(Baonghean) - Mùa mưa bão năm 2013, huyện Tân Kỳ có 24 cống tràn giao thông, hàng nghìn mét kênh mương thủy lợi bị sạt lở, trên 15 nghìn mét đường giao thông gắn với công trình thủy lợi ngập nước, sạt lở đất. Mùa mưa bão năm nay sắp đến, trên địa bàn huyện Tân Kỳ vẫn còn một số công trình thủy lợi đang thi công, nhiều hồ đập đang trong tình trạng ách yếu. UBND huyện Tân Kỳ đã có phương án chỉ đạo các ngành liên quan, chính quyền các địa phương chuẩn bị mọi phương án ứng phó với lũ lụt...
 
images1034214_2mna.jpgTràn Khe Thần trên tuyến đường huyết mạch vào xã Tiên Kỳ hàng năm thường bị nước lũ đẩy trôi.
 
Tiên Kỳ là xã vùng sâu, vùng xa của Tân Kỳ. Hàng năm, địa phương này phải hứng chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt gây nên: nước tràn qua các tuyến đường giao thông gắn với các công trình thủy lợi, sạt lở tràn Khe Thần, trên tuyến đường huyết mạch từ huyện vào xã. Anh Vi Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đến một số hồ đập trên địa bàn. Tại đập Kẻ Giềng, xóm 3, chúng tôi thấy thân đập thấp, mặc dù đã được đổ bê tông phần mặt, làm đường đi lại cho dân, nhưng chưa được ghép đá ta luy âm - dương, rất dễ sạt lở. Hiện tại, địa phương đã chuẩn bị nhiều xe ô tô đất tập kết dọc hai bên thân đập, khi mưa to, nước ngập thân đập, lực lượng tại chỗ sử dụng bao tải đựng đất, để ứng cứu. Ông Vi Văn Sỹ người dân xóm 3 cho biết: Hàng năm, tại đập nước này, nước lũ dồn về, gây ngập thân đập sâu tới quá đầu gối, đặc biệt đoạn qua tràn, nước ngập sâu hơn 1m, chảy xiết, người dân không thể qua lại được. Sau mỗi mùa mưa lũ, thân đập bị xói lở nhiều nơi, chính quyền địa phương và người dân phải đầu tư khắc phục. Mong muốn của người dân Tiên Kỳ là được các cấp, ngành đầu tư xây dựng chiếc cầu nhỏ bắc qua tràn và được đầu tư kè đá hộc ta luy thân đập. 
 
Hiện tại, xã Tiên Kỳ có 3 hồ đập đang trong tình trạng nguy cơ sạt lở cao: đập Thái Minh (xóm 4), đập Thung Mét và đập Kẻ Giếng. Những thân đập này có 2 nhiệm vụ là giữ nước và đồng thời làm đường giao thông chính cho người dân trong vùng. Vì thế, vào mùa mưa lũ, các tuyến đường này thường bị ngập nước khi có mưa to, người dân bị cô lập. Tại tràn Khe Thần, hầu như năm nào cũng bị lũ cuốn trôi, nhiều ngày liền người dân không thể qua lại được. Có mặt tại Khe Thần lúc này, được chứng kiến dấu tích của những tấm bê tông rộng hàng mấy mét vuông bị nước cuốn trôi cách tràn chừng 5 - 10m. Hai đầu tràn có chiều dài cả trăm mét, mặc dù đã được kè rọ đá, nguy cơ bị vỡ khi có mưa to là rất cao. Tràn Khe Thần nằm trên trục đường chính vào xã Tiên Kỳ, Nhà nước đã có dự án làm đường, làm cầu bắc qua tràn từ nhiều năm nay, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện. Mỗi khi mùa mưa lũ về, người dân lại bị dòng nước chia cắt nhiều ngày liền. 
 
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện, hiện tại trên địa bàn Tân Kỳ còn 2 công trình thủy lợi đang thi công, là đập Bãi Quyền (Nghĩa Phúc) và đập Đồng Đảng (Nghĩa Hành). Những công trình này, hiện tại đơn vị thi công đã hoàn thành xong phần kênh mương dẫn nước, thân đập và tràn, còn xây dựng phần cống dẫn nước và một số hạng mục nhỏ khác. Mặc dù thời điểm này trời đã có mưa, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nhưng huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công phải hoàn thành các công trình trước mùa mưa lũ năm 2014. 
 
Ngoài ra, trên địa bàn huyện vẫn còn một số công trình thủy lợi cần phải có phương án “4 tại chỗ”, như đập Cừa (xã Hương Sơn), đập Trăn (xã Nghĩa Bình), đập 271 (xã Kỳ Tân), đập Cây Đa (xã Tân Hương… xây dựng cách đây hàng chục năm, thân đập chưa được nâng cấp, rất dễ vỡ khi mực nước trong lòng đập dâng cao. UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan, đặc biệt đối với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tân Kỳ, phối hợp với các xã có công trình do công ty quản lý lập phương án phòng chống lụt bão một cách cụ thể đối với từng công trình. Ngoài ra, cử cán bộ kỹ thuật cùng với Ban chỉ huy PCLB huyện kiểm tra các địa bàn có công trình xung yếu, như: Nghĩa Đồng, Nghĩa Dũng, Tân Xuân, Nghĩa Phúc, Đồng Văn. Tại đập Trường Thọ, xã Nghĩa Dũng, cần phải có phương án chủ động di dãn dân phía hạ lưu, vì trữ lượng nước khá lớn, thân đập lại yếu...
 
Với một địa phương có nhiều hồ đập, tràn qua đường và nhiều công trình thủy lợi, vào mùa mưa bão hàng năm, nhiều công trình bị hư hỏng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Ngoài công tác ứng phó với mưa bão, UBND huyện Tân Kỳ cần chủ động sớm khắc phục hậu quả, nhất là tại các công trình tràn giao thông, gắn với thủy lợi!
 
Xuân Hoàng