Sáng 30/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An làm việc với UBND tỉnh về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn giám sát.
Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.
BÀI TOÁN SẮP XẾP, BỐ TRÍ CÔNG CHỨC CÁN BỘ DÔI DƯ
Toàn tỉnh Nghệ An trước khi sắp xếp có 480 xã, phường, thị trấn (431 xã, 32 phường, 17 thị trấn). Sau khi sắp xếp còn lại 460 xã, phường, thị trấn (411 xã, 32 phường, 17 thị trấn).
Cụ thể, toàn tỉnh có 39 ĐVHC cấp xã sắp xếp (sáp nhập, điều chỉnh, khuyến khích, liền kề) còn lại 19 ĐVHC, giảm 20 ĐVHC; trong đó 16 ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 1; 4 ĐVHC thuộc diện khuyến khích sắp xếp; 19 ĐVHC liền kề có liên quan đến sắp xếp ĐVHC cấp xã.
Trước khi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành giám sát tại các xã được sáp nhập, làm việc trực tiếp với các huyện Quế Phong, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghĩa Đàn; giám sát thông qua báo cáo đối với các huyện Tương Dương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Thanh Chương, thị xã Thái Hòa.
Trên cơ sở giám sát trực tiếp, gián tiếp và qua nghiên cứu báo cáo của UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH đánh giá đến nay, các ĐVHC cấp xã mới đi vào hoạt động, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị được ổn định và có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, qua giám sát có một số vấn đề và tại cuộc làm việc Đoàn đề nghị UBND tỉnh giải trình làm rõ thêm liên quan đến các nội dung như: Sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, vì hiện nay vẫn còn dôi dư 196 cán bộ, công chức sau sáp nhập.
Việc bố trí chức danh công chức tại một số đơn vị chưa hợp lý, đang chủ yếu tập trung tại xã mới sáp nhập, thừa thiếu cục bộ, một số chức danh bố trí nhiều người từ 4 đến 6 người/xã như Văn phòng - Thống kê; Tư pháp - Hộ tịch; Tài chính - Kế toán; Văn hóa trong khi đó lại thiếu chức danh Địa chính - Xây dựng.
Qua giám sát, địa phương cũng phản ánh, sau sáp nhập một số Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã dôi dư không được giải quyết chính sách hỗ trợ sau sáp nhập ĐVHC.
Việc xử lý tài sản công sau sáp nhập ở một số địa phương cũng chưa rõ ràng. Vấn đề đo đạc, cắm mốc, xác định đường địa giới hành chính trên thực địa và lập hồ sơ bản đồ địa giới hành chính sau sắp xếp đang chờ thực hiện theo Dự án 513.
Đa số các địa phương sau sáp nhập đều phản ánh công tác quản lý, đăng ký hộ tịch gặp khó khăn, thiếu cơ sở dữ liệu và đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo cung cấp phần mềm về quản lý, đăng ký hộ tịch cho đơn vị. Đoàn Giám sát cũng đề nghị làm rõ có tiếp tục sắp xếp các ĐVHC đối với 14/39 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn sau sắp xếp giai đoạn vừa qua hay không?
Sau khi lãnh đạo một số sở, ngành liên quan trao đổi, làm rõ hơn các nội dung Đoàn Giám sát đặt ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đã phát biểu xung quanh nội dung này. Đặc biệt, đối với phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư, đồng chí kiến nghị cần có phương án tổng thể của Chính phủ; đồng thời Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức không qua thi tuyển.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung nhận định, mặc dù trong bối cảnh triển khai sắp xếp ĐVHC cấp xã triển khai trong thời gian ngắn, song UBND tỉnh đã rất tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai bài bản, chắc chắn, khoa học.
Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, các nội dung đặt ra, thay mặt Đoàn Giám sát, đồng chí Thái Thị An Chung đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các địa phương và cán bộ, công chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của sắp xếp ĐVHC theo Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, xây dựng phương án chỉ đạo UBND các cấp, nhất là cấp huyện rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức dư dôi để có phương án giải quyết thấu đáo, đồng thời quan tâm các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến vấn đề xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập; đồng thời quan tâm chỉ đạo công tác quản lý ngân sách và tài sản công trước và sau khi sắp xếp ĐVHC để phát huy hiệu quả, tránh lãng phí; mặt khác tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ đặc thù thêm cho các đơn vị sau sáp nhập nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất làm việc tốt hơn.
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh, các đơn vị liên quan quan tâm hoàn thiện chuyển đổi các giấy tờ cho công dân khi họ có nhu cầu.
Quan tâm rà soát các quy hoạch, phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch, hoàn thiện bản đồ địa chính để sớm có bản đồ hành chính của đơn vị mới sau sắp xếp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để giải quyết tốt hơn nhu cầu của công dân tại các địa phương sáp nhập.
Trước thực trạng số ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh chưa đạt chuẩn còn khá nhiều, Đoàn Giám sát đề nghị, tỉnh cần có sự chủ động sớm, tính toán kỹ các phương án để nếu sau này có chủ trương sắp xếp thì việc thực hiện được chủ động và đạt hiệu quả tốt hơn.
Sau cuộc làm việc này, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp các thông tin liên quan, đặc biệt là kiến nghị của tỉnh, các địa phương liên quan để hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.