong muốn, nhất là đầu tư phương án PCLB cho vùng hạ lưu khi phía dưới Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ còn có 2  nhà máy thủy điện khác. 
 
Bài, ảnh: Trân Châu
Theo quy chế phối hợp giữa Công ty Thủy điện Bản Vẽ và UBND huyện Tương Dương về PCLB: “Trong thời gian phòng, chống lụt bão và xả lũ, phải phối hợp nhịp nhàng, kịp thời với Nhà máy Thuỷ điện Khe Bố để giảm bớt thiệt hại về người và tài sản. Trong thời gian công trình Thuỷ điện Bản Vẽ vận hành xả lũ, nghiêm cấm người dân không được đi lại trong khu vực lòng hồ chứa của Thủy điện Bản Vẽ”.