(Baonghean) - Xã hội hóa thể thao là chủ trương lớn có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển sự nghiệp TDTT. Trong khi ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp thì xã hội hóa TDTT đang được đặt ra rất cấp thiết để thúc đẩy phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại".
Những điểm sáng
Là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh, TP Vinh cũng là nơi mà công tác xã hội hóa các hoạt động thể dục, thể thao diễn ra mạnh mẽ. Biểu hiện rõ nhất là những năm qua, hệ thống các công trình phục vụ cho hoạt động vui chơi, thi đấu thể thao do các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng ở thành phố đã tăng đáng kể, điển hình là các sân bóng đá nhân tạo, các câu lạc bộ bi - a, thể dục thẩm mỹ, các hồ bơi, sân tennis… Một số phường đã xã hội hóa đầu tư và đưa vào sử dụng các sân bóng đá cỏ nhân tạo do phường quản lý, với tổng mức kinh phí xã hội hóa lên tới trên 1 tỷ đồng như phường Hưng Phúc, phường Hà Huy Tập. Ông Ngô Xuân Nam – Phó Bí thư Đảng ủy phường Hà Huy Tập cho biết: “Để tạo sân chơi cho các bạn trẻ, UBND phường đã phối hợp với một doanh nghiệp thực hiện dự án Trung tâm thể thao phường, gồm 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo, thay thế cho sân bóng lầy lội vào mùa mưa và bụi bặm vào mùa nắng trước đây. Được hoàn thành trong tháng 3/2013, bên cạnh kinh doanh dịch vụ, thu hút đông đảo thanh thiếu niên, sân đã phục vụ tốt một số sự kiện thể thao của phường như Hội khỏe Phù Đổng Trường Tiểu học Hà Huy Tập, Đại hội Thể dục thể thao phường, góp phần đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao của phường”.
Bên cạnh đó, thành phố thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa cho tổ chức các hoạt động thi đấu như: Phối hợp với Đài PTTH tỉnh và CLB xe đạp thành phố huy động tài trợ để tổ chức các giải đua xe đạp với tổng kinh phí 600 triệu đồng; phối hợp với CLB sức khỏe người cao tuổi huy động được trên 50 triệu đồng để tham gia thi đấu giải vô địch thể dục dưỡng sinh tại Vũng Tàu; phối hợp với các CLB Bi - a Snoocker kêu gọi xã hội hóa được gần 150 triệu đồng để tổ chức giải Bi - a Snoocker mở rộng lần thứ nhất và thứ hai; phối hợp tổ chức Giải bóng đá cúp Hoàng đế Quang Trung lần thứ nhất (gần 100 triệu đồng)…
Một địa phương khác cũng thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa thể thao là Quỳnh Lưu. Hàng năm, Trung tâm TDTT huyện lên kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện cùng tham gia tổ chức các giải thể thao như: Giải bóng đá TN-NĐ Cúp truyền hình Quỳnh Lưu, Giải chạy việt dã truyền thống, giải đua thuyền, đẩy gậy tại Lễ hội Đền Cờn, Giải cầu lông cán bộ công nhân viên chức dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Giải bóng chuyền nam, nữ nông dân "Bông lúa vàng", Giải bóng chuyền kỷ niệm ngày doanh nhân... Tùy theo hình thức tổ chức và cơ cấu của từng giải, Trung tâm TDTT huyện phối hợp với các ngành, các đơn vị, địa phương cùng tham gia tổ chức và huy động các "Mạnh Thường Quân" như Nhà máy xi măng Hoàng Mai, Công ty CPXD miền Trung, Công ty điện tử Thắng Liên, các công ty TNHH Chiến Kết, Hồng Đào, Trường Thịnh... tài trợ kinh phí.
Hàng năm, huyện tổ chức được 8 - 9 giải thể thao quy mô lớn với sự tham gia của hàng ngàn VĐV không chuyên. Mỗi giải đấu cấp huyện huy động được từ 80-100 triệu đồng. Từ các giải đấu này, mỗi năm có 20-25 VĐV năng khiếu của huyện được tuyển chọn vào Trung tâm Đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh và CLB bóng đá SLNA. Nhờ xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động thể thao nên trong nhiều năm qua, tại các kỳ đại hội TDTT toàn tỉnh, Quỳnh Lưu luôn là đơn vị dẫn đầu tỉnh. Đến nay, toàn huyện có trên 100 nghìn người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình thể thao" chiếm gần 40%.
Theo ông Nguyễn Danh Nam – Phó phòng Nghiệp vụ thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), những năm qua, công tác xã hội hóa thể thao trên địa bàn tỉnh đã diễn ra khá sôi nổi. Hiện nay toàn tỉnh đã có trên 200 cơ sở thể thao do tư nhân xây dựng, nhiều nhất là các sân cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, phòng tập võ, thể dục - thể hình, thể dục thẩm mỹ... Số cơ sở này đã góp phần thu hút người dân rèn luyện TDTT thường xuyên, qua đó đóng góp số lượng vận động viên chuyên nghiệp cho tỉnh. Một số giải thể thao phong trào cấp tỉnh được tổ chức nhờ nguồn tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, trong đó nhiều giải đã thành truyền thống, đóng góp tích cực vào sự thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục thể thao như: Giải việt dã Eximbank, Giải bóng đá TN – NĐ Cúp Báo Nghệ An, Giải quần vợt tỉnh…
Còn nhiều băn khoăn
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là xã hội hóa còn mang nặng tính nhỏ lẻ và tự phát, các chính sách và giải pháp xã hội hóa thiếu sự đồng bộ mà biểu hiện đầu tiên là có sự chênh lệch lớn về mức độ xã hội hóa giữa các môn thể thao và các địa phương. Các hoạt động thể thao phong trào, do gắn liền với cộng đồng và diễn ra thường xuyên nên dễ tìm kiếm nguồn kinh phí xã hội hóa hơn hoạt động gắn với thể thao thành tích cao. Thế nên, ở các bộ môn như bóng đá mini, cầu lông, quần vợt, bi-a, việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để tổ chức các giải đấu cũng thuận lợi hơn nhiều, dù các môn này không được đưa vào thi đấu huấn luyện, thi đấu thành tích cao. Còn các môn khác như điền kinh, võ thuật, cầu mây, đá cầu, bóng chuyền…, việc tổ chức các giải đấu để tuyển chọn vận động viên vào các đội tuyển của tỉnh luôn gặp rất nhiều khó khăn do không thu hút nhiều doanh nghiệp mặn mà bỏ kinh phí tài trợ. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyển chọn vận động viên thành tích cao. Ngoài ra, việc xã hội hóa thể thao cũng mới chỉ diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương đồng bằng, còn ở các huỵện miền núi như Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… đang gần như bị “trắng”.
Mặt khác, theo Nghị định số 112/2007/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao” và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP “Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường” thì các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thành lập cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và đất đai theo quy định của pháp luật có liên quan. Thế nhưng, ở tỉnh ta, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cơ sở thể thao của tỉnh đã không được hưởng những ưu đãi này. Ngoài ra, một số hồ bơi, sân tennis, phòng tập thể hình, thể dục thẩm mỹ… ra đời nhưng chưa đạt chuẩn về thiết kế, những người phụ trách chưa được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ, dẫn đến vừa tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cũng như không đóng góp nhiều cho sự phát triển về chất lượng của bộ môn.
Để đẩy mạnh xã hội hóa thể thao, thiết nghĩ, ngành TDTT nên rà soát lại các chính sách về thể dục thể thao và qui hoạch về mạng lưới các cơ sở TDTT để từ đó có chính sách xã hội hóa đồng bộ giữa các bộ môn và vùng miền. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy việc thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thể thao để các tổ chức này thể hiện được vai trò của mình trong việc kêu gọi các nguồn xã hội hóa để tổ chức các giải đấu, đào tạo vận động viên năng khiếu. Ngoài ra, các ngành liên quan của tỉnh cần thực hiện đúng những chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai và có những hướng dẫn cụ thể để những công trình TDTT do tư nhân đầu tư xây dựng được đúng chuẩn, đảm bảo an toàn cho người luyện tập.
Minh Quân